Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh sinh năm 1940 tại huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Đầu những năm 1960, trước khi đến với điện ảnh, ông là công nhân cảng Hải Phòng. Năm 1965, Đào Trọng Khánh khởi đầu sự nghiệp nghệ thuật bằng lĩnh vực phim tài liệu. Ông sử dụng máy quay, ghi lại những thước phim lịch sử về Hải Phòng thời điểm bị máy bay Mỹ bắn phá. Nhiều năm công tác tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Đào Trọng Khánh đảm nhiệm hầu hết mọi vai trò từ viết kịch bản, lời bình, làm đạo diễn cho hàng loạt phim tài liệu. Dù ở vai trò nào, ông cũng tạo nên dấu ấn đặc biệt về phong cách nghệ thuật khi chất thơ được vận dụng tinh tế vào thể loại điện ảnh thường bị coi là khô khan. Với những đóng góp xuất sắc cho nền điện ảnh nước nhà, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND năm 2000 và trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007 cho các tác phẩm phim tài liệu: 1/50 giây cuộc đời, Việt Nam - Hồ Chí Minh, Vũ nữ Trà Kiệu, Truyền kỳ sự thật, Hình bóng tổ tiên...
Trong hành trình nghệ thuật khoảng 50 năm, ngoài những tư liệu đã được dựng thành phim, NSND Đào Trọng Khánh đã tập hợp các tư liệu còn lại, đúc kết thành tập truyện ký Đất và người. Cuốn sách chia thành hai phần: Phần một là tập hợp các bài viết của ông về những giá trị nhân văn cao cả của Cách mạng Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp,... và giá trị của thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước; phần hai là những bài viết về bạn bè, nghệ sĩ đồng nghiệp như Võ An Ninh, Nguyễn Tư Nghiêm, Hồng Sến, Lưu Quang Vũ, Thi Hoàng, Thanh Tùng...
Ở mảng chân dung nghệ sĩ, Đào Trọng Khánh thể hiện sự tinh tế, tài hoa khi xây dựng được những nét riêng của nhân vật: "Nguyên Hồng uống rượu say, đứng ngây râu nhìn dòng sông Tam Bạc; Thanh Tùng áo thợ lấm những vết dầu mỡ, lúc đọc thơ mắt đỏ lên như không biết gì"... Tác giả cũng viết nhiều về Hải Phòng, mảnh đất ông sinh ra và lớn lên với những địa danh nổi tiếng một thời: Sở Dầu, Sáu Kho, Chợ Sắt, Tam Bạc. Cuốn sách Đất và người dày gần 500 trang, bìa in bức tranh Tam bạc của họa sĩ Lưu Công Nhân và phụ bản gồm minh họa của các họa sĩ Trịnh Tú, Hoàng Phượng Vỹ, Nguyễn Thị Hiền, Đặng Tiến, Phạm Trần Quân. Trong lời đề tựa, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, NSND Đào Trọng Khánh dù làm văn, làm báo, làm điện ảnh thì đó cũng chỉ là thân cây, là cành, là ngọn còn gốc của ông là một thi nhân. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, cuốn sách giản dị như chính tác giả. Trải qua nhiều biến cố, thời gian, lịch sử nhưng ông vẫn in lại và giữ nguyên vẹn những gì mình đã viết trong quá khứ. Đó là sự trung thực, dũng cảm, tôn trọng ký ức của một người nghệ sĩ. Ông viết nhiều thể loại, đắm mê và cẩn trọng và luôn cố gắng để trở thành chính mình.
Chia sẻ về chặng đường làm nghệ thuật, NSND Đào Trọng Khánh kể lại, hầu hết các phim ông thường làm một mình, thành ra phim rất lạ. Riêng với cuốn sách đầu tiên trong cuộc đời, ông nhận định, có lòng trắc ẩn mới ra con người. Dù làm phim hay viết sách, Đào Trọng Khánh luôn giữ quan niệm, phía sau một tác phẩm chính là tác giả. Tác phẩm là sự trình bày suy nghĩ, tư tưởng và cảm xúc của người viết. Có lẽ, vì thế mà các tác phẩm của ông luôn thấp thoáng tâm hồn nhạy cảm, ấm nồng và sâu sắc. Miệt mài cống hiến, được công nhận về thành tựu, song cách ông nói về nghề nghiệp thật giản dị, khiêm nhường: "Trên đời không có nghệ sĩ lớn, nghệ sĩ nhỏ. Trời cho mình làm gì mình làm cái đó. Việc to, việc nhỏ đều là công việc của mỗi người".