Ngày cuối tuần ý nghĩa

Từ cuối tháng Ba, cứ mỗi sáng cuối tuần tại khuôn viên của Trường đại học Phòng cháy chữa cháy, số 243 phố Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội luôn có hàng chục gia đình nô nức rủ nhau tham gia chương trình "Trải nghiệm kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy" do Trường đại học Phòng cháy chữa cháy và Viện Khoa học Phòng cháy chữa cháy phối hợp tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
Các em học sinh tham gia thực hành cùng cán bộ, chiến sĩ Trường đại học Phòng cháy chữa cháy. (Ảnh MỸ HÀ)
Các em học sinh tham gia thực hành cùng cán bộ, chiến sĩ Trường đại học Phòng cháy chữa cháy. (Ảnh MỸ HÀ)

Trong khoảng 2 năm trở lại đây số vụ cháy, nổ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội ngày càng tăng với diễn biến hết sức phức tạp. Không chỉ thiệt hại về tài sản, nhiều gia đình đã phải chịu hậu quả nặng nề hơn như mất người thân, sức khỏe suy giảm hay các di chứng của bỏng. Do đó, có một câu hỏi đặt ra là trong tình huống hỏa hoạn khẩn cấp, bạn làm thế nào để bảo vệ tính mạng của người thân và chính mình, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, người già hay các thai phụ?

Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cho hộ gia đình và trẻ nhỏ, được sự đồng ý của Ban Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (Trung tâm 2) thuộc Trường đại học Phòng cháy chữa cháy phối hợp với Viện Khoa học Phòng cháy chữa cháy tổ chức chương trình "Trải nghiệm kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy".

Ðây là hoạt động không chỉ mang lại kiến thức thực tiễn mà còn giúp nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn phòng cháy chữa cháy cho cộng đồng. Chỉ cần điền vào nội dung đăng ký trên trang mạng xã hội Facebook của Viện Khoa học Phòng cháy chữa cháy là mỗi gia đình từ 3 đến 4 người đã có thể tham gia trải nghiệm miễn phí chương trình vào sáng chủ nhật hằng tuần.

"Mục đích quan trọng nhất của chương trình là tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống cho người dân khi xảy ra cháy, để bảo vệ tính mạng, tài sản. Số người sinh sống ở Thủ đô ngày càng tăng, hầu hết nguyên nhân của các vụ cháy hiện nay là do các thiết bị điện bị quá tải. Nhận thấy sự cần thiết của việc cần phải nâng cao ý thức cho người dân về phòng cháy chữa cháy trong cuộc sống hằng ngày, sau khi trao đổi với Viện Khoa học Phòng cháy chữa cháy, Ban Giám đốc Trung tâm đã quyết định triển khai ngay chương trình từ cuối tháng 3 vừa qua", đồng chí Ðại tá, Tiến sĩ Nguyễn Thành Long, Giám đốc Trung tâm 2-Trường đại học Phòng cháy chữa cháy chia sẻ.

Tại chương trình trải nghiệm, đầu tiên các gia đình sẽ nghe và xem cán bộ chiến sĩ hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra cháy thông qua các clíp được trình chiếu. Sau đó mọi người cùng tham gia các hoạt động trải nghiệm phong phú, đa dạng: thực hành rải vòi chữa cháy, phun nước tiêu điểm, hướng dẫn sơ cứu ban đầu và sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy do rò rỉ khí gas; thực hành sử dụng mặt nạ cứu hỏa trong môi trường khói dày đặc.

Mô hình trải nghiệm thoát hiểm nhà khói là nơi thu hút nhiều nhất sự quan tâm và tham gia trải nghiệm của các gia đình. Trước khi trải nghiệm, các bậc cha mẹ và các em nhỏ được giới thiệu, tìm hiểu và hướng dẫn sử dụng mặt nạ cứu hỏa đa năng Chance E. Ðây là thiết bị quan trọng trong việc bảo vệ hô hấp, giúp hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ bị thương khi phải đối mặt với môi trường khói độc dày đặc trong các vụ hỏa hoạn.

Việc trang bị kỹ năng sử dụng mặt nạ này không chỉ giúp họ tự bảo vệ bản thân mà còn có thể cứu sống người thân trong trường hợp khẩn cấp. Khi xảy ra cháy, mặt nạ cứu hỏa với thiết kế đặc biệt có khả năng chống khói độc, chịu được nhiệt độ cao giúp bạn và người thân an toàn để di chuyển nhanh đến lối thoát hiểm.

Vừa bước ra khỏi mô hình trải nghiệm thoát hiểm nhà khói gia đình anh Tuấn Anh, ở quận Nam Từ Liêm chia sẻ: "Sau khi được cán bộ chiến sĩ hướng dẫn, chúng tôi quyết định cả nhà sẽ cùng trải nghiệm để biết cách hỗ trợ nhau nếu gặp tình huống xảy ra. Cảm giác sau khi trải nghiệm thấy thật sự rất thiết thực và đúng với thực tiễn tôi đã trải qua tại một đám cháy nơi mình sinh sống. Ở trong môi trường khói dày đặc, chúng ta sẽ bị ngộp thở và mất phương hướng hoàn toàn khi tìm cách thoát ra ngoài. Với sự hỗ trợ của mặt nạ cứu hỏa đa năng Chance E, sau khi lấy lại sự bình tĩnh gia đình tôi mới có thể đi ra khỏi nhà khói. Chắc chắn chúng tôi sẽ xếp hàng để trải nghiệm thêm lần nữa nhằm củng cố kỹ năng".

Ngày cuối tuần ý nghĩa ảnh 1

Cán bộ, chiến sĩ Trường đại học Phòng cháy chữa cháy hướng dẫn các gia đình sử dụng mặt nạ cứu hỏa đa năng Chance E và trải nghiệm mô hình thoát hiểm nhà khói. (Ảnh MỸ HÀ)

"Tham gia chương trình hôm nay gia đình tôi mới biết đến mặt nạ cứu hỏa, tác dụng của nó rất hữu hiệu. Với giá gần 1,5 triệu đồng/chiếc, tuy khá cao so với mặt bằng chung của các gia đình nhưng với chính sách bảo hành hiện nay của Viện Khoa học Phòng cháy chữa cháy, người dân mua sản phẩm sử dụng trong đám cháy sẽ được đổi miễn phí mặt nạ mới vì mặt nạ chỉ tác dụng dùng 1 lần thì tôi thấy cũng chấp nhận được. Có lẽ bình chữa cháy và mặt nạ này là 2 vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Trước mắt có thể tôi sẽ mua 2 chiếc để trang bị cho gia đình, bởi chúng tôi hiện đang ở nhà chung cư", chị Thùy Linh, ở quận Cầu Giấy chia sẻ.

"Sau 4 buổi triển khai liên tiếp, chương trình đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và hưởng ứng của rất nhiều người, số lượng gia đình và trẻ em đăng ký tham gia ngày một đông vào mỗi cuối tuần, có những hôm lên tới hơn 200 người. Ðã có những phản hồi tích cực của các gia đình, các em học sinh trên trang mạng xã hội của Trường đại học Phòng cháy chữa cháy cũng như Viện Khoa học Phòng cháy chữa cháy rằng cần có thêm nhiều buổi trải nghiệm như thế này ở các chung cư hoặc các địa bàn có đông người dân sinh sống", Thượng tá Trần Kim Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm 2 chia sẻ.

Cùng với mô hình trải nghiệm thoát hiểm nhà khói thì trải nghiệm phân biệt và sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy do rò rỉ khí gas là phần tiếp theo thu hút sự tập trung chú ý của các gia đình, đặc biệt là các chị em hằng ngày làm việc bếp núc. "Khi xảy ra cháy, nhất là việc khí gas rò rỉ sau đó bắt lửa do đang đun nấu, chúng ta hầu như đều rất sợ hãi, nghĩ đến việc bình gas phát nổ cho nên thường có xu hướng bỏ chạy thoát thân. Hôm nay, được hướng dẫn phân biệt và trực tiếp sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy do khí gas, tôi thấy nó không phức tạp như mình nghĩ. Khi xảy ra cháy, việc đầu tiên và quan trọng nhất là mỗi chúng ta phải thật bình tĩnh để tìm hướng giải quyết hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do cháy gây ra hay do việc lan rộng của đám cháy", chị Huệ Anh (quận Cầu Giấy) cảm nhận sau khi tham gia trải nghiệm.

"Tôi biết đến chương trình qua sự chia sẻ của bạn bè ở trên mạng xã hội. Ðây là lần thứ hai tôi đưa gia đình đến, sau lần đầu cách đây 2 tuần. Chồng, hai con và tôi đã trải nghiệm tất cả nội dung của chương trình, mỗi phần đều có ý nghĩa nhất định, nhưng tôi và con gái thích phần xử lý tình huống dập tắt đám cháy do khí gas và thực hành sơ cấp cứu ban đầu như ép tim ngoài lồng ngực kết hợp hô hấp nhân tạo; còn chồng và con trai thích tìm hiểu cách vận hành của xe chữa cháy và rải vòi chữa cháy, phun nước tiêu điểm. Không chỉ được trải nghiệm thực tế như những người lính cứu hỏa thực thụ, gia đình tôi còn được trang bị thêm nhiều kiến thức, có thêm kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra cháy và thậm chí là gieo đam mê cho chính con mình", chị Phạm Minh Tâm (quận Ðống Ða) nói.

Theo Thượng tá Trần Kim Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm 2: "Khi người dân xử lý đám cháy, nếu không có các thiết bị chữa cháy ban đầu và các thiết bị bảo hộ thì rất khó để dập tắt đám cháy và thoát nạn một cách an toàn, vì vậy thông qua chương trình chúng tôi giới thiệu các trang thiết bị, phương tiện cần có tại mỗi gia đình, để người dân có thể xử lý ngay tại thời điểm đó như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ cứu hỏa. Tất cả các chiến sĩ tham gia hướng dẫn đều là cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường, bảo đảm truyền tải đầy đủ, đúng, chính xác kiến thức phòng cháy chữa cháy cho người dân".

Chương trình trải nghiệm vẫn tiếp tục diễn ra vào sáng chủ nhật hằng tuần tại khuôn viên Trường đại học Phòng cháy chữa cháy và dự kiến kéo dài đến hết năm. Các gia đình có thể vào trang Facebook của Viện Khoa học Phòng cháy chữa cháy để đăng ký tham gia trải nghiệm miễn phí, vừa như một sân chơi cuối tuần, vừa trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết.