7

Ngân hàng khẩn trương hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất-kinh doanh

NDO - Ngày 18/9, tại Hà Nội, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú chủ trì buổi làm việc với các tổ chức tín dụng để trao đổi, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, trước ảnh hưởng của cơn bão số 3 làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất-kinh doanh của người dân, để hỗ trợ cho khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão, ngày 9/9/2024, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất-kinh doanh sau bão; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định hiện hành.

Đồng thời, để nắm bắt thực tế tình hình thiệt hại sau bão, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã đi khảo sát, nắm bắt tình hình và triển khai công tác khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước đã có buổi làm việc trực tiếp với 4 ngân hàng thương mại nhà nước để nắm bắt tình hình và trao đổi các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, toàn ngành Ngân hàng đã tích cực tham gia công tác an sinh xã hội và ủng hộ trên 38,4 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào tại các vùng bị thiệt hại.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đến ngày 17/9, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, khoảng 73.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ ước tính khoảng 94.000 tỷ đồng.

Thống kê sơ bộ của 4 ngân hàng thương mại (BIDV, VCB, Agribank và Vietinbank), có khoảng 13.494 khách hàng bị ảnh hưởng với số dư nợ ước tính 191.457 tỷ đồng. Dự kiến, số lượng khách hàng và dư nợ bị ảnh hưởng sẽ còn gia tăng trong những ngày tới do các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đang tiếp tục thống kê và cập nhật số liệu.

Đại điện Agribank cũng cho hay, qua thống kê sơ bộ đến ngày 16/9, Agribank có hơn 12.600 khách hàng vay bị thiệt hại do bão số 3, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng gần 25.000 tỷ đồng, dư nợ thiệt hại dự kiến trên 8.000 tỷ đồng.

Để khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3, Agribank đã rà soát, thống kê và liên hệ với khách hàng để nắm bắt các khoản cấp tín dụng đến hạn nhưng khách hàng không có điều kiện trả nợ do thiên tai; kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 40.000 tỷ đồng; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024, dự kiến khoảng 30.000 tỷ đồng. Agribank cũng phối hợp với Công ty Bảo hiểm ABIC và các đơn vị bảo hiểm khác kịp thời các xác định thiệt hại bồi thường cho khách hàng theo quy định. Theo số liệu thống kê sơ bộ của ABIC, số tiền bồi thường thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng…

Còn theo đại diện VCB, từ ngày 9/9, VCB đã cho thống kê thiệt hại và đồng thời đề xuất các bộ phận chức năng xây dựng các chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Sau khi rà soát, VCB đã tiến hành hỗ trợ giảm 0,5% mức lãi suất vay đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão. Theo dự đoán, VCB sẽ tiến hành giảm lãi suất với tổng dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng.

Đại diện VCB cũng cho rằng, các doanh nghiệp bị tác động bởi bão cần có sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, các ngành khác như bảo hiểm, cần triển khai nhanh chóng, đẩy nhanh tốc độ xử lý thẩm định và đền bù…

Ngân hàng khẩn trương hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất-kinh doanh ảnh 1

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại cuộc họp.

Kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, các ngân hàng đã có những hành động thiết thực, ý nghĩa ngay sau khi cơn bão số 3 đi qua. Một lần nữa, Phó Thống đốc biểu dương và đánh giá cao tinh thần tích cực của các ngân hàng, qua đó ghi nhận trách nhiệm xã hội của ngành Ngân hàng đối với cộng đồng.

Trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, Phó Thống đốc đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ khách hàng trên nhiều mặt không chỉ bằng nguồn lực tài chính, nguồn vốn mà cần hỗ trợ tư vấn, động viên, không quay lưng với khách hàng trong thời điểm khó khăn này; Tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp một cách công khai minh bạch, tuyệt đối không lợi dụng chính sách, áp dụng đúng đối tượng; Chấp hành tốt chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Đồng thời, Phó Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng cơ chế thông tin báo cáo giám sát đầy đủ, kịp thời với cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước, chính quyền địa phương; Tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường truyền thông cơ chế, chính sách, kế hoạch thực hiện qua các phương tiện.

Phó Thống đốc đề nghị các tổ chức tín dụng rà soát khách quan, minh bạch theo mức độ ảnh hưởng và phân loại đối tượng bị thiệt hại để xây dựng chương trình hỗ trợ phù hợp; Xây dựng các chương trình hỗ trợ phù hợp với năng lực của mỗi tổ chức tín dụng trên tinh thần tích cực, trách nhiệm cao nhất, tập trung vào chính sách giãn, hoãn thời hạn trả nợ; chính sách giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ do ảnh hưởng của bão lũ và cả các khoản vay mới; Tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương và Ngân hàng Nhà nước để chung tay khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra…