Sau đại dịch Covid-19, thế giới đang thay đổi rất nhanh, toàn diện và sâu sắc với những diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh trên phạm vi khu vực và toàn cầu.

Vượt lên mọi khó khăn, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu nổi bật, mang tính lịch sử trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, nâng tầm vị thế, uy tín của đất nước, tạo vận hội mới, thời cơ mới, thuận lợi mới để chuyển mình theo các mục tiêu Đại hội Đảng XIII đặt ra: Đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Góp phần cho quá trình hình thành hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới về phát triển, phù hợp với thế và lực mới của đất nước có vai trò quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở vị trí là “kiến trúc sư trưởng” của nền kinh tế.

Nhân dịp năm mới Giáp Thìn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.

QUY MÔ, TIỀM LỰC
CỦA NỀN KINH TẾ VIỆT NAM KHÔNG NGỪNG ĐƯỢC NÂNG LÊN

Phóng viên: Thưa bộ trưởng, đất nước vừa đi qua một năm đầy khó khăn với kết quả thực hiện ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả này?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2023, tình hình thế giới, khu vực biến động phức tạp, khó lường, vượt quá khả năng dự báo, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, nền kinh tế nước ta đã vững bước vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đó là:

Nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, phối hợp của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành sát sao, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm các bộ ngành, địa phương triển khai các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nền kinh tế, tập trung thúc đẩy tăng trưởng trên cả 3 động lực đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Ổn định kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn, thu ngân sách nhà nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê.

Năm 2023, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã giữ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB trong tháng 6, nâng lên mức BB+ trong tháng 12, triển vọng “Ổn định”, trong khi hạ tín nhiệm của một số nền kinh tế lớn.

Tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 5,05%, mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới và khu vực; tăng trưởng kinh tế, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu… được cải thiện tích cực qua từng quý, từng tháng.

Các yếu tố nền tảng về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… được cải thiện tương đối rõ nét.

Hoàn thành 475km đường cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc của cả nước lên khoảng 1.900km.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) sáng 28/10/2023 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: TRẦN HẢI

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) sáng 28/10/2023 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: TRẦN HẢI

Hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia tiếp tục phát triển mạnh mẽ; khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hòa Lạc; các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, công nghiệp chíp, bán dẫn được thúc đẩy.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; công tác an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.

Hoạt động đối ngoại, ngoại giao cấp cao, ngoại giao kinh tế là điểm sáng nổi bật, đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Đặc biệt là, đã tiếp đón thành công chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình; nâng tầm quan hệ với Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển; nâng tầm quan hệ với Nhật Bản lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Qua đó, mở ra cơ hội mới, thời cơ và thuận lợi mới trong hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, các ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao…

Đây là những yếu tố quan trọng, tạo đà thuận lợi cho để chúng ta tăng tốc, bứt phá trong năm 2024, hướng tới thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu tăng trưởng và phát triển 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm.

Những kết quả đạt được trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 có một phần đóng góp không nhỏ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan tổng hợp tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng -

Phóng viên: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những đóng góp như thế nào vào sự thành công của kinh tế Việt Nam năm 2023, thưa Bộ trưởng?

Những kết quả đạt được trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 có một phần đóng góp không nhỏ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan tổng hợp tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Những đóng góp này được thể hiện qua những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong năm 2023 và những năm qua. Nổi bật là:

1. Phát triển và hình thành một hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới về phát triển, phù hợp với thế và lực mới của đất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương ở cả hiện tại và tương lai.

2. Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được nâng lên, tăng trưởng được thúc đẩy trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

3. Thực hiện 3 đột phá chiến lược đạt nhiều kết quả rõ nét. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tạo điều kiện để các ngành, các địa phương phát huy tính chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện, phù hợp với bối cảnh, tình hình và yêu cầu thực tiễn đặt ra.

4. Đến nay, đã có 109/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt, hoàn thành mục tiêu cơ bản trình, phê duyệt xong các quy hoạch trong năm 2023, tạo không gian mới, động lực tăng trưởng mới, đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để các bộ, ngành, địa phương ưu tiên thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương trong trung và dài hạn.

5. Tạo bước đột phá về thể chế liên kết vùng, thành lập và tăng cường hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng để phối hợp tổ chức triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng, tạo các động lực và cực tăng trưởng mới cho đất nước.

6. Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt nhiều chuyển biến tích cưc, kết quả giải ngân hằng tháng, hằng quý luôn cao hơn cùng kỳ cả về số tương đối và tuyệt đối.

7. Triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, thích ứng với các xu hướng mới toàn cầu.

8. Vị trí, vai trò của nước ta trong dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục được nâng lên. Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với số vốn FDI đăng ký năm 2023 đạt khoảng 36,6 tỷ USD, tăng hơn 32%, mà còn chủ động, tích cực đầu tư ra bên ngoài, sang cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada… và trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới.

9. Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành kinh tế mới như sản xuất chíp, bán dẫn, nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài… để phát huy tốt hơn cơ hội từ cạnh tranh chiến lược nước lớn, chuyển dịch dòng vốn FDI toàn cầu, các FTA, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, nhất là với các nền kinh tế lớn.

10. Hoạt động đối ngoại và ngoại giao kinh tế đạt nhiều thành tựu quan trọng, nâng cao vị thế, uy tín và mở ra những cơ hội, thời cơ, thuận lợi mới cho phát triển đất nước…

Đây là những kết quả quan trọng, không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, mà còn nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, cải thiện rõ nét các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của đất nước trong tương lai.

ĐỊNH HÌNH
HỆ SINH THÁI ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
CỦA VIỆT NAM

Phóng viên: Bộ trưởng vừa nhắc đến hoạt động đối ngoại và ngoại giao kinh tế năm 2023 đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nâng cao vị thế, uy tín và mở ra những cơ hội, thời cơ, thuận lợi mới cho phát triển đất nước. Năm vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiên phong làm việc với những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, kêu gọi đầu tư và hợp tác với Việt Nam. Bộ trưởng có thể chia sẻ những kết quả đã đạt được và kế hoạch trong những năm tới?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để triển khai nhiều chương trình, hoạt động đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và đào tạo phát triển nguồn nhân lực số như Google, Meta, Siemens, Hitachi,...

Thông qua các hoạt động tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động đề xuất hợp tác, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới. Thông qua đó, đã có nhiều doanh nghiệp quốc tế lớn như John Cockerill, Synopsys, Cadence,... ký kết các thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 kết hợp Lễ Khánh thành Cơ sở hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Hòa Lạc, các Cơ sở đổi mới sáng tạo và Trung tâm ươm tạo thiết kế chip bán dẫn của các doanh nghiệp công nghệ lớn như Samsung, Synopsys đã được khai trương tại NIC Hòa Lạc.

Cùng với đó, Triển lãm đã quy tụ hàng trăm doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn tham gia, đặc biệt là các tập đoàn quốc tế như SK, Samsung, Google, Meta, SpaceX, John Cockerill, Synopsys, Cadence, VISA,... cho thấy Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các tập đoàn công nghệ trên thế giới.

Đặc biệt, sau những thành tựu đối ngoại, ngoại giao cấp cao, ngoại giao kinh tế quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã tăng cường trao đổi, hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, đào tạo nhân lực chất lượng cao,…

Trong những tháng cuối năm 2023, đã có những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn như Nvidia, các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (Intel, Qualcomm, Ampere, ARM, Synopsys, Infineon) đến làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường hoạt động tại Việt Nam thông qua hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và các doanh nghiệp của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA tham quan NIC Hòa Lạc, ngày 11/12/2023.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA tham quan NIC Hòa Lạc, ngày 11/12/2023.

Trên cơ sở những kết quả hợp tác đã đạt được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chỉ đạo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tập trung triển khai các nội dung hợp tác đã thống nhất với các đối tác hiện nay, đồng thời chủ động tìm kiếm, thúc đẩy hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới trong 8 lĩnh vực trọng tâm để thiết lập hoạt động tại các Cơ sở hoạt động của Trung tâm, đặc biệt là Cơ sở tại Hòa Lạc.

Từ đó góp phần thúc đẩy mạnh tăng trưởng dựa nhiều hơn vào các động lực mới như kinh tế số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới như chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo, hydrogen,…

Có thể nói dấu ấn đặc biệt của ngành kế hoạch và đầu tư năm 2023 là đã nỗ lực không ngừng nghỉ để viết nên câu chuyện về đổi mới sáng tạo, để từ đó dần định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam với hạt nhân là Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Có thể nói dấu ấn đặc biệt của ngành kế hoạch và đầu tư năm 2023 là đã nỗ lực không ngừng nghỉ để viết nên câu chuyện về đổi mới sáng tạo, để từ đó dần định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam với hạt nhân là Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng -

Phóng viên: Bối cảnh mới mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức, Bộ trưởng có thể chia sẻ quan điểm đối với việc phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, để từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Hiện nay, công nghệ số và các doanh nghiệp công nghệ số được xác định là cốt lõi của mọi mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Đây là một chủ trương lớn, quan trọng, một định hướng mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước để các doanh nghiệp không bị tụt hậu, và chúng ta có thể đảm bảo một tương lai phát triển bền vững.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó góp phần đạt được mục tiêu nêu ra tại Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, mà cả các doanh nghiệp cũng cần phải hành động từ sớm, từ xa, để vượt qua thách thức, chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững tạo ra những giá trị mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Chính phủ tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch; bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý.

Tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh phù hơp với những qui định và cam kết quốc tế; nghiên cứu các chính sách khuyến khích đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và viện nghiên cứu, đại học;

Kết nối giữa người mua và bán, sản xuất và tiêu dùng để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nghiên cứu và thực hiện cơ chế thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, sớm đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.

Về phía các bộ, ngành, địa phương cần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp để kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng; đa dạng hóa đối tác; giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ qua đó thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn, từng bước tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị sản xuất nội địa.

Đối với các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật, tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tiên phong đổi mới sáng tạo; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, mạnh dạn đầu tư hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp; tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mới, công nghệ kỹ thuật khoa học hiện đại.

LẠC QUAN
VỀ TRIỂN VỌNG
NĂM 2024

Phóng viên: Năm 2024, tình hình kinh tế, chính trị thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục là một năm khó khăn đối với kinh tế trong nước. Xin Bộ trưởng cho biết các động lực và giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển Kinh tế-xã hội năm 2024, thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển 5 năm 2021-2025, các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tập trung vào 3 động lực tăng trưởng; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Chủ động tham mưu, ban hành và thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp, chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại... để hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh. Theo đó:

Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu trong nước...

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục…

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Xây dựng và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trong đó tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực trong giai đoạn 2025-2030.

Thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, sức cạnh tranh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Khẩn trương cụ thể hóa kết quả làm việc của lãnh đạo cấp cao với các đối tác, những thắng lợi trong công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế năm 2023…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng công bố nội dung chủ yếu Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 20/04/2023.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng công bố nội dung chủ yếu Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 20/04/2023.

Phóng viên: Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực để đạt mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Xin Bộ trưởng cho biết, chúng ta cần hiện thực hóa tầm nhìn này như thế nào? 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trước hết, cần khẳng định mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2030 và đến năm 2045 là đầy tham vọng, rất khó khăn, nhiều thách thức. Nhưng cũng cần khẳng định rằng, mục tiêu này không phải không khả thi, hoàn toàn có thể đạt được nếu chúng ta thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Ba đột phá chiến lược được Đảng, Nhà nước ta quyết tâm, nỗ lực thực hiện trong bối cảnh này là rất đúng và rất trúng. Trong 3 đột phá nêu trên, đột phá thể chế là đột phá đầu tiên và cũng là đột phá quan trọng nhất bởi đột phá này làm nền tảng và tiền đề cho các đột phá khác thành công.

Để hiện thực hóa đột phá về thể chế, đầu tiên và quan trọng nhất là cần phải tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng thể chế phải theo kịp và đáp ứng yêu cầu của thời đại; có tính chủ động, có tính khoa học, thực tiễn và có tầm nhìn dài hạn và toàn cục.

Để hiện thực hóa đột phá về thể chế, đầu tiên và quan trọng nhất là cần phải tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng thể chế phải theo kịp và đáp ứng yêu cầu của thời đại; có tính chủ động, có tính khoa học, thực tiễn và có tầm nhìn dài hạn và toàn cục.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Ngoài ra, nội dung về môi trường đầu tư kinh doanh cũng luôn cần được chú ý trong bối cảnh mới, luôn chứa đựng nhiều yếu tố bất định, rủi ro luôn đi kèm với cơ hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của nền kinh tế tri thức và chuyển đổi số, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Đảng ta đã xác định phát triển đồng bộ và hiện đại kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ lâu dài, cần phải có lộ trình phù hợp với sự phát triển chung của toàn nền kinh tế. Trong thời gian tới, tiếp tục xác định phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030, nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, khắc phục điểm nghẽn, để phát triền lãnh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Lễ ra mắt Mạng lưới bán dẫn Việt Nam

Lễ ra mắt Mạng lưới bán dẫn Việt Nam

NGÀY XUẤT BẢN: 07/02/2024
TỔ CHỨC: KIM PHƯƠNG BÌNH
NỘI DUNG: TÔ HÀ-KHÁNH BÁCH
ẢNH: BÁO NHÂN DÂN, MPI
TRÌNH BÀY: BẢO MINH