Năm 2023 là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nam Phi, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp và Việt Nam-Nhật Bản.
Bên cạnh các sự kiện chính trị, các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao, “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023” sẽ tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn thúc đẩy kinh tế, thương mại và đầu tư, các chương trình biểu diễn, giao lưu tương tác mang đậm sắc màu văn hóa truyền thống, nổi bật là Không gian văn hóa Việt Nam với chủ đề “Nguồn cội, sức sống và sự tiếp nối”.
Tại họp báo, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO Hoàng Hữu Anh cho biết: “Theo thông lệ, chuỗi sự kiện Ngày Việt Nam ở nước ngoài gồm nhiều hoạt động trên cả 3 lĩnh vực: chính trị, văn hóa và kinh tế. Đối với chương trình năm nay, ban tổ chức đã có những điều chỉnh phù hợp từng địa bàn. Mục tiêu của sự kiện nhằm truyền tải hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam giàu truyền thống văn hóa mà vẫn năng động, phát triển tới công chúng tại Nam Phi, nơi Việt Nam có thể đẩy mạnh giao lưu văn hóa; và Nhật Bản, Pháp - hai nền văn hóa quen thuộc hơn với người Việt Nam”.
Trưởng Ban tổ chức, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO Hoàng Hữu Anh chia sẻ thông tin về chuỗi sự kiện |
Ông Hoàng Hữu Anh cũng cho biết, các chương trình “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” luôn nhận được sự quan tâm, tham gia, hưởng ứng rộng rãi của các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đóng góp tích cực trong việc thực thi chiến lược ngoại giao văn hóa đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/2/2011. Việc tạo không gian trải nghiệm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài còn có ý nghĩa với xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch.
Theo kế hoạch, “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023” sẽ mở đầu tại Thủ đô Pretoria của Nam Phi vào 2 ngày 14 và 15/9. Cộng đồng người Việt tại Nam Phi tương đối thưa thớt, số khách du lịch Nam Phi đến Việt Nam cũng mới chỉ chiếm một phần nhỏ (khoảng 5.000 người/năm, theo thống kê trước dịch Covid-19).
Tuy nhiên, Nam Phi hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi và chuỗi sự kiện kỳ vọng sẽ thu hút được sự chú ý, quan tâm của đông đảo người dân nước này. Sau Nam Phi, “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023” sẽ diễn ra tại Pháp và Nhật Bản trong tháng 11 và tháng 12.
Tại các địa điểm tổ chức, Không gian văn hóa Việt Nam được thiết kế riêng với những nét đặc trưng. Các hoạt động trải nghiệm sẽ quy tụ nhiều nghệ nhân và người thực hành văn hóa trẻ, mang đến các hoạt động có tính tương tác cao như tự làm sơn mài thủ công mỹ nghệ và hoàn thiện các bức tranh dân gian Đông Hồ, nặn đồ chơi tò he cùng nghệ nhân Đặng Đình Thường, mặc thử và chụp hình cùng cổ phục Việt thời Nguyễn (nghiên cứu phục dựng và ứng dụng bởi Vạn Thiên Y - nhóm bạn trẻ đam mê mỹ thuật và trang phục cổ), thưởng thức ẩm thực Việt (thương hiệu phở Thìn Bờ Hồ).
Không gian văn hóa cũng trưng bày các triển lãm ảnh về quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước, ảnh nghệ thuật về danh lam thắng cảnh Việt Nam, qua đó khắc họa hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, giàu bản sắc và con người thân thiện, hiếu khách.
Hoạ sĩ Trần Anh Tuấn là một chuyên gia trong lĩnh vực sơn mài, có kinh nghiệm lâu năm trong giảng dạy và trao đổi văn hóa quốc tế. |
Họa sĩ Trần Anh Tuấn, giảng viên Khoa Mỹ thuật truyền thống (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) là người sẽ trực tiếp giới thiệu về nghệ thuật sơn mài Việt Nam với khách tham quan quốc tế, người Việt ở nước ngoài.
Hoạ sĩ chia sẻ: “Tranh sơn mài Việt Nam có bề dày lịch sử và được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ, nếu nghiên cứu kỹ có khi phải mất hằng năm. Tuy nhiên đối với người mới biết đến, để sơn mài gần gũi mà vẫn ấn tượng, chúng tôi sẽ hướng dẫn làm các món đồ sơn mài đơn giản trong thời gian ngắn, như vòng tay, vòng cổ, khuyên tai, móc khóa, chén, đĩa nhỏ để họ trải nghiệm và có thể mang sản phẩm về trưng bày, làm quà, rồi lan tỏa câu chuyện về văn hóa Việt Nam”.
Giới thiệu về các sân khấu biểu diễn nghệ thuật trong chuỗi sự kiện, đại diện Công ty cổ phần dịch vụ biểu diễn và sự kiện Đông Đô Nguyễn Thị Yến cho biết: “Các tiết mục được xây dựng theo một mạch truyện với tên gọi "Sắc màu Việt", đưa người xem khám phá và cảm nhận một ngày tại Việt Nam từ bình minh sáng sớm tại vùng núi phía bắc cho đến sự nhộn nhịp, vui nhộn của vùng đất phương nam. Sắc màu Việt khác nhau ở mỗi địa phương và còn là câu chuyện của những di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Yếu tố ngôn ngữ không được đặt nặng mà thay vào đó là dùng âm thanh, âm nhạc để kể, chẳng hạn như tiếng sáo của người H’Mông, điệu múa tắm sen, dân ca Lý cây bông”.
Một tiết mục biểu diễn trong "Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2022" diễn ra tại Ấn Độ. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp) |
Với hoạt động đa dạng và nhiều điểm nhấn đặc sắc cùng nhiều nhân tố mới, “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023” hứa hẹn sẽ góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các quốc gia, đồng thời quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
“Ngày Việt Nam ở nước ngoài” là chương trình quảng bá quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức thường niên từ năm 2010. Thông tin, hình ảnh về các hoạt động trong chuỗi sự kiện “Ngày Việt Nam tại nước ngoài 2023” được cập nhật tại các địa chỉ sau:
Website: http://vietnamdaysabroad.mofa.gov.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/VietNamDaysAbroad/