Ngày thơ Hà Nội cùng “Bản hòa âm đất nước”

NDO - Ngày 23/2, tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Ngày thơ Hà Nội do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội phối hợp Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức đã góp phần mở màn trang trọng, hấp dẫn trong chuỗi sự kiện Ngày thơ Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”.
0:00 / 0:00
0:00
Độc giả yêu thơ đến với Ngày thơ Hà Nội tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Độc giả yêu thơ đến với Ngày thơ Hà Nội tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Hòa cùng không khí thơ ca của Ngày thơ Việt Nam diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước dịp rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn, Ngày thơ Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức với sự đồng ý và chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Mặc dù khai mạc trong cơn mưa khá nặng hạt, sự kiện mang đến các màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân và du khách.

Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Trần Gia Thái khẳng định, việc tổ chức Ngày thơ Hà Nội nhằm động viên các văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; đưa các tác phẩm văn học, nghệ thuật đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Ngày thơ Hà Nội cùng “Bản hòa âm đất nước” ảnh 1

Nhà văn Trần Gia Thái phát biểu khai mạc.

Sau phát biểu khai mạc và đánh trống khai hội, mở đầu chương trình nghệ thuật là màn múa trống, múa rồng lân sôi động của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Trung ương. Tiếp nối, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm đã thể hiện bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách sâu lắng, linh thiêng và trang trọng.

Khán giả có dịp thưởng thức nhiều tác phẩm của các tác giả thuộc nhiều thế hệ như: “Tây hồ hoài cổ” của Nguyễn Công Trứ, “Mưa xuân” của Nguyễn Bính, “Tiễn xuân” của Hữu Thỉnh, “Hoa phượng” của Bằng Việt, “Với thơ” của Vũ Quần Phương, “Đầu xuân uống trà cùng bạn” của Trần Đăng Khoa, “Lam Xanh” của Trần Gia Thái, “Đảo Sơn Ca” của Lê Cảnh Nhạc…

Ngày thơ Hà Nội cùng “Bản hòa âm đất nước” ảnh 2

Sân khấu chính nơi diễn ra các tiết mục trình diễn thơ, nhạc giàu cảm hứng.

Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hương, ca nương Nguyễn Thúy Hòa… đã trình diễn các bài thơ nổi tiếng của các nhà thơ tên tuổi lớp trước và các nhà thơ Hội Nhà văn Hà Nội của thế hệ hôm nay.

Các ca khúc lựa chọn trong chương trình là những tác phẩm xuất sắc về mùa xuân, đất nước và Thăng Long-Hà Nội, được sáng tác và được phổ thơ của các nhà thơ đã in đậm dấu ấn trong lòng công chúng Thủ đô và cả nước.

Trong phần trình diễn sáng tác của mình, các nhà thơ Thủ đô Hà Nội đã thể hiện đầy ấn tượng và cảm xúc các bài thơ như “Mùa xuân ấm” của Nguyễn Việt Chiến, “Tiên nữ” của Nguyễn Linh Khiếu, Anh và em” của Nguyễn Thị Mai, “Phố” của Trần Kim Hoa, “Cây tre” của Đoàn Văn Mật…

Ngày thơ Hà Nội cùng “Bản hòa âm đất nước” ảnh 3

Khách tham quan thưởng lãm các tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh đặc sắc.

Hưởng ứng Ngày thơ Hà Nội, trong khuôn viên Văn Miếu-Quốc Tử Giám còn có không gian triển lãm do Hội Nhiếp ảnh Hà Nội và Hội Mỹ thuật Hà Nội tổ chức, trưng bày các tác phẩm về Hà Nội, mùa xuân và quê hương đất nước.

Sau lễ khai mạc, Ngày thơ Hà Nội kéo dài đến hết 17 giờ chiều cùng ngày với phong phú hoạt động: Sân khấu trình diễn thơ của các hội viên Hội nhà văn Hà Nội; Cuộc thi trưng bày quán thơ của các Câu lạc bộ thơ Thủ đô và các đơn vị báo chí trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; giao lưu, ngâm thơ và trò chuyện giữa các nhà văn, nhà thơ, dịch giả và công chúng yêu thơ.