Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh- nhà thơ triết lý trong phim tài liệu

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Đào Trọng Khánh vừa qua đời chiều 20/9 tại quê nhà Hải Phòng, hưởng thọ 83 tuổi. Ông là nghệ sĩ nổi tiếng, một trong những đạo diễn, nhà sản xuất phim tài liệu hàng đầu của Việt Nam với nhiều giải thưởng lớn. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND năm 2000 và được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh. (Ảnh: Báo An ninh Hải Phòng)
Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh. (Ảnh: Báo An ninh Hải Phòng)

Tuổi trẻ đầy cảm xúc. Thơ đến với Đào Trọng Khánh như một lẽ tự nhiên từ trước khi ông bước vào nghiệp điện ảnh. Cùng thế hệ làm thơ với ông, có nhiều tên tuổi khác. Mỗi người cố gắng ghi dấu ấn riêng của mình vào thơ bằng giọng thơ, bằng cách khai thác đề tài, bằng suy tư. Đào Trọng Khánh làm thơ không nhiều, nhưng ông luôn được bạn đọc chú ý.

Bởi ngay từ những bài thơ đầu tiên, ông không viết một cách dễ dãi, bồng bột. Thay vào đó, là những bài thơ vững về cấu trúc, giàu chất suy tưởng, nhưng vẫn đậm chất trữ tình: "Thượng Lý tiễn người đi mây trắng ngang trời/ Nơi tay em ôm là nơi đạn quân thù bắn tới/ Em vẫn nhìn xanh ngát tận xa khơi…".

Đào Trọng Khánh đến với phim tài liệu như một cơ duyên. Xem phim của các đồng nghiệp, ông nhận ra thế mạnh của mình. Đó là khả năng xây dựng câu chuyện mạch lạc, cấu trúc rõ ràng và nhất là lời bình giàu cảm xúc. Tâm hồn của nhà thơ va đập với những vấn đề của thời đại, của cuộc sống không làm mất những hình ảnh thơ trong sáng, cao đẹp mà còn làm tăng thêm tính hình ảnh với những ẩn dụ tinh tế, những so sánh, liên tưởng phong phú.

Đồng nghiệp còn luôn nhắc tới những bộ phim mà Đào Trọng Khánh vừa đảm nhận vai trò biên kịch và đạo diễn đã thành công như: Những khu vườn, Đôi mắt của Tổ quốc. Hai bộ phim này đã giành giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 năm 1983.

Đạo diễn Đào Trọng Khánh có niềm đam mê với sách. Ông đọc nhiều, nhưng cách đọc của ông là cách đọc của người chiêm nghiệm, suy tư. Mỗi chi tiết, mỗi sự kiện đối với Đào Trọng Khánh luôn là những mỏ vàng. Ông khai thác, chiếu điểm nhìn từ nhiều góc độ, để từ đó, bàn luận và nâng tầm nhận thức cho độc giả. Ông đặc biệt say mê nghiên cứu cuộc đời của những vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Mỗi hình ảnh, mỗi lời nói của Bác trong từng giai đoạn lịch sử, đều được ông nghiền ngẫm phân tích, đánh giá chiều sâu tư tưởng và xác định giá trị đối với hiện tại, tương lai. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7, năm 1985, Đào Trọng Khánh đạt được những thành công rực rỡ. Các bộ phim của ông: Việt Nam-Hồ Chí Minh, Một phần năm mươi giây cuộc đời đã vinh dự nhận giải thưởng cao quý Bông sen vàng. Bản thân tác giả Đào Trọng Khánh được giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho cả hai bộ phim.

Không dừng lại ở danh xưng đạo diễn phim tài liệu, tiếp xúc với ông, người ta nhận ra đây là một nhà văn hóa. Ông luôn quan tâm đến lịch sử, đến chiều sâu văn hóa dân tộc.

Những năm sau này, thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cuốn hút Đào Trọng Khánh xây dựng thành công những bộ phim giá trị: Hồ Chí Minh-hình ảnh của Người (1990), Hồ Chí Minh với Trung Quốc (1996)... Tiếp tục nguồn cảm hứng về những lãnh tụ cách mạng, Đào Trọng Khánh đã xây dựng những bộ phim chân dung đầy cảm xúc, giàu sức thuyết phục: Đồng chí Phạm Văn Đồng và Một thế kỷ một đời người về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Không dừng lại ở danh xưng đạo diễn phim tài liệu, tiếp xúc với ông, người ta nhận ra đây là một nhà văn hóa. Ông luôn quan tâm đến lịch sử, đến chiều sâu văn hóa dân tộc. Khi đạo diễn Trần Văn Thủy bắt tay vào làm bộ phim tài liệu Hà Nội trong mắt ai đã mời đồng nghiệp Đào Trọng Khánh viết kịch bản và lời bình.

Cũng trong thập kỷ 1980 đầy sôi động, Đào Trọng Khánh còn hoàn thành kịch bản cho bộ phim Trở về với tuổi xuân trong sáng. Ít năm sau, ông lại bắt tay vào việc xây dựng kịch bản và dàn dựng bộ phim Vũ nữ Trà Kiệu. Dẫu những đề tài này đã có nhiều người khai thác, nhưng dưới góc nhìn của ông, mỗi hình ảnh, mỗi lời bình đều mang lại cho người xem những cảm xúc tươi rói, những ý nghĩ sâu sắc, bất ngờ đầy thú vị.

Trong cuộc sống, Đào Trọng Khánh là người quảng giao. Đi đến đâu, ông cũng có bầu bạn. Những nhà văn, những nhà trí thức, những nhà văn hóa luôn trân trọng đón tiếp ông với niềm cảm phục, quý trọng. Ông luôn mang đến cho mọi người những quan sát mới, những nhận thức mới, những suy tưởng mới về những điều tưởng như đã cũ.

Ông là người sống chân tình, sâu sắc với người thân, đồng nghiệp. Những câu chuyện cảm động về cách ứng xử đầy tính nhân văn của Đào Trọng Khánh được bạn bè nhắc tới nhiều. Họ coi đó là những mẫu mực trong cách ứng xử hằng ngày. Những năm cuối đời, ông lui về Hải Phòng. Sống như một ẩn sĩ. Nhưng, trái tim ông vẫn dạt dào cảm hứng yêu đời, yêu người.

Hai tập hồi ký Đất và người của ông đầy ắp những ký ức, những kỷ niệm, những khát khao dâng hiến tài năng và sức lực cho cuộc đời. Ông mất đi, song tấm gương của một người trí thức, một đạo diễn tài hoa, một con người suốt đời cống hiến cho nghệ thuật điện ảnh, cho nền văn hóa nước nhà, mãi còn ngời sáng.