Xuất khẩu loại than chưa sử dụng
Sau 20 năm kể từ khi thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), sản lượng hằng năm của ngành than đã tăng gấp bảy lần, năng suất cũng tăng gấp bốn lần, đáp ứng đủ nhu cầu than trong nước và dành một phần hợp lý để xuất khẩu. Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên cho biết: Từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm TKV sản xuất khoảng 40 triệu tấn than sạch, nhưng lượng than xuất khẩu có xu hướng giảm dần: Năm 2010, xuất khẩu 18,7 triệu tấn, đến năm 2014 còn 6,5 triệu tấn (trong đó, TKV xuất khoảng sáu triệu tấn); kế hoạch năm 2015, chỉ còn xuất khẩu hai triệu tấn theo đúng quy hoạch, kế hoạch Thủ tướng phê duyệt và chỉ xuất khẩu những loại than trong nước chưa sử dụng đến. Với sản lượng khoảng 40 triệu tấn/năm, ngành than mới đáp ứng đủ cơ cấu chủng loại than cám 2, 3, 4 cho sản xuất ximăng, phân bón, giấy, luyện kim,...khoảng bảy triệu tấn (chiếm 17-18%), hơn 80% còn lại là các loại than cục, cám chất lượng cao, cám trung bình và cám nhiệt năng thấp. Sau khi cân đối đủ nhu cầu trong nước cho sản xuất điện, phân bón, các hộ tiêu thụ lớn khác, còn lại mới xuất khẩu.
Việc xuất khẩu những chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết nhằm giảm tồn kho, ứ đọng vốn và nâng cao hiệu quả kinh doanh của TKV.Đối với than chất lượng cao, xuất khẩu một tấn than sẽ nhập được 2 - 3 tấn than cho sản xuất điện. Thời kỳ xuất khẩu giá cao, kim ngạch xuất khẩu than đã bù đắp cho giá than trong nước thấp hơn giá thành bán cho các hộ lớn. Xét về khía cạnh kinh tế, nếu không xuất khẩu than, khó có thể bù được khoản lỗ có năm lên tới 5-6 nghìn tỷ đồng bán cho các hộ trong nước, nâng cao năng lực sản xuất than, đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế. Ba năm gần đây, TKV chỉ xuất khẩu ở mức thấp nhất để ổn định việc làm cho công nhân mỏ. Trong năm nay, để xuất khẩu hai triệu tấn than cục, than cám chất lượng cao trong nước không có nhu cầu sử dụng, TKV đã phải tìm kiếm bạn hàng nhiều nơi để tiêu thụ, bởi để lâu một vài tháng, than cục sẽ tự phong hóa, vỡ ra, mất một nửa giá trị.
Việc phải nhập khẩu than đã được tính toán kỹ trong các quy hoạch ngành điện và ngành than, vì trong cơ cấu sản lượng ngành điện sau này, sẽ sử dụng hơn một nửa là các nhà máy nhiệt điện chạy than. Năng lực sản xuất của ngành than dù có tăng ở mức cao nhất cũng như việc đầu tư phát triển các mỏ mới sau này, cũng chỉ đáp ứng khoảng 70 - 75%, còn lại vẫn phải nhập.
Cân đối bài toán kinh tế
Trong những thời điểm giá than thế giới tăng cao, việc xuất khẩu đem lại hiệu quả lớn, nhưng hiện nay, giá than thế giới giảm mạnh, TKV đang chủ trương hạn chế xuất khẩu và tăng cường nhập khẩu do nguồn cung dồi dào, giá rẻ. Theo dự đoán của Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên, việc nhập khẩu than trong vài ba năm tới sẽ thuận lợi và mức giá rẻ hơn so với trước. Hiện tại, TKV vẫn đáp ứng đủ nhu cầu than trong nước, trước mắt chỉ nhập khoảng vài trăm nghìn tấn sử dụng thử tại một số lò hơi nhà máy công nghiệp. Từ năm 2016 trở đi, mới phải nhập khẩu than cho sản xuất điện, nếu các dự án điện đúng tiến độ, sẽ nhập khoảng 3-5 triệu tấn và sẽ tăng dần qua các năm, nếu chậm sẽ thấp hơn.
Để bảo đảm phần than trong nước thiếu hụt, TKV đang xúc tiến đẩy mạnh thăm dò và khai thác Bể than Đông Bắc vùng Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và các mỏ than có điều kiện khai thác thuận lợi hơn, chất lượng than tốt và trữ lượng tài nguyên có thể đến 8 - 9 tỷ tấn ở độ sâu 1.000 -1.200m. Đồng thời, triển khai nghiên cứu thử nghiệm khai thác than vùng đồng bằng sông Hồng. Do điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, cần phải đầu tư lớn cho sản xuất và bảo đảm an toàn khiến chi phí khai thác tăng cao. Hiện nay, tại Quảng Ninh, khai thác than hầm lò đã xuống đến độ sâu âm 300 - 500 m so mặt nước biển, sản xuất than lộ thiên, mỗi tấn phải bóc 11 m 3 đất đá, cao gấp 3,5 lần trước đây. Tuy TKV đã nỗ lực cố gắng tiết giảm chi phí, giữ chân thợ lò qua việc trả lương cao, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt, phúc lợi xã hội, nhưng ở một số đơn vị vẫn có thợ lò bỏ việc, việc tuyển dụng lao động thợ lò ngày càng khó khăn. Ngành than kiến nghị Nhà nước xem xét, điều chỉnh các loại thuế, phí phù hợp và có các giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách, huy động vốn, các thủ tục trong đầu tư xây dựng cơ bản để giải quyết các dự án cấp bách tăng sản lượng than theo Quy hoạch đã được duyệt. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ để ngành than có nguồn đầu tư phát triển để cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập cho thợ lò. Nếu không, ngành than sẽ gặp nguy cơ thiếu vốn phát triển sản xuất cũng như thiếu hụt thợ lò có tay nghề cao.
Than được coi là "bánh mì của công nghiệp", tương lai ngành than phụ thuộc lớn vào nguồn nhân lực chất lượng cao, những người thợ lò đang ngày đêm lao động dưới những tầng than, khai thác "vàng đen" cho Tổ quốc. Tập đoàn đã chủ động triển khai Đề án nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả kinh doanh, trọng tâm là thúc đẩy khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa trong khai thác than, nhất là trong hầm lò và thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, giảm giá thành, tập trung thực hiện trong năm nay và những năm tiếp theo, nhằm đáp ứng nhu cầu than ngày càng tăng của nền kinh tế.