Ngăn chặn tình trạng xe buýt chạy ẩu gây tai nạn giao thông

Xe buýt là phương tiện giao thông công cộng không chỉ giúp giảm tải phương tiện cá nhân tham gia giao thông, góp phần hạn chế ùn tắc, mà còn tiện lợi và giá cả phù hợp với người dân. Tuy nhiên, thực tế tại các đô thị lớn ở nước ta, trong đó có địa bàn Thủ đô Hà Nội, xe buýt đang bộc lộ những điểm hạn chế nguy hiểm, cần có ngay biện pháp chấn chỉnh.

Hiện trường vụ tai nạn chết người do xe buýt gây ra tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào cuối tháng 8-2016.
Hiện trường vụ tai nạn chết người do xe buýt gây ra tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào cuối tháng 8-2016.

Nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông

Xe buýt chạy ẩu trên phố đã trở thành chuyện không hiếm. Nhiều người dân khẳng định từng gặp rắc rối với loại phương tiện được mệnh danh là “hung thần đường phố” này. Chủ yếu đó là những trường hợp bị xe buýt chèn ép để đón trả khách tại các điểm dừng hoặc chuyển làn, rẽ đột ngột ở các ngã tư. Anh Ngọc, trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) từng là nạn nhân của một chiếc xe buýt nhớ lại: “Hôm đó trời mưa, đường rất trơn. Tôi đang di chuyển bằng xe máy đúng làn đường trên phố Kim Mã. Đột nhiên chiếc xe buýt ở làn ngoài bật xi-nhan rồi lập tức rẽ vào điểm dừng, chèn ép khiến tôi phanh gấp và loạng choạng suýt ngã. Vừa hoảng sợ vừa bực bội, nhưng tôi cũng chẳng biết kêu ai…”.

Không chỉ đi ẩu, nhiều lái xe buýt vẫn dừng đỗ sai quy định, gây nguy hiểm cho cả người tham gia giao thông và hành khách khi lên xuống xe. Cụ thể hơn, việc đỗ xe đón trả khách cách quá xa vỉa hè, khiến người tham gia giao thông buộc phải lách vào khoảng trống giữa xe buýt và lề đường - nơi hành khách đang lên xuống xe buýt. Chị P.T.Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) là một trong những nạn nhân của lối dừng, đỗ ẩu này. Trong một lần chị đi xe buýt đến khu vực Nhổn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), lái xe đã dừng đột ngột cách vỉa hè một khoảng khá xa, khi chị Hương vừa bước xuống đã bị một người đi xe máy đâm thẳng vào người. Tai nạn khiến chị phải nhập viện cấp cứu. Chị T.M.Hà, một giáo viên đã hơn mười năm thường xuyên đi xe buýt chia sẻ, từng nhiều lần bắt gặp cảnh lái xe thản nhiên “buôn” điện thoại trong khi xe đang chạy giữa đường phố tấp nập. Nếu hành khách nhắc nhở, lái xe cũng bỏ ngoài tai, hoặc tạm thời dừng cuộc điện thoại nhưng một lúc sau vẫn tiếp tục. Hành vi này là sự coi thường tính mạng hành khách và người đi đường, đồng thời là câu hỏi lớn về trách nhiệm của các đơn vị quản lý giao thông nói chung và quản lý xe buýt nói riêng.

Bên cạnh những người “trong cuộc” vẫn còn có thể kể lại câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” về xe buýt, còn không ít nạn nhân đã mất đi mạng sống vì các “hung thần đường phố”, vĩnh viễn chẳng bao giờ nói lên được sự kinh hoàng trong giây phút đối mặt tử thần… Cuối tháng 8 vừa qua, chiếc xe buýt chạy trên phố Hàng Khay theo hướng Tràng Tiền về Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã đâm vào đuôi ô-tô nhãn hiệu Mazda CX5 rồi đâm tiếp một phụ nữ đi xe máy cùng chiều. Cú tông mạnh hất người phụ nữ văng vào lề đường, rồi bánh xe cán qua người khiến tử vong tại chỗ. Chiếc xe máy bị cuốn vào gầm xe buýt, kéo lê cả chục mét.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nhiều xe buýt chạy không đúng hành trình, đón trả khách không đúng quy định, phóng nhanh vượt ẩu, chèn ép các phương tiện và người đi đường… trước hết là do ý thức của lái xe còn kém, sau đó là những yếu tố khách quan như áp lực từ việc đơn vị quản lý “ép” chỉ tiêu về thời gian lộ trình trong khi mật độ giao thông cao…

Tám tháng, 10 vụ tai nạn liên quan xe buýt, tám người chết

Gần đây trên địa bàn TP Hà Nội, hàng loạt vụ tai nạn gây chết người có liên quan đến xe buýt xảy ra khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng về loại hình giao thông công cộng này. Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội, trong năm 2015, trên địa bàn xảy ra chín vụ tai nạn liên quan đến xe buýt làm bảy người chết, bốn người bị thương. Từ tháng 1 đến tháng 8-2016 xảy ra 10 vụ làm tám người chết (trung bình hơn 1 vụ/tháng), ba người bị thương. Qua số liệu trên, có thể thấy số vụ tai nạn và số người chết liên quan đến xe buýt đang gia tăng. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết, trong tám tháng đầu năm 2016, đã có 165 trường hợp xe buýt vi phạm bị xử lý. Trong đó, 85 trường hợp dừng đỗ sai quy định, 16 trường hợp không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy, 12 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh vạch sơn, biển báo, bốn trường hợp chạy quá tốc độ… Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn xe buýt là do ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế và một số lái xe buýt không chú ý quan sát, chạy quá tốc độ, vượt sai quy định, đi sai phần đường…

Theo lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội, ngoài công tác tuyên truyền, lập biên bản xử lý nghiêm các trường hợp lái xe buýt vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, lực lượng CSGT cũng tiến hành thống kê, lập danh sách các lái xe buýt vi phạm. Sau đó gửi công văn thông báo cho Tổng công ty Vận tải Hà Nội để có biện pháp giải quyết, xử lý kỷ luật đối với lái xe có hành vi vi phạm.

Muốn xe buýt trở thành phương tiện công cộng văn minh, hiện đại đúng nghĩa, trước hết các đơn vị kinh doanh vận tải xe buýt phải nghiêm túc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho lái xe và nhân viên phục vụ. Đồng thời, đưa ra biện pháp theo dõi trực tiếp, cụ thể như đặt ca-mê-ra hành trình, giám sát bên trong xe. Kỷ luật nghiêm khắc và kịp thời những lái xe có biểu hiện, hành vi sai quy định, trái đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần rà soát lại lộ trình, đưa ra giải pháp thay thế xe buýt có kích cỡ phù hợp đối với những tuyến đường nhỏ hẹp. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của ngành giao thông nên tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động xe buýt, nhanh chóng đưa hoạt động kinh doanh xe buýt đi vào trật tự, văn minh.