Một số tuyến đường trọng điểm khác như cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, Quốc lộ 5, đường Giải Phóng-Ngọc Hồi,… các phương tiện cũng phải xếp hàng dài, di chuyển khó khăn để ra khỏi khu vực nội đô. Đầu giờ chiều cùng ngày, các tuyến đường mới thông thoáng trở lại.
Theo nhận định của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), từ 13 đến 23 giờ ngày 28/4 và từ 5 đến 8 giờ ngày 29/4, lưu lượng phương tiện tại khu vực cửa ngõ, các tuyến cao tốc, quốc lộ tiếp giáp Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tăng đột biến theo cả hai chiều ra và vào thành phố, do nhu cầu đi lại của người dân về quê và từ các địa phương di chuyển lên Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để đi du lịch theo đường hàng không.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, từ chiều 28 và sáng 29/4, tại các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô Hà Nội và tại các trạm thu phí trên tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ, Quốc lộ 5B,… xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài do lưu lượng tăng cao vượt xa năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Tại Hà Nội, trời đổ mưa rất to nhưng nhiều người dân vẫn ra bến xe hoặc di chuyển bằng xe cá nhân rời thành phố. Nhiều vị trí bị ngập úng, cộng với lượng phương tiện tăng cao, khiến các tuyến đường nội đô và khu vực cửa ngõ bị ùn tắc kéo dài.
Ùn tắc giao thông tại điểm cuối cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây sáng 29/4. (Ảnh CÔNG PHONG) |
Các bến xe, đường phố đều chật cứng. Tại bến xe Mỹ Đình, hành khách tới bến mua vé về quê đạt khoảng 18 nghìn người trong ngày 28/4. Đến sáng 29/4, dù mưa lớn nhưng lượng khách đến bến vẫn rất đông, ước khoảng 20-22 nghìn người. Bến xe Mỹ Đình đã phối hợp lực lượng công an, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông nhằm giữ gìn an ninh, trật tự trong bến và chung quanh bến trong đợt nghỉ lễ.
Bến xe đã làm việc với các đơn vị vận tải chuẩn bị phương tiện chất lượng, huy động 300 lượt xe để phục vụ hành khách. Tại một số tuyến như Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình, Quốc lộ 1 (đoạn từ Hà Nội đến Hà Nam), Quốc lộ 5, vành đai 3-cầu Thanh Trì, Võ Chí Công-cầu Nhật Tân-Võ Nguyên Giáp, khu vực các bến xe liên tỉnh (Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình), đặc biệt là tuyến vành đai 3 trên cao (từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì) và khu vực cửa ngõ phía nam thành phố, phương tiện di chuyển hết sức khó khăn.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương giáp ranh, ùn tắc xảy ra tại các tuyến cao tốc, quốc lộ cửa ngõ; Quốc lộ 30 khu vực ngã 3 An Thái Trung-Quốc lộ 1 thuộc huyện Cái Bè, Tiền Giang; cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận; cầu Rạch Miễu (nối hai tỉnh Tiền Giang-Bến Tre).
Khoảng 17 giờ ngày 28/4, lưu lượng phương tiện qua cầu Rạch Miễu tăng cao, giao thông ùn tắc nghiêm trọng tại chân cầu phía bờ tỉnh Tiền Giang (dòng xe kẹt cứng dài khoảng 2km trên Quốc lộ 60 thuộc đoạn đường dẫn lên cầu Rạch Miễu phía bờ Tiền Giang). Sáng 29/4, hàng nghìn xe ô-tô lưu thông trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây bị kẹt cứng tại nút giao cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. Nguyên nhân là các lái xe xin được đi vào cao tốc nhưng do chưa chính thức thông xe, cơ quan chức năng chưa cho lưu thông.
Đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia ngày 29/4 nhận được 16 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh về ùn tắc giao thông kéo dài tại một số tuyến đường, xe nhồi nhét khách, chạy lòng vòng đón thêm khách, tăng giá vé, chèn ép khách, va chạm nhiều xe trong đêm tại vành đai 3 trên cao... Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý theo nội dung các thông tin được phản ánh n
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, ngày 29/4, cả nước xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông, làm chết 16 người, bị thương 20 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 31 vụ, làm chết 15 người, bị thương 20 người; đường sắt xảy ra 1 vụ, làm chết 1 người. So với ngày đầu nghỉ lễ của năm 2022, tai nạn giao thông giảm 2 vụ, giảm 1 người chết, giảm 2 người bị thương. Lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 9.341 trường hợp; ra quyết định xử phạt 23,2 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe hơn 2.300 trường hợp; tạm giữ 169 ô-tô, gần 2.950 xe máy.