Ngân hàng ở Vĩnh Phúc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

NDO -

7 tháng đầu năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc có gần 13.000 khách hàng được cho vay mới với lãi suất ưu đãi, dư nợ đạt hơn 13.000 tỷ đồng; trong đó có 538 doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Agribank Vĩnh Phúc hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Vĩnh Phúc chống dịch Covid-19.
Agribank Vĩnh Phúc hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Vĩnh Phúc chống dịch Covid-19.

Đồng thời, các ngân hàng, tổ chức tín dụng còn miễn, giảm lãi vay cho 480 khách hàng, với số dư nợ đạt 932 tỷ đồng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 194 khách hàng…

Nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tích cực hưởng ứng sự chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thời gian qua, NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đồng thời, NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định về cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh; xử lý kịp thời các trường hợp không chấp hành chủ trương, chậm xử lý, cố tình gây khó khăn, phiền hà khi triển khai các thủ tục vay vốn.

Khảo sát thực tế cho thấy, những khó khăn của khách hàng doanh nghiệp là hiện hữu, nhất là các ngành nghề kinh doanh như du lịch, khách sạn, vận tải, nông nghiệp. Agribank Vĩnh Phúc đã chủ động rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu, để triển khai các chương trình cơ cấu nợ, xem xét miễn giảm lãi vay... 

Ngân hàng này đang triển khai gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng hạn mức lên đến 30.000 tỷ đồng và gói vay ưu đãi dành riêng cho khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu với tổng hạn mức 15.000 tỷ đồng; chương trình giảm lãi suất cho vay kéo dài đến hết ngày 31/12/2021 với lãi suất 4,8%/năm đối với vay ngắn hạn và 7,5%/năm đối với vay trung, dài hạn. Từ tháng 5/2021, Agribank thực hiện miễn giảm phí chuyển tiền thanh toán trong nước đối với tất cả khách hàng có tài khoản thanh toán tại Agribank.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Vietinbank Vĩnh Phúc thông tin, do áp lực của dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ năm 2020, đã có những khách hàng phải bán khách sạn tại thị trấn Tam Đảo để trả nợ, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm số lượng lao động. Vietinbank Vĩnh Phúc đã cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 60 khách hàng với tổng dư nợ 382 tỷ đồng; trong đó, 3 khách hàng doanh nghiệp đã chiếm 330 tỷ đồng.

Khó khăn của doanh nghiệp làm giảm 5 – 6% thu nhập của nhân viên ngân hàng do miễn giảm lãi, phí. Nhờ phương thức thanh toán điện tử như eFAST, iPay, các khách hàng của Vietinbank có thể ngồi ở nhà làm thủ tục thanh toán số tiền lên đến 1,5 tỷ đồng, giảm giao dịch trực tiếp trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

Theo ông Trần Văn Cúc, Giám đốc Vietcombank Vĩnh Phúc, năm 2021, không có khách hàng nào của Chi nhánh phải cơ cấu lại nợ. Tỷ lệ nợ xấu rất thấp, chỉ 0,04%. Vietcombank Vĩnh Phúc đã hỗ trợ giảm lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp như các lĩnh vực du lịch, vận tải và các khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp khác.

Năm 2020, Chi nhánh giảm lãi suất số tiền hơn 30 tỷ đồng, năm 2021 trung bình mỗi tháng giảm lãi suất 3 tỷ đồng khiến khách hàng rất phấn khởi. Tuy nhiên, thu nhập của cán bộ và nhân viên ngân hàng cũng phải giảm tương ứng với mức giảm lãi suất. Để phòng, chống dịch bệnh, Vietcombank Vĩnh Phúc xây dựng phương án “3 tại chỗ”, bao gồm ăn nghỉ tại chỗ để duy trì hoạt động liên tục, bảo đảm không gian, môi trường giao dịch an toàn.

Phó Giám đốc BIDV Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Đức Phi thông tin, chi nhánh chủ động nắm bắt tình hình hoạt động, kinh doanh của khách hàng để chia sẻ khó khăn. Đối với chương trình giảm lãi suất, chi nhánh BIDV Vĩnh Phúc hỗ trợ giảm lãi suất tối đa 1%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 1,5% đối với cho vay trung, dài hạn, tùy theo ngành nghề kinh doanh.

Đặc biệt, BIDV Vĩnh Phúc đang thực hiện chương trình cho vay không tài sản bảo đảm đến 50 triệu đồng/cán bộ y tế với lãi suất cố định 1%/năm và chương trình cho vay nhu cầu nhà ở với lãi suất cố định 5,5%/năm nhằm hỗ trợ nhóm khách hàng này vượt qua đại dịch. Tính đến ngày 15/8/2021, chi nhánh BIDV Vĩnh Phúc đã hỗ trợ giảm lãi suất cho 1.720 khách hàng với quy mô 2.920 tỷ đồng, giảm lợi nhuận hơn 5 tỷ đồng.

Chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng rà soát nhu cầu vay vốn của người sử dụng lao động, kết quả có 8 người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất. người có nhu cầu vay vốn chủ yếu là các trường mầm non và doanh nghiệp vận tải.

Ngân hàng tại Vĩnh Phúc triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 -0
 Vietinbank Vĩnh Phúc ứng dụng nhiều phương thức thanh toán điện tử mới, hạn chế giao dịch trực tiếp với khách hàng.

Các ngân hàng cũng giảm gần hết phí sử dụng dịch vụ, triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, ứng dụng nhiều loại dịch vụ ngân hàng số và công nghệ để phát triển các dịch vụ thanh toán tiện lợi. Thời gian gần đây, các ngân hàng tăng cường giao dịch online thông qua các tiện ích mới, giảm tối đa giao dịch trực tiếp.

Theo NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, các ngân hàng tại Vĩnh Phúc đã quyên góp, hỗ trợ nhiều tỷ đồng cùng các trang thiết bị chống dịch cho địa phương. Việc các ngân hàng coi trọng giá trị chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân thể hiện trách nhiệm xã hội với địa phương, với đất nước trong những ngày chống dịch.

Hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19