Lễ trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho nghề nấu xôi Phú Thượng.
Lễ trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho nghề nấu xôi Phú Thượng.

Nghề làm xôi Phú Thượng và hành trình trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

NDO - Làng Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) với nghề nấu xôi truyền thống vang danh đất Hà Thành. Với những giá trị độc đáo đó, nghề làm xôi nơi đây đã được ghi danh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Mỗi dịp xuân về, Hà Nội lại rộn ràng với hàng nghìn lễ hội khác nhau. Thế nhưng, Lễ hội làng Phú Thượng vẫn có một "chỗ đứng riêng" bởi những phong tục độc đáo, không đâu có, trong đó nổi bật nhất là hội thi thổi xôi, dâng lễ vật cho Thành hoàng làng.

TỪ NHỮNG CHÕ XÔI MANG VỊ NƯỚC NHỊ HÀ...

Xưa có câu ca rằng: “Làng Gạ có gốc cây đề/Có sông tắm mát, có nghề nấu xôi”. Làng Gạ xưa, nay thuộc phường Phú Thượng có nghề thổi xôi từ bao giờ thì không ai rõ. Nhờ nước mát của dòng Nhị Hà và phù sa màu mỡ mà làng Gạ xưa có cánh đồng lúa trù phú, phì nhiêu. Mỗi khi vào mùa, hương lúa thơm ngát triền đê sông Hồng… Từ những cánh đồng màu mỡ này, người dân làng Gạ trồng được hai loại gạo thượng hạng là nếp cái hoa vàng và nếp dâu keo để đồ xôi. Để có một chõ xôi ngon đậm chất xôi Phú Thượng, người dân nơi đây phải bỏ ra nhiều công phu.

Nghề làm xôi Phú Thượng và hành trình trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 1

Độc đáo mâm xôi truyền thống làng Phú Thượng.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, với thâm niên 45 năm “ăn ngủ” cùng xôi không giấu nổi niềm vui trong ngày hội. Bà kể: Ngay từ năm lên 7 tuổi, bà được được mẹ sai ngâm đỗ, ngâm lạc, sàng gạo để thổi xôi.

Nguyên liệu nấu cũng phải được chuẩn bị từ buổi chiều hôm trước. Từ vo gạo, ngâm đậu, rửa lá gói đều phải hoàn tất tinh tươm. Gạo phải chuẩn nếp cái hoa vàng. Đỗ, lạc lựa cẩn trọng, không để lẫn hạt mốc. Gạo vo thật sạch, rồi ngâm khoảng 3 tiếng cho nước thật trong. Đến lúc này, công đoạn nổi lửa mới chính thức bắt đầu. Xôi sau khi thổi sẽ được trút ra rổ lớn. Người làng dùng đũa đảo đều để thoát hơi, sau đó để khoảng vài tiếng trước khi vẩy qua nước, bóp đều.

Sớm hôm sau, những người thợ lại thức dậy, đồ lại một lần nữa rồi mới phân loại, chất đầy lên xe máy mang đi bán khắp Hà thành. Bởi vậy, dân Phú Thượng chẳng lạ gì với tiếng nồi loang choang vang lên lúc... gà chưa thức. Khoảng 2-3 giờ sáng, mùi nếp mới đồ sẽ dậy lên trong từng ngõ nhỏ.

Ở Phú Thượng, gần như ai trong làng cũng biết đồ xôi, làm bánh, nấu rượu. Thế hệ lớp lớp nối tiếp nhau tạo thành mạch chảy vững bền hàng trăm năm cho ngôi làng cổ. Hiện, làng có 3 nghệ nhân và khoảng 600 gia đình đang "thổi lửa" nấu xôi đưa tới khắp Hà thành. Gánh xôi đời người của các mẹ, các chị không chỉ giúp mỗi gia đình của làng Gạ xưa qua cơn đói kém, xôi Phú Thượng ngày nay còn giúp người dân làm giàu, trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao mang lại nguồn lợi cho người dân và địa phương.

Nghề làm xôi Phú Thượng và hành trình trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 2

Đôi bàn tay tỉ mẩn tạo nên những sản phẩm độc đáo từ xôi nếp.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, để phát huy giá trị làng nghề truyền thống, các nghệ nhân làng xôi đã chủ động, sáng tạo trong việc tiếp cận thị trường, quảng bá du lịch; gắn nghề truyền thống với lịch sử văn hoá địa phương nhằm phục vụ khách du lịch.

Hiện nay, ngoài việc làm xôi phục vụ kinh doanh, Phú Thượng còn là địa chỉ quen thuộc của nhiều đoàn khách du lịch, nhất là các đoàn học sinh trên địa bàn Thành phố đến thăm quan, trải nghiệm nghề truyền thống và tìm hiểu lịch sử văn hoá.

...ĐẾN HÀNH TRÌNH DI SẢN

Phú Thượng giờ đã thành phố, thành phường. Triền đê uốn quanh làng ngày nào đã trở thành đường lớn nhiều làn xe. Những ngõ xóm được chỉnh trang phẳng lì. Nhưng mùi gạo mới vẫn lừng lên trong từng ngách nhỏ, bền bỉ và ấm nồng mỗi sớm mai.

Xôi Phú Thượng không chỉ "vang danh" trong đời thường. "Thức quà" đặc biệt ấy còn góp mặt trong những lễ khánh tiết quan trọng mang tầm vóc Quốc gia. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến tự hào nhắc lại: Ngày 30/12/2016, Phú Thượng được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng. Năm 2018, Xôi Phú Thượng là một trong 12 món ẩm thực truyền thống của Hà Nội Phục vụ Trung tâm Báo chí tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã thu hút sự chú ý của nhiều phóng viên báo chí nước ngoài.

Nghề làm xôi Phú Thượng và hành trình trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 3

Một mâm xôi được tạo hình theo mô hình ngôi làng cổ xưa bên sông Nhị Hà.

Năm 2019, Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Xôi Phú Thượng. Xôi Phú Thượng đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của thành phố Hà Nội.

Để định vị giá trị, bảo vệ và phát huy giá trị làng nghề truyền thống với tư cách là một di sản văn hoá, trong thời gian qua, với sự đồng hành, hỗ trợ của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, sự hướng dẫn, giúp đỡ của Cục di sản văn hoá phi vật thể, Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học đầu ngành văn hoá, Quận Tây Hồ đã hoàn thành việc lập hồ sơ khoa học đề nghị ghi danh “Nghề Xôi Phú Thượng” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sớm mùng 8 Tết, chị Hà Thị Huyền, một hộ có hàng chục năm làm nghề trở dậy sớm hơn thường lệ. Sau khi chuẩn bị áo quần tươm tất, chị mải mốt ra đình làng Phú Gia để dự lễ hội truyền thống của làng. Năm nay, chị càng khấp khởi hơn khi biết tin Nghề xôi Phú Thượng sẽ được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chia sẻ với chúng tôi, chị bảo: Tất cả người làng Phú Thượng đều cảm thấy tự hào và hạnh phúc khi nhận được vinh dự này. "Đó là niềm vui, nhưng cũng là trách nhiệm cho tất cả chúng tôi trong việc bảo tồn, phát huy di sản trăm năm của ông cha để lại".

Nghề làm xôi Phú Thượng và hành trình trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 4

Nghề làm xôi Phú Thượng chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương bày tỏ niềm tin tưởng, trong thời gian tới đây, Xôi Phú Thượng sẽ không chỉ là món ẩm thực nổi tiếng mà làng nghề cổ còn là điểm du lịch với các tour du lịch hấp dẫn thu hút khách trong và ngoài nước thăm quan, trải nghiệm; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Quan trọng hơn, từ những gánh xôi giản đơn mà ấm nghĩa tình, hình ảnh một vùng đất nhiều trầm tích văn hóa sẽ được quảng bá rộng rãi hơn tới bạn bè khắp nơi trên thế giới.

Những kỳ vọng năm Giáp Thìn trên làng xôi cổ Phú Thượng đang từng ngày được chắp cánh bay cao, bắt đầu từ hành trình di sản hôm nay.

back to top