Nghệ An vinh danh 26 “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

NDO - Chiều 23/12, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (2011-2021), tỉnh Nghệ An đã vinh danh 26 “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, lần thứ 3, năm 2022 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Nghệ An.
0:00 / 0:00
0:00
Trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3, năm 2022.
Trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3, năm 2022.

Thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và các kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, từ năm 2011-2021, trên cơ sở kết quả kiểm kê của các huyện, qua phân tích, tổng hợp, toàn tỉnh đã thực hiện kiểm kê được 463 di sản.

Qua kiểm kê di sản, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, công tác lập hồ sơ di sản tiêu biểu đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được quan tâm, tiến hành, hiện Nghệ An có di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, có bảy di sản đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Lễ hội đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), Lễ hội đền Quả (huyện Đô Lương), Lễ hội đền Chính Gian (huyện Quế Phong), Lễ hội đền Bạch Mã (huyện Thanh Chương), Lễ hội đền Thanh Liệt (huyện Hưng Nguyên), Lễ hội đền Ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên), Nghi lễ Xăng Khan của đồng bào dân tộc Thái miền tây Nghệ An.

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cũng đang hoàn thiện hồ sơ di sản Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu ở huyện Tương Dương, Chữ Thái cổ miền tây Nghệ An; Lễ hội đền Hoan (Thập niên sự lễ) ở xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đối với công tác xét tặng Nghệ nhân, qua ba đợt triển khai xét tặng nghệ nhân, toàn tỉnh có 259 bộ hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”. Kết quả có một cá nhân được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân nhân dân” và 91 cá nhân được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh cùng ngành Văn hóa và Thể thao và toàn thể nhân dân tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, làm tốt hơn nữa việc huy động tốt các nguồn lực xã hội cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; quản lý tốt các hoạt động lễ hội, phong tục, tập quán, tri thức, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian; tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, phát huy hiệu quả giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, nhất là Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và các di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; chú trọng tôn vinh và tạo điều kiện cho nghệ nhân bảo lưu, thực hành, truyền dạy di sản…

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Cục Di sản văn hóa trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” cho 26 nghệ nhân được phong tặng các danh hiệu này vào tháng 9/2022 vừa qua.

Trong số này có một Nghệ nhân nhân dân là nghệ nhân dân ca ví, giặm Võ Thị Hồng Vân ở xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương cùng 25 Nghệ nhân ưu tú.

Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho 14 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2011-2021.