"Hồi sinh" cho lá cây, vỏ quả

Với mong muốn gìn giữ và phát huy nguồn tài nguyên bản địa, chị Nguyễn Trang Phương, Giám đốc Công ty cổ phần hoa khô Xavia toàn cầu đã thu gom, tái chế phụ phẩm cây trồng nông nghiệp. Những nguyên vật liệu ấy sau khi được "thổi hồn" đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có giá trị kinh tế cao, nhằm mang lại thu nhập bền vững cho phụ nữ nghèo vùng nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Trang Phương (bên phải) đào tạo nghề cho bạn trẻ tại xưởng hoa khô Xavia (Hà Nội).
Chị Trang Phương (bên phải) đào tạo nghề cho bạn trẻ tại xưởng hoa khô Xavia (Hà Nội).

Trong căn phòng của xưởng hoa khô Xavia ở Hà Nội, có lẽ ai bước vào cũng cảm giác dễ chịu trước một không gian gần gũi thiên nhiên, được bày biện trang trí bởi các loài hoa đang độ khoe sắc. Những bức tranh treo trên tường được gắn kết từ những loại hoa làm bằng nguyên liệu từ thiên nhiên cùng với những lời nhắn nhủ "Ở đây ai cũng được thương".

Chia sẻ về hành trình bén duyên với dự án "Biến phụ phẩm cây trồng nông nghiệp thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao", chị Trang Phương cho biết, sau những chuyến đi trải nghiệm ở vùng quê, thấy những nguyên vật liệu thiên nhiên, nhất là tài nguyên bản địa từng vùng đều có những nét đặc sắc riêng. Những vỏ bắp ngô, vỏ quả vừng, cỏ lá... đều có cuộc sống đẹp riêng nhưng sau đó sẽ lụi tàn. Chính vì lẽ đó, chị Phương đã lựa chọn công việc là "hồi sinh" cho cỏ cây, hoa lá, biến chúng thành những nguyên vật liệu, tác phẩm có giá trị cao trong cuộc sống. Mong muốn đó được chị ấp ủ ngay từ chính cái tên Xavia. Với chị Phương, "Xavia" có ý nghĩa là xanh Việt Nam, màu xanh của ước mong những phụ phẩm cây trồng nông nghiệp không chỉ biến thành những bông hoa đẹp mà còn tỏa sáng thật sự, vươn tầm thế giới. Những bông hoa được kết tinh từ nắng, mưa, gió, từ giọt mồ hôi của người nông dân và sự sáng tạo không giới hạn của những nghệ nhân Xavia.

Không chỉ thổi hồn cho các loại cỏ cây, hoa lá, chị Phương và đồng nghiệp còn "biến hình" cho "các bạn" hoa lá thành nguồn học liệu phong phú, an toàn cho trẻ thơ. Từng có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, tiếp cận với những phương pháp giáo dục hiện đại, chị Phương nhận thấy, ngoài việc giáo dục trẻ em, phát triển chỉ số thông minh thì phát triển chỉ số cảm xúc cũng rất quan trọng thông qua các hoạt động kích thích sự sáng tạo, cảm hứng, tình yêu thiên nhiên, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm, giúp trẻ phát triển toàn diện. Vì thế, mỗi khi nhìn thấy các em học sinh đam mê sáng tạo, chị Phương lại nảy ra những ý tưởng mới làm sao để các con có những học liệu gần gũi, thân thuộc với thiên nhiên, mang tính an toàn cao.

Càng nghiên cứu tìm hiểu, chị Phương lại càng thấy mỗi tài nguyên từ thiên nhiên đều có sự độc đáo khác biệt. Từ đó, chị đã ứng dụng những nguyên liệu này vào phương pháp dạy học để trẻ em được tham gia trải nghiệm, sáng tạo và rèn luyện tính kiên trì, mang lại tình yêu thiên nhiên, yêu thương cuộc sống.

Hàng triệu trẻ em được chạm tay vào những tài nguyên bản địa, chạm tay vào thiên nhiên, những ngôi trường được thiết kế những xưởng làm nghệ thuật sẽ giúp tìm được sự an nhiên là điều chị Phương luôn khao khát hướng đến. "Trong khi những loài hoa trong thiên nhiên có thể bị gió, bị mưa, bị sâu... làm cho úa tàn thì những bông hoa được kết dưới đôi tay, tình yêu của những con người ở Xavia sẽ luôn nở rộ, đẹp đẽ".

"Ở đây ai cũng được thương", cho nên tại xưởng hoa khô Xavia của chị Phương, những người thợ lành nghề có khi là trẻ khuyết tật, có lúc là những người phụ nữ yếu thế đã được chị dạy nghề, tạo thu nhập ổn định, giúp họ tự tin hòa nhập cuộc sống. Là một thành viên đang học tại xưởng hoa khô, chị Trần Thị Dung, công tác tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Thanh Hóa cho biết: "Chị Phương đồng hành cùng chúng tôi đem Xavia đến với các em nhỏ kém may mắn để các em được học và tự làm ra những sản phẩm, giúp các em có cơ hội học tập, trải nghiệm và phát triển, thêm yêu thương cuộc sống".

Với tình yêu thiên nhiên và mong muốn mang những điều tốt lành cho trẻ nhỏ cũng như các gia đình, chị Phương là một trong 33 phụ nữ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ vinh danh năm 2023. Cho đến nay, chị vẫn đang ngày đêm miệt mài, kiên trì với hành trình lưu giữ, "hồi sinh" cho cỏ cây, hoa lá của mình, đồng thời tiếp tục hướng đến đào tạo nghề cho phụ nữ khó khăn, khuyết tật, những phụ nữ nghèo vùng nông thôn.