Ngành Công thương nỗ lực khắc phục những điểm "nghẽn", tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong năm 2024

NDO - Năm 2024 là năm bứt tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2024 ở mức 6-6,5%, ngành công thương phấn đấu thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Ngày 20/4, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng cho biết: Năm 2023 được nhận định là năm có nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu trầm lắng, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất trong nước,... Tuy nhiên, bằng hơn 100% nỗ lực, ngành công thương đã từng bước vượt qua thách thức để đạt những kết quả tương đối khả quan.

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành cả năm 2023 tăng khoảng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 3,1%; nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh,...

Ngành Công thương nỗ lực khắc phục những điểm "nghẽn", tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong năm 2024 ảnh 1

Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng báo cáo tại Hội nghị

Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu đạt kết quả tốt, kết hợp việc duy trì thị trường truyền thống đã giúp mức độ suy giảm xuất khẩu ngày càng được thu hẹp, từ mức 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn khoảng 4,6% của cả năm 2023. Cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với thặng dư gần 30 tỷ USD, gấp hơn 2 lần mức xuất siêu của năm 2022.

Thị trường trong nước tăng trưởng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 9,6%, vượt kế hoạch đề ra (8-9%). Đây là trụ đỡ cho tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất công nghiệp và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn; đồng thời, góp phần đáp ứng cơ bản nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân và kiểm soát lạm phát trong bối cảnh nhiều quốc gia đối mặt với lạm phát tăng cao.

Tiếp sau phần báo cáo của Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Hội nghị đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình, kết quả phát triển ngành công thương trong năm 2023 cũng như thống nhất các giải pháp trọng tâm để tập trung thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện Kế hoạch năm 2024 đã đề ra.

Lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ Công thương và đại diện các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp cũng chia sẻ nhiều tham luận, đóng góp ý kiến, giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo đạo điều hành; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, Trung ương và địa phương để giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương nỗ lực cùng những kết quả quan trọng ngành công thương đã đạt được trong năm 2023, nhất là nỗ lực vượt qua thách thức, khó khăn, vừa giải quyết những vấn đề nội tại, vừa tạo ra bước đột phá và phát triển mới.

Ngành Công thương nỗ lực khắc phục những điểm "nghẽn", tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong năm 2024 ảnh 2

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở một số tồn tại, bất cập ngành công thương phải tự mình khắc phục, sửa đổi trong thời gian tới. Trước hết là về thể chế, chúng ta đã khắc phục tình trạng chậm trình trong phát hành các văn bản theo thẩm quyền, nhưng số lượng văn bản cần thiết chưa ban hành còn khá lớn. Ngành Công thương đang cần đổi mới từ tư duy đến quan điểm, đổi mới trong chính sách. Nếu chất lượng chính sách không đổi mới, chúng ta không thể dẫn dắt kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi ngành năng lượng từ nâu sang xanh, không tận dụng được xu thế hội nhập.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại hết sức khốc liệt thì việc thu hút đầu tư phải có tiêu chí cụ thể để lựa chọn được các ngành công nghiệp đáp ứng được các yêu cầu. Điều này đòi hỏi phải hoàn thiện thể chế, chính sách, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cũng như cách tiếp cận với cạnh tranh và phòng vệ thương mại một cách khoa học, dựa trên các tiêu chí thế giới đã đặt ra.

Thứ hai, chúng ta cần có các biện pháp không để xảy ra thiếu nguyên, nhiên vật liệu như xăng dầu, khí đốt, điện hay các nguồn năng lượng sơ cấp khác. Điều hành năng lượng của đất nước là phải giải quyết bài toán một cách kỷ luật, trách nhiệm nhất, tránh để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cũng như ảnh hưởng đến thương hiệu, môi trường đầu tư của Việt Nam, gây xung đột trong quá trình thu hút đầu tư và thương mại.

Thứ ba, một số ngành công nghiệp chủ lực như xe máy, tivi, thép,... đều giảm khá sâu, có lĩnh vực giảm đến 43% như công nghiệp điện tử. Nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan, nhưng trong cơn bão nền kinh tế đang lộ ra những vấn đề để chúng ta xem xét lại các chiến lược trong thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thị trường tiêu dùng.

Công nghiệp hiện nay chủ yếu đang phụ thuộc vào khối FDI. Các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp năng lượng, năng lượng xanh,... rõ ràng còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, xem xét.

Trong bối cảnh năm 2024 còn rất nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng cho rằng sự cạnh tranh sẽ ngày càng trở nên tinh vi, khốc liệt hơn. Nếu chúng ta không có sự chủ động thì không thể bắt kịp những xu thế lớn của thời đại và phải đứng ngoài cuộc chơi. Nếu muốn đi cùng các nước trên thế giới, chúng ta phải có tư tưởng mang tính chất đột phá, nắm bắt những cơ hội, lựa chọn những thuận lợi trong thách thức.

Bộ Công thương phải phát huy vai trò nhạc trưởng trong lĩnh vực công và thương, là sứ mệnh, trọng trách lớn lao mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao phó. Đây là trách nhiệm rất nặng nề, khó khăn, nhưng có thể quyết định đến vận mệnh cũng như sự phát triển tự cường, tự chủ của đất nước.

Phó Thủ tướng tin tưởng bước sang năm 2024, với tinh thần đoàn kết, đổi mới của toàn ngành công thương, chúng ta sẽ đổi mới đồng bộ, toàn diện, từ khâu tổ chức bộ máy, nhân sự. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ luôn quan tâm đến ngành công thương, để giúp các đồng chí "xốc" lại sau một thời gian khó khăn, vất vả, giúp Bộ Công thương tiếp tục có những đề xuất, tham mưu mạnh mẽ để không chỉ kiến tạo mà còn khởi tạo những vấn đề mới.

Ngành công thương với truyền thống của mình sẽ luôn luôn vượt qua sóng gió, ngày càng mạnh mẽ và kiên định hơn trong quá trình phát triển để hoàn thành tốt sứ mệnh tạo ra được những chiến lược khởi tạo, kiến tạo quan trọng cho đất nước, cho nền kinh tế đổi mới hội nhập, tự lực, tự cường.

Trước thềm Giáng sinh và năm mới 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Thủ tướng Chính phủ gửi tới toàn thể đại biểu, lãnh đạo các thời kỳ và toàn thể cán bộ công chức viên chức, lao động của ngành công thương lời chúc mừng sức khỏe, hạnh phúc, an lành và thành công; chúc ngành công thương sẽ tiếp tục có thêm nhiều thành công mới.

Tiếp thu ý kiến đánh giá và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cho Ngành cần tập trung giải quyết.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này là do kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của một số đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa tốt; sự phối hợp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giữa các đơn vị, bộ phận với nhau và với các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới ở một số đơn vị chưa sâu sát, kịp thời; năng lực, trình độ của bộ phận công chức, viên chức và tính tiên phong gương mẫu của một số lãnh đạo đơn vị, cán bộ, đảng viên chưa cao.

"Đây là những điểm nghẽn đối với sự phát triển của ngành trong nhiều năm qua, vì vậy chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, cầu thị và kịp thời có các giải pháp phù hợp, khả thi để khắc phục, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Ngành Công thương nỗ lực khắc phục những điểm "nghẽn", tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong năm 2024 ảnh 3

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao tặng Huân chương lao động Hạng Nhì và Hạng Ba của Chủ tịch nước cho 2 cá nhân thuộc Bộ Công thương.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Công thương cũng công bố quyết định khen thưởng, trao tặng Huân chương lao động Hạng Nhì và Hạng Ba của Chủ tịch nước cho 2 cá nhân thuộc Bộ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 cá nhân thuộc Bộ Công thương đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2018 đến năm 2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, tặng Cờ thi đua của Bộ Công thương cho 6 tập thể thuộc Cơ quan Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, dẫn đầu trong phong trào thi đua của Bộ Công thương năm 2022.