Trao đổi với các cơ quan báo chí và phóng viên Báo Nhân Dân, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, đây không chỉ là ngày hội, ngày vui mà còn là dịp để thể hiện ý Đảng, lòng dân, thể hiện sinh động tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.
Biểu hiện sinh động của lòng dân, gắn bó tình làng, nghĩa xóm
Phóng viên: Sau hai năm gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19, năm nay việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã được triển khai sôi nổi tại các khu dân cư trong cả nước. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam-Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11). Đề nghị đồng chí cho biết những nét nổi bật, điểm mới của Ngày hội?
Đồng chí Lê Tiến Châu: Đã thành thông lệ hằng năm, mỗi dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam-Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, toàn hệ thống chính trị và đồng bào nhân dân cả nước nô nức, phấn khởi tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Qua gần 20 năm, chủ trương tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là minh chứng rõ nét cho thấy sự gắn kết rất chặt chẽ giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với người dân. Ngày hội không chỉ là dịp để cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đánh giá kết quả thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, đồng thời biểu dương những điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi địa phương mà còn là dịp để các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền gặp gỡ, tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của nhân dân; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; cùng với nhân dân bàn bạc, trao đổi, xây dựng giải pháp thực hiện có hiệu quả mọi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng an ninh; tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với các cấp ủy, chính quyền địa phương.
Ngày hội sẽ đem lại những giá trị tinh thần, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội từ mỗi thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố, cộng đồng dân cư... trong cả nước.
Và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay càng có ý nghĩa hơn khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thách thức; tích cực khắc phục những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, khẩn trương đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế từng bước hiện thực hóa mục tiêu khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra.
Trong dịp này, tôi đã tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi về dự ngày hội với bà con và cảm nhận một không khí ấm áp, hân hoan, rộn ràng của Ngày hội đại đoàn kết ở các khu dân cư. Với phương châm “lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân”, Ngày hội đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư hưởng ứng và nhiệt tình tham gia. Nhân dân được hưởng những thành quả từ chính công sức của mình, đồng thời thấy được vai trò của mình đối với cộng đồng, đã khơi dậy được tính tự giác, tinh thần làm chủ cuộc sống của mỗi người dân ở khu dân cư. Mỗi người dân khi tham gia Ngày hội đã ý thức được sự gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng, nhất là các cán bộ, đảng viên, công chức với khu dân cư mà mình sinh sống. Qua đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố.
Phóng viên: Như những Ngày hội trước đây, Ngày hội năm nay đã góp phần động viên nhân dân, gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là điều có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh đất nước ta đang tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn thách thức. Đề nghị đồng chí cho biết suy nghĩ về nội dung này?
Đồng chí Lê Tiến Châu: Trong năm nay, việc tổ chức Ngày hội ở khu dân cư diễn ra với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Tại những vùng nông thôn, vùng miền núi, ngày hội càng mang nhiều bản sắc văn hóa và tập trung đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và thực sự trở thành ngày hội của toàn dân tộc.
Đến thời điểm này, hầu hết các khu dân cư trên cả nước đã tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với sự tham dự đông đủ của bà con trong khu dân cư; không chỉ có phần lễ, phần hội cũng mang lại không khí ấm áp, phấn khởi với sự tham gia nhiệt tình của bà con; các khu dân cư cũng đồng loạt tổ chức những bữa cơm đoàn kết… Thông qua ngày hội, các nét văn hóa đặc sắc của các tầng lớp dân cư, các dân tộc trên địa bàn sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Thêm vào đó là tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn.
Những hoạt động cụ thể của Ngày hội là những yếu tố quan trọng, thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Ngày hội cũng là dịp tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, tạo ra được một môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng với nhân dân. Giúp Đảng lắng nghe được những nguyện vọng, những phản ánh của nhân dân trong cuộc sống. Qua đó, góp phần tích cực xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân ngày càng vững mạnh.
Có thể nói Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ đem đến niềm vui trong hoạt động văn hóa, văn nghệ mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố khối đoàn kết các dân tộc, gắn kết tình làng nghĩa xóm, tối lửa, tắt đèn có nhau và động viên, khuyến khích mọi người dân phát huy ý chí tự lực tự cường, khơi dậy ý chí khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo, xây dựng quê hương không ngừng phát triển.
Giúp Đảng gắn bó, gần gũi với nhân dân
Phóng viên: Những ngày này thì lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đến các khu dân cư và tham dự Ngày hội Đại đoàn kết với bà con nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con ở cơ sở. Như vậy, Ngày hội sẽ góp phần khẳng định phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”?
Đồng chí Lê Tiến Châu: Nghị quyết Đại hội Đảng thứ XIII đã xác định rất rõ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Phương châm này đã được các cấp ủy từ Trung ương đến địa phương triển khai thực hiện với nhiều phương thức, cách thức khác nhau. Qua thực tiễn phương châm này đã dần đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy được quyền làm chủ của người dân.
Và điều này đã diễn ra hàng ngày thường xuyên chứ không phải chỉ diễn ra trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày hội chỉ là một dịp để thể hiện rõ hơn thôi, còn phương châm này đã thể hiện xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo của các cấp ủy và hoạt động của chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các tổ chức chính trị-xã hội.
Phóng viên: Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã khẳng định trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta luôn biết dựa vào dân, từ nhân dân để tự đổi mới, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Tiến Châu: Chính xác là như vậy, chúng ta đã có một bề dày kinh nghiệm trong lãnh đạo nhân dân làm nên cách mạng, lịch sử cũng như là bài học kinh nghiệm vô cùng có ý nghĩa trong quá trình xây dựng đất nước. Trong các chủ trương của Đảng và các quyết sách của Nhà nước bao giờ cũng lấy người dân làm trung tâm. Người dân chính là động lực, mục tiêu để xây dựng các chính sách và khi những chính sách đó được ban hành rồi thì cũng nhằm phục vụ cho quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư cũng ra đời xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.
Sau gần 20 năm triển khai và phối hợp tổ chức, Ngày hội đã cho thấy sự tác động nhiều mặt trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước, cổ vũ, động viên tinh thần của Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, sự phối hợp, triển khai và tổ chức thực hiện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục khẳng định trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn biết dựa vào dân, từ nhân dân để tự đổi mới.
Ngày hội đã tạo ra cơ hội, môi trường thuận lợi để góp phần giúp Đảng gắn bó, gần gũi với nhân dân, lãnh đạo và chăm lo cho cuộc sống nhân dân. Đồng thời, thông qua Ngày hội, nhân dân thể hiện lòng tin đối với Đảng, chia sẻ công việc cùng với Đảng, phản ánh với Đảng những vấn đề nảy sinh từ cơ sở. Ngày hội cũng là nơi góp phần giúp Đảng kiểm nghiệm phương thức lãnh đạo, bổ sung và hoàn chỉnh đường lối.
Thông qua Ngày hội, nhân dân thể hiện lòng tin đối với Đảng, chia sẻ công việc cùng với Đảng, tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo ra được môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng với Nhân dân, giúp Đảng lắng nghe được những nguyện vọng, những phản ánh của nhân dân trong cuộc sống. Ngày hội cũng là nơi góp phần giúp Đảng kiểm nghiệm phương thức lãnh đạo, bổ sung và hoàn chỉnh đường lối lãnh đạo của Đảng.
Phóng viên: Đề nghị đồng chí cho biết, thời gian tới Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có những hoạt động thiết thực nào hướng về khu dân cư, thôn xóm?
Đồng chí Lê Tiến Châu: Hướng về dân cư đây là một trong những chủ trương xuyên suốt trong hoạt động của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Mặt trận có đặc thù có hệ thống đến tận khu dân cư, cho nên các hoạt động đến với người dân thì phải thông qua Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Trong thực tiễn, hoạt động của đội ngũ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp xã và trưởng Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư rất hiệu quả, sát sao, nhiệt tình, tích cực. Như trong đợt phòng chống dịch Covid-19 vừa qua có thể nói cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng có thể nói đội ngũ cán bộ cơ sở mà nổi bật là đội ngũ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Trưởng Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư rất nhiệt tình, trách nhiệm.
Trong các ngày từ 25-27/11 tới đây, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022, đây là hoạt động thiết thực để Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục ghi nhận, biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở và cũng là một trong những hoạt động thiết thực để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng về khu dân cư, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất cụ thể nhằm nâng cao hoạt động của Mặt trận tới bà con nhân dân.
Với hướng đi đúng đắn và phù hợp đó, trong thời gian tới, Mặt trận các cấp sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các tổ chức thành viên đổi mới phương pháp, cách thức thông tin, tuyên truyền, vận động. Việc đổi mới phải kết hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp giữa các hình thức hiện đại với truyền thống. Cùng với đó phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận ở khu dân cư, đổi mới mạnh mẽ tư duy nhận thức, trên cơ sở dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không cả nể, không né tránh và thực hiện thường xuyên, quyết liệt hơn nữa để thực sự đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, sự mong đợi của xã hội; tăng cường sự tham gia của nhân dân thông qua các mô hình Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Ban Thanh tra nhân dân là môi trường hợp lý và rất có tiềm năng về hiệu quả.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!