Ngành thuế Nghệ An nỗ lực vượt khó về đích

Với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành thuế Nghệ An đã nỗ lực hoàn thành vượt mức dự toán được giao. Năm 2018, toàn tỉnh đã thu được 11.900 tỷ đồng tiền thuế, bằng 110% chỉ tiêu pháp lệnh, 104% dự toán HÐND tỉnh và bằng 106% so cùng kỳ năm 2017.

Cán bộ Cục Thuế Nghệ An hướng dẫn thủ tục cho người nộp thuế.
Cán bộ Cục Thuế Nghệ An hướng dẫn thủ tục cho người nộp thuế.

"Nhặt" thuế

Chi cục thuế TP Vinh (Nghệ An) là đơn vị có số thu ngân sách nhà nước (NSNN) chiếm tỷ trọng lớn, bằng gần 20% số thu cả tỉnh. Phó Chi cục trưởng Chi cục thuế TP Vinh Lăng Khắc Dũng cho biết, ngay từ đầu năm, lãnh đạo đơn vị đã rà soát, đánh giá các chỉ tiêu thu NSNN; đề ra chương trình, đề án chống thất thu thuế để phấn đấu hoàn thành và vượt mức dự toán pháp lệnh và dự toán HÐND thành phố giao năm 2018 là 2.146,3 tỷ đồng. Ngoài các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, đơn vị đã xây dựng quy chế phối hợp các phòng của UBND thành phố Vinh, như: Phòng Quản lý đô thị (trong quản lý thuế xây dựng nhà ở tư nhân); Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để quản lý thuế đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất… Năm 2018, đơn vị đã triển khai có hiệu quả một loạt chương trình chống thất thu theo chỉ đạo của Cục Thuế Nghệ An trong các lĩnh vực như: kinh doanh khách sạn, nhà hàng, ka-ra-ô-kê, vận tải tư nhân, cho thuê nhà, ki-ốt, kinh doanh xe máy, xăng dầu... Qua đó, vừa nắm chắc được hoạt động của từng loại hình, ngành nghề kinh doanh phục vụ công tác tham mưu, dự báo, nâng cao trách nhiệm giải trình, vừa xác định mức độ rủi ro để tăng cường quản lý thuế hiệu quả, nâng cao tính tuân thủ tự nguyện cho người nộp thuế.

Bên cạnh chỉ đạo điều hành thu, chống thất thu, công tác quản lý nợ đã được Chi cục thuế TP Vinh triển khai quyết liệt. Ðơn vị đã cập nhật kịp thời các khoản thuế phát sinh để đôn đốc nộp thuế đúng hạn, hạn chế nợ phát sinh; yêu cầu các doanh nghiệp (DN) tạm nộp thuế thu nhập DN theo cam kết hằng quý; ban hành thông báo kịp thời các khoản thu từ đất khi nhận được thông tin từ cơ quan TNMT. Ngoài việc thực hiện đầy đủ các biện pháp theo quy định của pháp luật, đơn vị còn chủ động triển khai nhiều biện pháp như: nhắn tin báo nợ đến điện thoại của giám đốc DN; phối hợp với Phòng TNMT để thu nợ thuế khi làm thủ tục chuyển nhượng bất động sản; công bố thông tin DN, người chậm nộp thuế lên cơ quan truyền thông, thông tin công cộng,… Ðồng thời, thành lập bốn đoàn liên ngành để đôn đốc DN, hộ kinh doanh có số nợ thuế lớn tìm ra giải pháp nộp thuế. Trong năm 2018, Chi cục đã thu nợ được 324,9 tỷ đồng, bằng 14,8% tổng thu ngân sách.

Nhờ triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp thu thuế và chống thất thu thuế, dự kiến năm 2018, tổng thu trên địa bàn TP Vinh đạt hơn 2.206 tỷ đồng vượt dự toán HÐND thành phố Vinh và dự toán pháp lệnh giao lần lượt là 2,8% và 5,2%. Cùng thi đua với TP Vinh, nhiều chi cục thuế ở Cửa Lò, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu… đều vượt thu NSNN khá cao so kế hoạch đề ra.

Nỗ lực vượt khó

Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An Trịnh Thanh Hải nhận định, năm 2018, ngành thuế đối mặt nhiều vướng mắc liên quan chính sách như thắt chặt hoàn thuế giá trị gia tăng; DN nhỏ và vừa gặp khó khăn trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh khoáng sản; thắt chặt đầu tư công, cho nên các DN xây dựng cơ bản ước bị giảm 150 tỷ đồng tiền thuế trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, trong năm có nhiều DN trọng điểm của tỉnh đi vào hoạt động như Xi-măng Sông Lam, Tôn Hoa Sen, VSIP,… nhưng lại không phát sinh số nộp NSNN như kỳ vọng. Một số sản phẩm sản xuất chủ lực như bia, thủy điện… đã đạt công suất tối đa; thiên tai, bão lũ ở các huyện miền núi kéo dài ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh gây tác động tiêu cực đến nguồn thu NSNN. Trong khi đó, dự toán Bộ Tài chính giao cho tỉnh tăng cao so với năm 2017.

Trước bối cảnh đó, ngay từ đầu năm, Cục Thuế Nghệ An đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp về tuyên truyền, thanh tra và thu nợ đọng thuế nhằm tăng thu NSNN. Cục Thuế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị thu NSNN năm 2018 trên toàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo liên quan khác; triển khai công tác nghiệp vụ, tăng cường thanh tra, kiểm tra và chống thất thu thuế, tập trung vào một số lĩnh vực như khai thác khoáng sản, kinh doanh bất động sản, ăn uống, khách sạn, hoạt động thương mại,… Cục Thuế tỉnh đã thành lập Tổ đối chiếu, giám sát việc kê khai thuế đối với hoạt động khai thác, mua bán khoáng sản, thu thập thông tin, tài liệu của các DN trong kế hoạch có rủi ro cao về kê khai, nộp thuế để kiểm tra đột xuất hàng tồn kho các DN ở huyện Quỳ Hợp. Ðồng thời, yêu cầu các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản cam kết kê khai sát thực tế đối với sản lượng khai thác. Do vậy, số nộp từ thuế tài nguyên tăng 80 tỷ đồng so năm 2017. Ngoài ra, thành lập Tổ công tác phân tích và kiểm tra các DN bất động sản sử dụng đất đô thị, góp phần đưa thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản tăng gần 30 tỷ đồng, số thu từ các DN bất động sản tăng 20 tỷ đồng so năm 2017. Cục Thuế đã và đang thanh tra tại 10 DN, ban hành quyết định xử lý tại bốn đơn vị với số thuế truy thu, xử phạt hơn bảy tỷ đồng. Ðối với hoạt động kinh doanh ăn uống, chỉ đạo Chi cục Thuế TP Vinh giám sát hoạt động đối với 70 cơ sở, yêu cầu người nộp thuế kê khai mức doanh thu hằng tháng phù hợp, sát thực tế; kết quả tăng thu ngân sách hơn ba tỷ đồng...

Cục Thuế đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thu nợ do Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách; đầu tháng 12 đã động viên các DN nộp 250 tỷ đồng nợ thuế trong năm 2018; phối hợp các sở, ngành tháo gỡ khó khăn cho DN để có khả năng nộp thuế.

Cục Hải quan Nghệ An có một năm nỗ lực để vượt thu thuế XNK với con số cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, tổng kim ngạch XNK tại Nghệ An đạt 1,22 tỷ USD, tăng 30% so năm 2017; thu ngân sách đạt gần 1.600 tỷ đồng, tăng 27% chỉ tiêu pháp lệnh, nâng tổng số thu ngân sách toàn tỉnh lên khoảng 13.500 tỷ đồng, lớn nhất từ trước đến nay.