Nghệ An nỗ lực cải cách hành chính, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp

NDO -

Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nhằm phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp là nỗ lực lớn của tỉnh Nghệ An trong thời gian gần đây.

Nghệ An nỗ lực cải cách hành chính, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp

Giảm thủ tục hành chính

Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Lê Đình Lý cho biết: Là cơ quan thường trực về công tác CCHC, trên cơ sở Kế hoạch CCHC giai đoạn 2011 - 2020, ngành đã tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều Nghị quyết, đề án về CCHC với các nội dung, sáng kiến mới đã được triển khai như: Thực hiện đề án CCHC tại bảy đơn vị điểm (cấp huyện, sở và ngành); chọn 2019 làm năm Cải cách hành chính xác định rõ các nhiệm vụ trong tâm để thực hiện; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hợp tác nước ngoài; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị ở các cấp…

Trên cơ sở đó, tỉnh Nghệ An đã tập trung thực hiện đồng bộ cả sáu nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm là cải cách TTHC; nâng cao chất lượng dịch vụ công; ứng dụng công nghệ thông tin. Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo về kết quả CCHC. Nhờ đó, CCHC ở Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số CCHC (PAR INDEX), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thứ hạng những năm gần đây của tỉnh năm sau đều cao hơn năm trước và về đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được cải thiện... Hằng năm UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC, kế hoạch rà soát đơn giản hóa TTHC trọng tâm. Thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, kiểm soát và thúc đẩy cải cách TTHC.

Thực hiện cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Nghệ An tích cực tham gia cải cách TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp”, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2018 - 2020, có 419 TTHC được đơn giản hóa, cắt giảm thời gian thực hiện với tổng thời gian cắt giảm là 1.961 ngày. Tính bình quân đã có 419/1.677 TTHC được đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện, đạt tỷ lệ 24,98%...

“Từ năm 2014, Sở GTVT Nghệ An, đơn vị đầu tiên trong cả nước đã có sáng kiến phối hợp Bưu điện Nghệ An trong việc tiếp nhận hồ sơ đổi Giấy phép lái xe và trả kết quả qua đường bưu điện về tận nhà vừa tạo thuận lợi cho người dân giảm bớt thời gian, chi phí đi lại và rút ngắn từ năm ngày xuống hai ngày. Từ thành công trên, ngành GTVT Nghệ An tiếp tục áp dụng sang các loại hồ sơ khác. Kết quả, từ năm 2014 đến hết năm 2019, Sở GTVT Nghệ An đã phối hợp Bưu điện Nghệ An tiếp nhận và trả kết quả tại địa chỉ người nhận được gần 152 nghìn bộ hồ sơ giải quyết TTHC, góp phần giảm đáng kể thời gian, chi phí cho người dân, tập thể và doanh nghiệp…”, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An Hoàng Phú Hiền cho biết.

Từ năm 2011 đến nay, các sở, ban, ngành tham mưu công bố 74 Quyết định công bố bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết với 3.707 lượt TTHC cấp tỉnh, 464 lượt TTHC cấp huyện và 193 lượt TTHC cấp xã… Các TTHC sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh công bố đã đăng tải trên Trang thông tin điện tử của đơn vị và cập nhật lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Các đơn vị trực tiếp thực hiện TTHC cũng đã kịp thời niêm yết các TTHC đã được công bố tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông, tích hợp lên cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu cập nhật của người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong việc tra cứu, ứng dụng. Cùng với đó, cơ chế một cửa được các ban, ngành, địa phương  triển khai thực hiện cơ bản đạt 100% theo đúng quy định.

Mở Trung tâm hành chính công và hiện đại hóa hành chính

Ngày 14-10, tỉnh Nghệ An chính thức khai trương Trung tâm phục vụ hành chính công (TTPVHCC). Trung tâm này là đầu mối tiếp nhận và trả kết  quả của 1.326 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của 21 sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh và cơ quan T.Ư đặt tại địa phương. Sau 12 ngày hoạt động “khởi động” tại 38 cửa đã có hơn 3.500 hồ sơ được tiếp nhận. Trong đó đã giải quyết và trả kết quả 1.551 hồ sơ các loại (có 1.333 hồ sơ trước hạn); tỷ lệ đúng hạn 100%; hơn 2.000 hồ sơ đang trong thời hạn giải quyết; đã có gần 1.200 hồ sơ được trả kết quả tại nhà qua dịch vụ bưu chính công ích…

A3_CCHC-1602836284936.jpg
 

Tại cửa làm việc số 13, thuộc lĩnh vực ngành y tế, chị Nguyễn Thị Kim Anh đang vui vẻ tiếp nhận và hướng dẫn khách hàng về các thủ tục hồ sơ liên quan, chị cho biết: TTPVHCC đầu tư bài bản, trang thiết bị hiện đại, mọi người đến làm việc tại đều có thái độ nghiêm túc và luôn lịch sự, tươi cười đón tiếp công dân như đón tiếp người thân; giải thích cặn kẽ các vấn đề liên quan.

Anh Nguyễn Cảnh Thắng ở Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn đến bổ sung hồ sơ ngành nghề khám, chữa bệnh cho biết: Việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục ở đây nhanh gọn, rất tiện cho các đối tượng đến giải quyết công việc… Tại mỗi cửa làm việc, đều có bảng điện tử bày tỏ sự hài lòng hay không hài lòng của khách hàng. Đây cũng là thử thách và áp lực đối với cán bộ, nhân viên làm việc tại TTPVHCC này.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Trần Đức Trung nhấn mạnh: Việc đưa TTPVHCC của tỉnh đi vào hoạt động là bước tiến rất quan trọng, rất có ý nghĩa với mục tiêu thực hiện thống nhất các TTHC; tạo thuận lợi, tiếp cận theo hướng văn minh, hiện đại; tích hợp các nguồn lực về cơ sở vật chất, con người, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Nghệ An nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị lãnh đạo, cán bộ, công - viên chức TTPVHCC phải nâng dần số lượng, chất lượng các dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 nhằm bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận các dịch vụ hành chính công của tỉnh. Và phấn đấu đạt tốp 10 Trung tâm của cả nước.

Xác định hiện đại hóa hành chính trong đó, CNTT là đòn bẩy phục vụ công tác CCHC, Nghệ An đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, hợp tác phát triển hạ tầng mạng viễn thông CNTT, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để người dân và doanh nghiệp tiếp cận. Thời gian gần đây, các bệnh viện trong tỉnh đã tập trung đầu tư ứng dụng CNTT, CCHC để hướng đến bệnh viện thông minh. Bệnh viện đa khoa TP Vinh đã đạt 6/7 nhóm tiêu chí của bệnh viện thông minh. Nghệ An có 2/9 cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc cho phép ứng dụng bệnh án điện tử (loại bỏ hoàn toàn bệnh án giấy).

Hiện tại, các bệnh viện đã số hóa các loại giấy tờ  liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh… giúp việc khám và điều trị được tốt hơn. Sở GTVT Nghệ An rút ngắn thời gian giải quyết so quy định như cấp giấy phép liên vận Việt - Lào rút ngắn từ ba xuống một ngày; cấp giấy phép kinh doanh vận tải từ năm ngày xuống còn hai ngày; cá biệt thủ tục cấp mới giấy phép lái xe từ 10 ngày rút xuống cấp luôn cho học viên ngay sau đạt sát hạch (là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện cấp giấy phép lái xe ngay sau hạch đạt)… Hay việc đưa vào phần mềm “Gov one” phục vụ cho công tác quản lý, duy tu, sửa chữa đường bộ thông qua hệ thống máy điện thoại thông minh hoặc máy tính, nhờ đó, giúp lãnh đạo nắm bắt, chỉ đạo xử lý kịp thời an toàn giao thông trên tuyến.

Trong năm năm lại nay, hoạt động ứng dụng CNTT ở Nghệ An được triển khai diện rộng trong các cơ quan, đơn vị ở các cấp góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý, điều hành và thực thi công vụ. Đầu năm 2017, Nghệ An chính thức khai trương Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Nghệ An, đồng thời triển khai thành công Hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice đến 100% cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học, cơ sở y tế công trên địa bàn toàn tỉnh, đáp ứng các yêu cầu liên thông văn bản bốn cấp từ Chính phủ xuống đến xã.

Thông qua ứng dụng CNTT, các hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến UBND các tỉnh; từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố, các ngành cũng được tổ chức, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, nhất là Nghệ An - một tỉnh có diện tích rộng nhất nước, khi trung tâm tỉnh lỵ cách các huyện miền núi khoảng 150-250 km… Qua hệ thống phần mềm dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử, Nghệ An khai trương đầu năm 2017 đã có nhiều cơ quan, đơn vị đưa hệ thống vào vận hành, khai thác để tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, doanh nghiệp. Tính đến ngày 30-5-2020, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cung cấp hơn 5.800 dịch vụ công, trong đó  gần 1.100 dịch vụ công mức độ 3 và 4. Nhiều  doanh nghiệp, người dân đã có ý kiến: Nhờ cổng điện tử dịch vụ công này giảm thiểu thời gian và  phiền hà.

Tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian và các tổ chức bên trong. Nghệ An đã giảm bốn chi cục, 11 phòng chuyên môn thuộc sở, ban ngành; 111 đơn vị sự nghiệp; chuyển 43 đơn vị sự nghiệp sang tự chủ về chi thường xuyên, giảm 4.396 người làm việc hưởng lương trực tiếp từ ngân sách nhà nước...

Để đạt được mục tiêu xây dựng nền hành chính tỉnh có tính chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực hiệu quả, phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tốt hơn, trong giai đoạn mới, hiện UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Nội vụ chủ trì xây dựng Đề án cải thiện Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh, trong đó đánh giá đầy đủ các bất cập, yếu kém, phân tích sâu, khách quan các nguyên nhân và đưa ra các giải pháp cụ thể để nâng cao từng chỉ số thành phần. Đồng thời, tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, đơn vị đảm nhận thực hiện các chỉ số thành phần; đề ra lộ trình tăng các chỉ số cụ thể theo từng năm để phấn đấu và chuẩn bị các nguồn lực thực hiện.

UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Đề án “Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2025”.