Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) dự và phát biểu chỉ đạo.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban đảng, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy.
Năm 2022, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Trong thành tích chung đó, có đóng góp quan trọng của ngành Nội chính Đảng. Toàn ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, quy định quan trọng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Nhất là, ngành Nội chính Đảng đã chủ trì, phối hợp tham mưu cho Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; chủ trương về thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; tham mưu cho Bộ Chính trị Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...; tham mưu tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, tạo bước tiến mới về nhận thức, lý luận, xác định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc đấu tranh này.
Ngành Nội chính cũng đã tích cực, chủ động tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tham mưu chỉ đạo thực hiện tốt hơn cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Năm 2022, các bộ, ngành đã chuyển 498 vụ việc, địa phương đã chuyển 181 vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện trong quá trình kiểm tra, thanh tra đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật, tăng hơn 2 lần so với năm 2021.
Việc chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác giám định, định giá tài sản.
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; trong năm 2022 đã thu hồi được hơn 27.400 tỷ đồng, tăng 18.000 tỷ đồng so với năm 2021.
Ngành cũng chủ động, kịp thời tham mưu đưa nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo. Điển hình như các vụ án, vụ việc, sai phạm xảy ra tại: Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Tập đoàn AIC; dự án bất động sản tại 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Trinh; vụ án liên quan Nguyễn Thị Kim Hạnh; Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty thành viên…
Ngành Nội chính đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; lựa chọn những khâu yếu, việc khó, phức tạp, những lĩnh vực trọng tâm để kiểm tra, giám sát.
Ngành đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương kiểm tra công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; chỉ đạo kiểm tra một số lĩnh vực có chuyên môn sâu, khép kín, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực....
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan trong khối nội chính tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời những vụ, việc liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động chống, phá của các thế lực thù địch, phản động; xử lý các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đánh giá cao và biểu dương những thành tích mà ngành Nội chính Đảng đã đạt được trong năm qua. Đồng chí lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành Nội chính Đảng vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục hiệu quả: Tính chủ động, chất lượng tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề, vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh, trật tự có mặt chưa đáp ứng yêu cầu.
Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về lĩnh vực nội chính, cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Nội chính chưa được chú trọng đúng mức.
Hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và hoạt động của Ban Nội chính ở một số địa phương còn lúng túng, thiếu chủ động, hiệu quả tham mưu phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực còn thấp.
Về nhiệm vụ năm 2023, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, đây là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trong khi đó, đất nước mặc dù đạt được những thành tựu rất quan trọng, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, đặt ra yêu cầu cao hơn cho công tác nội chính.
Ngành Nội chính Đảng cần chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu với Đảng các chủ trương, định hướng lớn về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Tập trung tham mưu tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và 2 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Cải cách tư pháp, nhất là nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; nghiên cứu, đề xuất cơ chế bảo vệ cán bộ các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Ban Nội chính Trung ương cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tham mưu xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào.
Ban Nội chính Trung ương cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tham mưu xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư là: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng
Tập trung tham mưu chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến công ty Việt Á; Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát,...
Tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; tập trung xử lý ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với việc tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, ngành Nội chính phải hết sức coi trọng, chủ động hơn nữa trong công tác phòng ngừa sai phạm.
Chú trọng kiểm tra, giám sát các lĩnh vực nhạy cảm, hoạt động khép kín, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; kịp thời phát hiện, nhắc nhở cán bộ, đảng viên, không để tích tụ khuyết điểm, vi phạm nhỏ thành khuyết điểm, vi phạm lớn, dẫn đến vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật.
Tiếp tục tham mưu, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng có năng lực, trình độ, có bản lĩnh, dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai, đặc biệt, phải thật sự liêm chính…
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc thay mặt cán bộ, công chức, nhân viên ngành Nội chính Đảng tiếp thu ý kiến và chỉ đạo Ban Nội chính Trung ương, ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy phải xây dựng Kế hoạch cụ thể, đưa vào Chương trình công tác năm 2023 để thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư.
Đồng chí đề nghị toàn ngành khắc phục bằng được những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra, nhất là về kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; về phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề phức tạp, nhạy cảm về an ninh, trật tự; về tham mưu phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
Đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh, cán bộ, công chức, nhân viên ngành Nội chính Đảng phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ như đồng chí Tổng Bí thư thường nhắc, là phải đúng vai, thuộc bài.
Đúng vai là phải thực hiện đúng chức năng của cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính của Đảng, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp.
Thuộc bài là phải nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trước hết là về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; nắm vững và thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn, không làm thay việc của cơ quan khác; có kỹ năng và phương pháp công tác tốt.
Phải tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban thường vụ, thường trực cấp ủy; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, xây dựng đội ngũ chuyên gia và cộng tác viên chuyên sâu trên các lĩnh vực; đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan nội chính; khiêm tốn, cầu thị, liêm chính, bản lĩnh, công tâm, thường xuyên học hỏi nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.