Sôi động Ngày thơ Việt Nam

NDO -

NDĐT - Sáng ngày 19 -2, hơn 200 đại biểu quốc tế là các nhà thơ, dịch giả, nhà văn đến từ 46 nước trên thế giới cùng với hàng trăm văn nghệ sĩ, các nhà sáng tác thơ, văn học, nghệ thuật, du khách và người yêu thơ trong và ngoài tỉnh Bắc Giang đã có mặt tại đền Xương Giang, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang - nơi tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII với chủ đề “Người Kinh Bắc”.

Các đại biểu thưởng thức màn trống hội tại Ngày thơ Việt Nam 2019.
Các đại biểu thưởng thức màn trống hội tại Ngày thơ Việt Nam 2019.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, Bắc Giang là miền đất có bề dày lịch sử văn hóa, địa hình kết hợp giữa vùng đồng bằng với vùng núi cao, tạo nên những cảnh quan núi rừng hấp dẫn. Văn hóa Bắc Giang phong phú, đa dạng với 2.237 di tích trải khắp toàn tỉnh, trong đó 711 di tích đã được xếp hạng với 101 di tích cấp quốc gia và 583 di tích cấp tỉnh tiêu biểu như các Di tích Quốc gia đặc biệt: Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế; Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang…

Bắc Giang tự hào là vùng đất từ xa xưa đã là nơi xuất thân của nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, có những đóng góp quan trọng cho nền văn học nước nhà, tiêu biểu như Tiến sĩ Thân Nhân Trung với câu nói nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”; Tiến sĩ Ngô Văn Cảnh; các Trạng nguyên: Đào Sư Tích, Giáp Hải, Đoàn Xuân Lôi. Từ thế kỷ 20 có Nguyễn Khắc Nhu, Tương Phố, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Hoàng Cầm, Đỗ Chu… Ngày nay, trong công cuộc đổi mới và hội nhập, thơ ca Bắc Giang tiếp tục hòa vào dòng chảy thơ ca Việt Nam, thể hiện khí phách, bản lĩnh, lương tâm và khát vọng của dân tộc yêu chuộng hòa bình. Tỉnh Bắc Giang mong muốn, các nhà văn, nhà thơ, đại biểu trong nước và quốc tế sẽ dành nhiều thời gian đến với Bắc Giang để gặp gỡ, tìm hiểu về con người, về lịch sử, văn hóa, cuộc sống lao động, sản xuất; tham quan những danh lam thắng cảnh; cảm nhận về mảnh đất Bắc Giang, qua đó sẽ có nhiều cảm xúc thăng hoa để khai mở những tác phẩm thi ca mới.

Sôi động Ngày thơ Việt Nam ảnh 1

Lễ rước lửa từ chùa Vĩnh Nghiêm về đền Xương Giang trong Ngày thơ Việt Nam (Ảnh: Tuệ Lâm).

Phát biểu tại đây, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết việc chọn Đền Xương Giang nằm trong quần thể Khu di tích Chiến thắng Xương Giang là một địa danh lịch sử tiêu biểu của Bắc Giang và cả nước để mở đầu cho Ngày Thơ Việt Nam trong toàn quốc, coi Ngày Thơ tại Bắc Giang là một điểm nhấn quan trọng đối với toàn bộ Ngày Thơ trong cả nước.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Ngày thơ tổ chức tại đề Xương Giang là một hình ảnh thu nhỏ của ngày hội thơ ca thế giới, kết hợp các giá trị của dân tộc với giá trị văn hóa nhân loại, đó là sự bổ sung lẫn nhau, giúp cho giới văn học nghệ thuật và nhân dân ta tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để từ đó xây dựng thành công văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”.

Trong Ngày Thơ Việt Nam lần đầu tổ chức tại Bắc Giang, các đại biểu đã tổ chức lễ dâng hương tại đền Xương Giang; Lễ rước lửa từ chùa Vĩnh Nghiêm. Các đại biểu đã cùng nhau thưởng thức những thi phẩm của các nhà thơ trong nước và quốc tế, nghe những làn điệu dân ca quan họ mượt mà ở bờ bắc sông Cầu, những câu hát ống đặc trưng riêng của vùng đất Tân Yên Tử và nhiều sự kiện văn hóa văn nghệ khác.

* Thơ ca hướng về biên cương, vinh danh quê hương Thanh Hóa

Sôi động Ngày thơ Việt Nam ảnh 2

Nổi trống hội Rằm tháng Giêng (Ảnh: Mai Luận).

Tối 19-2, tại Khu văn hóa tưởng niệm Bác Hồ ở trung tâm thành phố Thanh Hóa, Hội Văn học nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và UBND thành phố Thanh Hóa tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII.

Xứ Thanh, khu vực trung tâm của nền văn hóa Đông Sơn tỏa sáng từ thuở Vua Hùng dựng nước. Đây cũng là quê hương của vua Lê Thánh Tông, người khởi xướng “Tao đàn nhị thập bát tú”, thúc đẩy, nhân rộng phong trào sáng tác thi ca trong dòng chảy lịch sử, văn học, văn hóa dân tộc. Thi ca xứ Thanh tiếp tục đồng hành trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thu non sông về một mối; trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Phát biểu khai mạc Ngày thơ Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến kỳ vọng, bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương “địa linh, nhân kiệt”, những thành tựu trong thời kỳ đổi mới và hiện thực đời sống tiếp tục khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho thi ca tỉnh nhà, góp phần xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Ngày thơ Việt Nam năm nay được các đơn vị trong tỉnh đồng phối hợp tổ chức có chủ đề “hướng về biên cương Tổ quốc, kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa”. Sau khi kéo cờ thơ, nghe ngâm bài thơ “Nguyên tiêu” của Bác Hồ, các nhà thơ, nghệ sĩ, ca sĩ tiếp tục hát, đọc, ngâm những bài thơ, ca khúc về Bác Hồ, về biên giới, biển đảo, quê hương, đất nước.

Ngày thơ Việt Nam tại Thanh Hóa dạt dào niềm cảm hứng sáng tạo, nồng nàn tình yêu thương con người, lắng đọng niềm tự hào về bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa cùng những thành tựu đạt được của quê hương, đất nước; tôn vinh giá trị văn hóa, nhân văn và khơi dậy trách nhiệm công dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày thơ Việt Nam tại Thanh Hóa dần trở thành nét đẹp trong đời sống đương đại, góp phần tôn vinh, quảng bá các giá trị thi ca.