Trong đợt chiếu “Những ngày phim tài liệu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương công chiếu bộ phim “Điện Biên Phủ” của các tác giả: đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tiến Lợi; đạo diễn, NSND Nguyễn Hồng Nghi và quay phim Nguyễn Phụ Cấn, sản xuất năm 1954.
Bộ phim ra đời đến nay là vừa tròn 60 năm, được thực hiện từ những ngày đầu của chiến dịch Điện Biên Phủ, là một trong những phim tài liệu đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hình ảnh trong phim tài liệu "Điện Biên Phủ". |
Phim được quay trực tiếp tại chiến trường. Những người làm phim đã theo chân các chiến sĩ Điện Biên từ trận đánh đồi Him Lam đến trận đánh cuối cùng. Họ đã trực tiếp cùng sống, chiến đấu với các chiến sĩ, cảm nhận không khí trận đánh, ghi nhận và làm phim bằng những cảm xúc thực tế của mình ngay tại chiến trường.
Cố đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tiến Lợi (1918-2008) sau này được trao 2 Giải thưởng Nhà nước: năm 2007 cho tác phẩm ảnh “Xung phong” (chụp năm 1947) và năm 2012 với bộ phim tài liệu “Điện Biên Phủ” (1954). Bộ phim “Điện Biên Phủ” cũng được trao giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2.
Phim “Hồi ức Điện Biên” của các nhà làm phim Lò Minh, Hồ Trí Phổ, Trần Quý Lục, Trần Văn Thủy, Đỗ Khánh Toàn và Nguyễn Thước, được sản xuất năm 1994.
Phim khái quát lại quá trình vận động của cuộc kháng chiến chống Pháp và kết thúc bằng chiến dịch lịch sử mùa hè năm 1954, lập lại hòa bình ở miền bắc Việt Nam. Thông qua lời kể của các sĩ quan cao cấp quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, một chân lý đã được khẳng định: Khi có lý tưởng thì con người không ngại hy sinh chính bản thân để giành chiến thắng.
Cảnh trong phim "Điện Biên Phủ - Niềm hy vọng". |
Bộ phim “Điện Biên Phủ - Niềm hy vọng” của đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh, cùng các nhà làm phim Lưu Xuân Thư, Lưu Hà. Phim có thời lượng 20 phút, được sản xuất năm 1984.
Bộ phim “Chuyện những người lính già” của đạo diễn Dương Ngọc Hòa, sản xuất năm 2017. Phim là những dòng hồi ức của những cựu chiến binh, những người lính can trường trong chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước.
Những người cựu chiến binh Điện Biên Phủ trong phim "Chuyện những người lính già". |
Phim được kể bằng một cách kể chuyện khá mới mẻ, qua câu chuyện 3 trong số 6 chiến sĩ của chiến trường Điện Biên Phủ được cử về báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1954 là Hoàng Đăng Vinh, Bạch Ngọc Giáp và Nguyễn Xuân Mai.
Lời dẫn được rút gọn, thay vào đó là lời kể của những nhân vật trong phim, và từ đó người xem hình dung ra được những câu chuyện của mỗi người, từ chuyện lấy cục sắt ở lò rèn nhét vào áo cho tăng cân để xin nhập ngũ, chuyện được gặp Bác Hồ, trò chuyện với Bác…, cho đến chuyện đối diện với tướng De Castries trong căn cứ của quân Pháp tại Điện Biên Phủ…
Những thế hệ quân đội trong phim. |
Chính vì thế, “Chuyện những người lính già” trở nên hấp dẫn, sinh động, hóm hỉnh và rất gần gũi với câu chuyện bắt sống tướng De Castrie của người chiến sĩ Điện Biên Hoàng Đăng Vinh.
Điện Biên hôm nay trong "Đồng hành cùng lịch sử". |
Phim “Đồng hành cùng lịch sử” của đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn thực hiện, vừa sản xuất năm 2024. Bộ phim khái quát lại diễn biến chiến dịch, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Điện Biên nhìn từ trên cao. |
Sau chiến thắng, những chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến đã chọn Điện Biên làm quê hương mới. Họ cùng nhau chung sức góp phần hồi sinh mảnh đất chiến trường năm xưa.
Hoa ban, đặc trưng của Điện Biên. |
Bảy mươi năm chiến tranh đã lùi xa, Điện Biên hôm nay khởi sắc về mọi mặt. Tiếp tục phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ toàn Đảng, toàn quân và dân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đoàn làm phim "Chia lửa cùng Điện Biên" gặp gỡ nhân chứng, cựu chiến binh tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. |
Một bộ phim mới khác về Điện Biên Phủ là “Chia lửa cùng Điện Biên” của đạo diễn Nguyễn Sỹ Bằng, sản xuất năm 2024. Đây là bộ phim hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Phim ca ngợi những đóng góp của quân và dân Liên khu V đối với cuộc kháng chiến của dân tộc, đặc biệt là hỗ trợ cho trận đánh cuối cùng của quân đội ta trên chiến trường Điện Biên.
Gia đình cựu chiến binh Lê Ngọc Du xem lại hình ảnh tư liệu về những chiến thắng tại Liên khu V. |
Phim cho thấy một góc nhìn đặc biệt về tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghệ thuật quân sự tài tình của Quân ủy Trung ương và các cấp lãnh đạo Liên khu V trong hai năm cuối của cuộc kháng chiến (1953-1954) khi sử dụng góp phần làm giảm sức mạnh của quân Pháp tại Điện Biên Phủ.
Ông Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết, vào thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, mới chỉ có các tổ làm phim của Hãng ra chiến trường, xông pha mọi mặt trận, ăn cùng, ở cùng, sát cánh cùng các chiến sĩ Điện Biên, ghi lại những hình ảnh chân thực nhất, nóng bỏng nhất nơi chiến trường. Chính vì thế, hầu hết những thước phim tư liệu về chiến trường Điện Biên Phủ từ phía quân ta đều là do các nhà làm phim của Hãng thực hiện.
Tôi vô cùng xúc động khi xem lại những thước phim tư liệu quý giá từ chiến trường của các thế hệ đi trước. Sự hy sinh, đóng góp, cống hiến của họ đối với sự nghiệp điện ảnh tài liệu là vô cùng lớn lao.
Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Trịnh Quang Tùng
Ông Trịnh Quang Tùng cho biết, khi xem lại những thước phim quý giá của các thế hệ trước, ông cảm thấy vô cùng xúc động, bởi vì sự hy sinh, đóng góp, cống hiến của các thế hệ nhà làm phim, quay phim, kỹ thuật… của Hãng đối với sự nghiệp điện ảnh tài liệu là vô cùng lớn lao.
Ông Trịnh Quang Tùng bày tỏ mong muốn rằng, những bộ phim về chiến dịch Điện Biên Phủ được giới thiệu tới khán giả trong dịp này không chỉ là dịp nhìn lại những trang sử hào hùng của dân tộc đã được chính các nhà làm phim ghi lại bằng xương máu của mình, mà còn giúp thế hệ trẻ ngày nay hiểu hơn về các thế hệ đi trước.