Theo phương án tái cơ cấu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm qua, Tổng công ty đã hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, hoàn thành trước thời hạn phương án tái cơ cấu.
Phát triển 3 trụ cột
Tại Hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025, lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy đánh giá cao nỗ lực, kết quả của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với 3 trụ cột: Hạ tầng, vận tải và công nghiệp. Cùng với đó là công tác chuẩn bị triển khai các dự án đường sắt mới kết nối biên giới, cảng biển; nhất là dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, là nền tảng về kết cấu hạ tầng cơ bản cho ngành.
Đoàn tàu La Reine (Hoàng hậu) vừa được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chính thức đưa vào khai thác. |
Trước cơ hội mới đang mở ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần chuẩn bị nhân lực, bộ máy để đáp ứng vận hành, bảo trì đường sắt tốc độ cao và các tuyến đường sắt mới.
"Đơn vị cần nghiên cứu tổ chức mô hình, bộ máy để đáp ứng nhiệm vụ mới về quản lý, vận hành, bảo trì đường sắt tốc độ cao và các tuyến đường sắt đầu tư mới theo quy hoạch; chuẩn bị tâm thế để hòa cùng ‘nhịp thở, nhịp đập’ của dân tộc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.
Hành trình “Kết nối di sản miền trung” lọt top 9 sản phẩm du lịch ấn tượng Huế năm 2024
Về hạ tầng, Tổng Công ty đã làm tốt việc bảo trì, phối hợp các cơ quan chức năng xử lý, từng bước xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt. Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được Thủ tướng phê duyệt đã chuyển tài sản kết cấu hạ tầng từ Nhà nước sang Tổng Công ty quản lý. Về vận tải, sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa có bước tăng trưởng, dịch vụ đa dạng, nâng cao hình ảnh nhà ga, con tàu; cho ra mắt nhiều sản phẩm mới như đoàn tàu du lịch, đoàn tàu di sản miền Trung, đoàn tàu charter; vận tải an toàn, đúng giờ.
Về công nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy yêu cầu Tổng công ty Đường sắt phải có đề án cụ thể nhằm đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa, nhất là về phương tiện đầu máy, toa xe. Ngành đường sắt đã năng động, liên kết với những doanh nghiệp ngoài ngành, các doanh nghiệp du lịch đầu tư nâng cấp toa xe, đoàn tàu mới, phục vụ hành khách.
“Tổng công ty cần nhìn nhận, đánh giá chất lượng, khả năng đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong tình hình mới. Từng đơn vị, từng khối vận tải, hạ tầng, công nghiệp phải đánh giá cụ thể, xây dựng kế hoạch, giải pháp về chuyên ngành cần đào tạo, đơn vị đào tạo và kinh phí thực hiện", Thứ trưởng chỉ đạo.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy đánh giá cao nỗ lực, kết quả của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. |
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh, năm 2024, ngành đường sắt gặp nhiều khó khăn, song cán bộ, người lao động trong toàn ngành đã triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt nhiều tín hiệu tích cực. Tổng Công ty đã đưa vào khai thác các đoàn tàu có dấu ấn chuyên biệt, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, vận tải hàng hóa đa dạng các hình thức như: khí thiên nhiên hóa lỏng LNG, tàu liên vận quốc tế,...
Nhấn mạnh dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam được Quốc hội thông qua kỳ vọng thay đổi căn bản toàn diện ngành đường sắt, ông Nguyễn Ngọc Cảnh đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cần có tư duy đột phá chiến lược, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đầu tư hiệu quả, đổi mới công tác quản lý điều hành. Đào tạo nguồn nhân lực có thể coi là trụ cột thứ tư của đường sắt, nhất là khi đường sắt tốc độ cao được giao cho tổng công ty bảo trì, bảo dưỡng, khai thác vận hành,...
Tăng trưởng sản lượng đạt 2 con số
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh cho biết, năm 2024, ngành đường sắt bị ảnh hưởng liên tiếp các sự cố do thiên tai, như sự cố sạt lở tại hầm Chí Thạnh, hầm Bãi Gió; ảnh hưởng của cơn bão Yagi, Trà Mi và nhiều đợt mưa lũ,... gây ngưng trệ giao thông đường sắt trong nhiều giờ.
Năm 2024, doanh thu hợp nhất của Tổng Công ty ước đạt gần 9.700 tỷ đồng, tăng gần 8% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ước đạt hơn 220 tỷ đồng; trong đó lợi nhuận Công ty mẹ ước đạt 6 tỷ đồng. |
Mặc dù vậy, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, đột phá, năm 2024, kết quả sản xuất kinh doanh của tổng công ty tiếp tục duy trì được tăng trưởng với cùng kỳ và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Sản lượng hành khách đi tàu đạt hơn 7 triệu lượt, tăng 14% so với kế hoạch; vận chuyển hàng hóa đạt hơn 5 triệu tấn, vượt hơn 7% kế hoạch và hơn 11% so với cùng kỳ. Doanh thu hợp nhất của Tổng Công ty ước đạt gần 9.700 tỷ đồng, tăng gần 8% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ước đạt hơn 220 tỷ đồng; trong đó lợi nhuận Công ty mẹ ước đạt 6 tỷ đồng.
“Công tác chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt, nâng cao vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân ngày một tốt hơn, giúp người lao động phấn khởi, yên tâm công tác. Thu nhập bình quân người lao động ước đạt gần 13 triệu đồng/tháng, tăng 11,5% so với cùng kỳ. An ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt được giữ vững, cả 3 tiêu chí về tai nạn đều giảm hơn 5% so với cùng kỳ.
Cuộc “lột xác” ngoạn mục của những nhà ga, toa tàu
"Thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Tổng công ty đã hoàn thành việc sáp nhập 3 Ban Quản lý dự án, thu gọn từ 5 thành 3 chi nhánh xí nghiệp đầu máy. Thời gian tới, Tổng công ty tiếp tục thực hiện thoái vốn tại 13 công ty cổ phần và thành lập Trung tâm Nghiên cứu-ứng dụng và phát triển đường sắt", ông Nguyễn Gia Khánh thông tin.
Ngành đường sắt đã đưa vào khai thác nhiều sản phẩm dịch vụ mới, chất lượng được đánh giá cao, ngày càng thu hút nhiều hành khách sử dụng phương tiện đường sắt. |
Cũng theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt, năm 2024, đường sắt đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo thuận lợi và gia tăng trải nghiệm cho khách hàng như: Triển khai kios bán vé tự động; dịch vụ tin nhắn chăm sóc khách hàng qua Zalo; bán vé qua bản đồ Google Maps; bổ sung module trên hệ thống quản trị và đưa vào khai thác sàn giao dịch vận tải hàng hóa; Wifi miễn phí trên tàu SE21/22 nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng các dịch vụ gia tăng trên tàu.
“Bên cạnh coi trọng hợp tác với các đối tác truyền thống, lâu năm, VNR cũng chủ động đẩy mạnh mở rộng hợp tác với các đối tác trong nước, quốc tế nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên với mục tiêu thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển đường sắt. Với mục tiêu phấn đấu phục hồi vận tải về giai đoạn trước dịch Covid-19, ngành đường sắt đã đưa vào khai thác nhiều sản phẩm dịch vụ mới, chất lượng được đánh giá cao, ngày càng thu hút nhiều hành khách sử dụng phương tiện đường sắt như chuyến tàu “Kết nối di sản miền trung”, tàu thuê nguyên chuyến, chuyến tàu văn hóa trà và du lịch tỉnh Thái Nguyên,...”, ông Khánh nhấn mạnh.
Ngành đường sắt hợp tác Vinpearl phát triển du lịch
Năm qua, đường sắt cũng tăng cường, mở rộng hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế với mục tiêu phát huy thế mạnh, tiềm năng và thu hút nguồn lực tham gia xây dựng, phát triển đường sắt; chủ động hợp tác với các địa phương, đối tác như Vin Group, Sun Group,… nhằm cung cấp thêm nhiều dịch vụ và chương trình khuyến mại cho khách đi tàu; kết nối di sản bản địa, kết nối dịch vụ, giao thông-chia sẻ để cùng phát triển; hướng tới "1 tấm vé cho cả hành trình".
“Tiếp đà phát triển, Tổng công ty nâng cấp, cải tạo một số ga, tổ chức các kho ngoại quan ICD, logistics; xúc tiến làm việc với địa phương trong nước để hiện thực hóa mục tiêu đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa, vận chuyển hàng hóa, nông sản địa phương tới thị trường quốc tế như Trung Quốc, Nga, châu Âu", ông Hoàng Gia Khánh chia sẻ.
Ngành đường sắt sẽ nâng cấp, cải tạo một số ga, tổ chức các kho ngoại quan ICD, logistics; xúc tiến làm việc với địa phương trong nước để hiện thực hóa mục tiêu đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa, vận chuyển hàng hóa, nông sản địa phương tới thị trường quốc tế. |
Ngành đường sắt cũng đưa ra mục tiêu năm 2025 phấn đấu doanh thu hơn 9.407 tỷ đồng, bảo đảm tỷ lệ tàu khách đi đúng giờ đạt 99%, đến đúng giờ đạt 77% trở lên; giảm tai nạn giao thông đường sắt từ 5% trở lên ở cả 3 tiêu chí, không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng; tiếp tục triển khai đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn đến hết năm 2025 theo tiến độ đề ra.
Trao tặng Bằng khen cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam
Trong khuôn khổ hội nghị , Trung tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng An ninh kinh tế, thay mặt lãnh đạo Bộ Công an đã trao tặng Bằng khen của Bộ cho Tổng Công ty vì thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đây là một trong số ít cơ quan doanh nghiệp nhà nước được Bộ Công an và Cục An ninh kinh tế khen thưởng.
Cục An ninh kinh tế cũng trao tặng giấy khen cho 3 cá nhân thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023-2024 gồm ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên; ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc; ông Đinh Hồng Tú, chuyên viên Ban An toàn giao thông đường sắt.