Ngành than ổn định sản xuất, bảo đảm an ninh năng lượng

Trong bối cảnh nhu cầu than trong nước đang tăng cao đột biến, để cung cấp đủ than cho sản xuất điện, bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định sản xuất, tăng công suất, sản lượng cho các mỏ.
0:00 / 0:00
0:00
Khai thác vận chuyển than lộ thiên tại mỏ Đèo Nai.
Khai thác vận chuyển than lộ thiên tại mỏ Đèo Nai.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị của tỉnh Quảng Ninh cũng phối hợp chặt chẽ, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi giúp các đơn vị khai thác than trực thuộc TKV hoàn thành nhiệm vụ.

Thiếu than hiện hữu

Tại cuộc họp khẩn của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp trước mắt bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo TKV và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp đầy đủ than cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong nước; các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu triển khai các biện pháp như vay, mượn, mua lại, ứng trước,… than của các nhà máy khác; khai thác tối đa nguồn thủy điện cho đến thời điểm phù hợp,...

Trong 4 tháng vừa qua, tổng khối lượng than TKV đã giao cho các nhà máy nhiệt điện đạt hơn 13,5 triệu tấn, tương đương 35% so với khối lượng hợp đồng. Lượng than TKV cung cấp cho các nhà máy cơ bản đạt tiến độ và sản lượng theo hợp đồng. Thậm chí một số nhà máy nhiệt điện, TKV cung cấp vượt tiến độ hợp đồng như một số nhà máy nhiệt điện BOT huy động lượng than cao (4,838 triệu tấn, bằng 43,2% kế hoạch cả năm 11,2 triệu tấn).

Theo nhận định của lãnh đạo TKV, tình hình cung ứng than hiện nay cho nền kinh tế, nhất là than cho sản xuất điện đang có xu hướng tăng cao. Giai đoạn 2017-2020 vừa qua, nhu cầu than antraxit cho các nhà máy nhiệt điện lên tới 40 triệu tấn/năm. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, sản lượng này tăng lên khoảng 50-55 triệu tấn than/năm.

Nguyên nhân khiến nhu cầu sử dụng than tăng cao là do hàng loạt các nhà máy nhiệt điện chạy than được xây dựng thời gian qua, một số ngành như xi-măng, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất,… sản xuất tăng trưởng trở lại sau dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng than tăng rất cao.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, trong một thời gian ngắn, việc tăng 10-15 triệu tấn than antraxit cho các nhà máy nhiệt điện sẽ dẫn đến tình trạng thiếu than hiện hữu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hiện nay, nước ta có 2 đơn vị đảm trách sản xuất, khai thác than là TKV và Tổng công ty Đông Bắc với sản lượng bình quân 40-41 triệu tấn than/năm.

Đại diện lãnh đạo TKV cho biết: Hoạt động khai thác than của tập đoàn chủ yếu 4 khu vực lớn gồm Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí và Đông Triều (Quảng Ninh). Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than và Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (điều chỉnh), TKV đã thực hiện toàn bộ 21 đề án thăm dò.

Giai đoạn 2016 đến nay, TKV được giao thực hiện 40 dự án cải tạo mở rộng và đầu tư mỏ than mới, trong đó có 23 dự án hầm lò, 17 dự án lộ thiên. Đến nay, đã có 33 trong tổng số 40 dự án hoàn thiện thủ tục và triển khai các bước đầu tư. Đây là chiến lược lâu dài giúp TKV tăng công suất cho các mỏ, bảo đảm cung cấp than cho nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai, một số dự án thăm dò ở Suối Lại, Hà Ráng, Đồng Vông, Uông Thượng và Vàng Danh gặp khó khăn do chiều sâu lỗ khoan lớn, địa tầng phức tạp.

Phối hợp tháo gỡ vướng mắc

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh than, bảo đảm an ninh trật tự, quản lý tài nguyên than; đồng hành gỡ khó để ngành than phát triển. Giữa tháng 5 vừa qua, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng, Quảng Ninh đã kiến nghị Đoàn giám sát tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng phù hợp thực tiễn; xem xét, có quy định riêng đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 các dự án khai thác mỏ than.

Tỉnh cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, gỡ khó để các đơn vị liên quan sớm triển khai đề án thăm dò, dự án khai thác than có một phần diện tích thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng tự nhiên,…

Với năng lực hiện tại và nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện tăng cao, trong khi khả năng sản xuất của TKV chưa tăng do chưa được phép khai thác vượt dưới 15% và giấy phép khai thác của một số dự án chưa được cấp mới, đại diện lãnh đạo TKV cho biết: Nếu không được các bộ, ngành liên quan tháo gỡ, giải quyết kịp thời, nhiều khả năng ngay trong năm nay, than nguyên khai khai thác sẽ giảm khoảng 3 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm, tương ứng giảm khoảng 2-3 triệu tấn than pha trộn nhập khẩu cấp cho sản xuất điện.

Tập đoàn TKV cũng đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo EVN đưa ra giải pháp phù hợp trong điều độ hệ thống điện quốc gia, điều tiết hợp lý việc huy động sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện BOT để giảm áp lực cho TKV có than trong nước để pha trộn với than nhập khẩu. Ngoài than trong nước bắt buộc phải cung cấp cho các dự án BOT; than đặc thù các vùng của Việt Bắc, Nông Sơn, than chất lượng thấp cấp cho các nhà máy nhiệt điện thuộc TKV, than trong nước cấp cho chạy thử Tổ máy 2 Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và than trong nước cấp cho Nhà máy nhiệt điện Phả Lại để duy trì tuyến đường sắt Mạo Khê-Phả Lại, sản lượng còn lại là cung cấp than pha trộn nhập khẩu cho các nhà máy nhiệt điện.

Trong giai đoạn khó khăn về huy động nguồn điện, TKV kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo EVN trước mắt huy động tất cả các nguồn điện (năng lượng tái tạo, các nhà máy nhiệt điện dùng than nhập khẩu,...) để không dồn áp lực cho một nhà cung cấp than là TKV. Trong năm 2023, TKV sẽ cung cấp thêm chủng loại pha trộn nhập khẩu than cám 5a.14, 5b.14, 6a.14 có chỉ tiêu chất bốc khô tối đa 12% phù hợp với công nghệ của một số nhà máy nhiệt điện mới, bảo đảm cung cấp đủ than cho các nhà máy vận hành.

Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải khẳng định: Về định hướng phát triển trong giai đoạn tới, nhiệm vụ quan trọng nhất của Tập đoàn là tiếp tục giữ vị trí một trong ba trụ cột an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến phức tạp đối với việc cung ứng năng lượng.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn trong công tác quy hoạch, Tập đoàn sẽ ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thăm dò các dự án, xác định toàn bộ trữ lượng than ở các tầng địa chất, từ đó xây dựng quy hoạch khai thác trên cơ sở bám sát quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và quốc gia. Giai đoạn 2023-2025, TKV sẽ bố trí nguồn lực tài chính đầu tư nâng công suất cho các mỏ và đổi mới các công nghệ khai thác than theo hướng “3 hóa” để tăng năng suất, sản lượng đáp ứng nhu cầu than phục vụ phát triển kinh tế.