Ngành hóa chất ứng phó biến động thị trường

Do cơ chế chính sách chậm được điều chỉnh, cùng với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán diễn ra ở nhiều nơi, đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành hóa chất. Ðể vượt khó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và các đơn vị thành viên nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất DAP tại Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai.
Sản xuất DAP tại Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai.

Thời điểm hiện tại, kết quả sản xuất kinh doanh của Vinachem tăng trưởng tốt hơn so với các tháng đầu năm, lợi nhuận có lãi, doanh thu các nhóm ngành khởi sắc, đặc biệt là nhóm ngành phân bón, tạo động lực thúc đẩy sản xuất.

Nhiều yếu tố bất lợi

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân đạm và hóa chất Hà Bắc Phạm Văn Trung cho biết, những tháng qua, tình hình sản xuất của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn do lượng cấp than có chất lượng không phù hợp với công nghệ sản xuất, ảnh hưởng lớn tới thiết bị và công suất chạy máy.

Bên cạnh giá đầu vào tăng cao, giá bán ra giảm, do giá bán urê và NH3 trong nước giảm mạnh theo giá thế giới và tiệm cận chi phí biến đổi; tình hình thời tiết hạn hán diễn ra trên diện rộng, thiếu điện phục vụ sản xuất,... gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Với nỗ lực của tập thể cán bộ, người lao động, công ty từng bước vượt qua khó khăn, tổng sản phẩm sản xuất quy đổi urê trong bảy tháng qua đạt 257.063 tấn, đạt 57% kế hoạch năm, bằng 92% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 2.625 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch năm, bằng 61% so với cùng kỳ; nộp ngân sách 30 tỷ đồng, đạt 31% kế hoạch năm, bằng 40% so với cùng kỳ năm 2022. Công ty đã cân đối trả nợ gốc vốn vay Ngân hàng phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại được 103 tỷ đồng, góp phần giảm chi phí lãi vay đầu tư.

Theo nhận định của ông Phạm Văn Trung, hiện tại tín hiệu thị trường đã “ấm dần” nhưng chi phí nguyên liệu tăng cao, đặc biệt là than tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2022 nên đơn vị phải tiết giảm tối đa các khoản chi phí mới bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp rất mong mỏi Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, trong đó, chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng thành đối tượng chịu thuế với thuế suất thuế giá trị gia tăng bằng 0% hoặc 5%. Bên cạnh đó, công ty cũng kiến nghị Chính phủ sớm quyết định việc triển khai Ðề án tái cơ cấu Ðạm Hà Bắc theo chủ trương đã được Bộ Chính trị chấp thuận tháng 12/2022.

Đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chăm sóc gia đình, đã và đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường chất tẩy rửa gia dụng. Giống như những doanh nghiệp khác trong ngành hóa chất, đơn vị cũng đối diện nhiều khó khăn trước biến động của thị trường nhưng với sự linh hoạt ứng dụng các giải pháp, công ty đã từng bước vượt khó và duy trì ổn định sản xuất kinh doanh. Năm 2022, doanh thu của công ty đạt 2.815 tỷ đồng, đạt 97,07% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt gần 263 tỷ đồng, vượt 16,8% so với kế hoạch.

Cao Thành Tín, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bột giặt Lix

Năm 2023, công ty phấn đấu đặt mục tiêu doanh thu 2.957 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế 225 tỷ đồng và tổng sản lượng đạt 329 nghìn tấn hàng hóa, tăng 23% so với năm 2022. “Với chiến lược phát triển bền vững, luôn cải tiến, sáng tạo, nỗ lực không ngừng và luôn tìm hướng đi mới để công ty ngày càng phát triển là minh chứng để Lix khẳng định vị thế và xác lập vị thế cạnh tranh trên thị trường” - lãnh đạo Công ty cổ phần Bột giặt Lix nhấn mạnh.

Đáp ứng nhu cầu

Trong bảy tháng qua, tình hình sản xuất kinh doanh của Vinachem và các đơn vị thành viên gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, do tác động của các chính sách, đặc biệt, sau khi Trung Quốc bãi bỏ chính sách “Zero Covid”, tăng cường xuất khẩu trở lại, nhất là các mặt hàng phân bón, hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng,... đã tạo áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Ngoài ra, quy định về thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm phân bón vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền giải quyết tiếp tục làm tăng chi phí, tăng giá vốn hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, việc bãi bỏ thuế tự vệ đối với phân bón DAP tiếp tục tạo ra sự cạnh tranh và gây bất lợi cho các đơn vị sản xuất phân bón trong nước; nguyên liệu đầu vào cũng là yếu tố gây khó khăn do vẫn còn tình trạng khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung các loại than cho sản xuất phân bón với giá neo ở mức cao,...

Với sự cố gắng của mình, Vinachem đã duy trì, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, với doanh thu ước đạt 31,7 nghìn tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch năm; phấn đấu cuối năm doanh thu đạt hơn 57,1 nghìn tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 54,5 nghìn tỷ đồng.

Một số chỉ tiêu thực hiện đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ năm 2022 như: sản lượng tiêu thụ phân bón các loại tăng 8,8%, các nhóm sản phẩm cao-su, điện hóa, hóa chất cơ bản, chất tẩy rửa, khí công nghiệp đã có sự phục hồi mạnh mẽ; giá trị xuất khẩu trong điều kiện thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng đã được giữ vững, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022.

Phùng Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Vinachem

Tuy nhiên, do diễn biến thị trường, chủ yếu là biến động giảm giá các mặt hàng phân bón trên thị trường quốc tế, mặc dù đã đề ra nhiều kịch bản ứng phó nhưng vẫn tác động mạnh đến các chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Bên cạnh nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị đã tập trung thực hiện có kết quả một số nhiệm vụ quan trọng như hoàn thiện đề án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2021-2025, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, tích cực, chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao để tái cơ cấu nợ vay ba dự án phân bón theo kết luận của Bộ Chính trị.

Cũng theo ông Phùng Quang Hiệp, từ nay đến hết năm, tình hình thị trường có những diễn biến khó lường, do vậy, Tập đoàn tiếp tục tập trung điều hành để đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tại các đơn vị thành viên nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị cùng nhóm ngành sản xuất phân bón, cao-su, hóa chất; triển khai đồng bộ, hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy tiêu thụ hàng sản xuất trong nước giữa Tập đoàn với các tập đoàn, tổng công ty và giữa các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn với nhau.

Ðể chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi của thị trường và đáp ứng cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, đánh giá và đưa ra các dự báo để chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp, liên kết chặt chẽ với hệ thống phân phối trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn bị phương án sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực, giải pháp tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, xây dựng chiến lược sản phẩm với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tăng cường quản lý hàng tồn kho, rà soát vật tư thiết bị hàng hóa chậm luân chuyển, có biện pháp sử dụng, tái sử dụng hoặc thanh lý nhằm tăng hiệu quả kinh tế...