Một trong những yếu tố mà ê-kíp làm phim tự hào là mức độ dày dặn của tư liệu, tài liệu trong bộ phim. Đạo diễn Nguyễn Lê Anh, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Điện ảnh Nhân Dân, cũng là “tổng chỉ huy” bộ phim cho biết, ý tưởng làm một bộ phim về biển đảo Tổ quốc nảy ra trong thời gian Hãng thực hiện bộ phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình”. “Khi đi tìm tư liệu ở trong và ngoài nước, chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều tư liệu, tài liệu quý nói về việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Ngoài những tư liệu lịch sử trong nước, tiêu biểu nhất là các châu bản, mộc bản triều Nguyễn, còn có rất nhiều ghi chép, hình vẽ của các nhà truyền giáo, nhà buôn của Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, xây dựng được các chứng lý, bản đồ… Khi đó, chúng tôi đã nảy ra ý tưởng làm một bộ phim về chủ quyền biển đảo. Sau này, khi xây dựng kịch bản, chúng tôi đã quyết định làm một bộ phim tổng thể về biển đảo, bao gồm cả bảo vệ chủ quyền và văn hóa, kinh tế” - anh Lê Anh cho biết.
Đoàn làm phim ghi hình tại một bảo tàng trong nước. |
Tư liệu làm phim được ê-kíp khai thác từ nhiều nguồn, trong đó có nhiều trung tâm lưu trữ ở nước ngoài. Đặc biệt, đoàn làm phim đã tìm được một bản đồ Việt Nam từ thời Nguyễn do các nhà truyền giáo vẽ, hiện đang được lưu giữ tại Hà Lan. Đoàn cũng tham khảo các thư viện ở Mỹ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp… trong đó có các ghi nhận của các nhà truyền giáo, nhà buôn, thậm chí cả các công chức đi đến nhiều vùng đất thuộc địa, ghi chép, mô tả lại cuộc sống, con người, phong tục, văn hóa, kinh tế, xã hội…
“Tư liệu là thế mạnh của bộ phim này. Hội đồng duyệt phim cũng đánh giá cao tư liệu của phim” - đạo diễn Lê Anh nói.
“Chúng tôi đã được thấy một bản đồ thời Nguyễn của Việt Nam, do các nhà truyền giáo vẽ. Họ vẽ cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và gọi đơn giản là Dải cát vàng. Điều này rất phù hợp với các bản đồ nhà Nguyễn vẽ sau này. Rồi sau này chúng ta có châu bản, mộc bản. Mộc bản hiện nay đang được lưu giữ rất tốt ở Việt Nam. Và cũng duy nhất Việt Nam hiện nay đang có lưu giữ châu bản, mộc bản về biển đảo”.
Phim “Việt Nam - Tổ quốc nhìn từ biển” gồm 3 phần: Khẳng định và bảo vệ chủ quyền, Phát triển kinh tế miền biển và Đời sống văn hóa biển đảo. Mỗi phần khoảng 12-15 tập, dự kiến dài khoảng 40 tập.
Phần Khẳng định và bảo vệ chủ quyền dự kiến dài khoảng 15-16 tập, nói về khẳng định và bảo vệ chủ quyền. Nội dung này được xây dựng theo cách nhìn xuyên suốt từng giai đoạn, từ thời xa xưa cho đến hiện nay. Những chứng cứ khẳng định chủ quyền biển đảo có từ thời Lý, Trần…, đặc biệt là dưới thời Nguyễn. Và việc khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo này được những người con đất Việt gìn giữ và tiếp nối thành truyền thống qua nhiều thời kỳ, dưới nhiều thể chế khác nhau.
Bộ phim cũng sử dụng rất nhiều tư liệu về việc kiên quyết giữ gìn biển đảo, và tôn vinh những người đã ngã xuống để bảo vệ biển đảo. Phim đề cập đúng bản chất sự việc, những phản ứng của Việt Nam, các chính sách ngoại giao, khẳng định chủ quyền bằng đối thoại, luật pháp…
Ở nội dung Đời sống văn hóa biển đảo, phim đề cập đến những mặt phong phú của văn hóa biển đảo, từ những phong tục tập quán xa xưa, những di tích, truyền thống, cho đến những câu chuyện văn hóa liên quan đến biển đảo ở thời kỳ hiện tại. Tất cả những điều đó tạo ra một không gian văn hóa, một đời sống văn hóa, góp phần vào văn hóa Việt Nam, rất hay và xúc động, củng cố lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
“Văn hóa biển đảo ở đây cũng góp phần khẳng định chủ quyền, thí dụ như một ngôi chùa trên một hòn đảo nhỏ ở Trường Sa, được xây dựng từ thời Nguyễn Ánh. Phim cũng ghi nhận những công lao to lớn của các vua chúa thời Nguyễn trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền và xây dựng văn hóa, trong đó có văn hóa biển đảo”.
Ở nội dung Phát triển kinh tế miền biển, bộ phim nói đến các lĩnh vực của kinh tế biển đảo. Phần này đề cập đến các nghề từ xa xưa, trong đó có đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Những vấn đề hiện tại cũng được nhắc đến như biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các ngành kinh tế biển như thế nào, các loại năng lượng mới, năng lượng tái tạo…, cùng nhiều nội dung về kinh tế biển, quy hoạch, đặc biệt là du lịch. Ở phần này, phim nhìn nhận ngư dân cũng là những người bảo vệ chủ quyền, các ngành kinh tế vươn ra biển cũng có ý nghĩa bảo vệ chủ quyền.
Điều đặc biệt của bộ phim là đoàn làm phim đã ghi hình được trực tiếp tàu của Việt Nam bảo vệ giàn khoan xa nhất là Hải Thạch trong một lần tranh chấp.
“Việt Nam - Tổ quốc nhìn từ biển” được thực hiện công phu, với kịch bản được chuẩn bị từ năm 2019. Dự kiến, phim được phát hành trong tháng 9, và đạo diễn Nguyễn Lê Anh mong mỏi bộ phim sẽ được các đài truyền hình địa phương, các cơ quan, đơn vị, trường học đón nhận rộng rãi để tăng sức lan tỏa.