Ngăn chặn tình trạng mua, bán hóa đơn khống ở Ninh Bình

Công an tỉnh Ninh Bình qua trinh sát, điều tra hồi tháng 5-2014 đã phát hiện Công ty TNHH Ðức Kim (trụ sở tại phường Nam Bình, TP Ninh Bình) là công ty "ma", chuyên bán hóa đơn giá trị gia tăng cho một số doanh nghiệp, cá nhân với tổng giá trị ghi trên hóa đơn là 270 tỷ đồng. Nghi phạm là Phạm Tiến Dũng sau khi trốn truy nã được gia đình và cơ quan chức năng vận động đã ra đầu thú.

Phạm Tiến Dũng, nghi can trong vụ bán hóa đơn khống ở Công ty TNHH Đức Kim tại Cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Bình.
Phạm Tiến Dũng, nghi can trong vụ bán hóa đơn khống ở Công ty TNHH Đức Kim tại Cơ quan điều tra Công an tỉnh Ninh Bình.

Công ty TNHH Ðức Kim do Trần Quốc Ðịnh (sinh năm 1972, ở thị trấn Me, huyện Gia Viễn) làm Giám đốc. Song, Trần Quốc Ðịnh không điều hành công ty mà để Phạm Tiến Dũng (sinh năm 1957, ở xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, Nam Ðịnh) quản lý. Vì thế, Phạm Tiến Dũng làm giả chữ ký của Trần Quốc Ðịnh để bán hóa đơn giá trị gia tăng khống cho nhiều đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh Ninh Bình mà không liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Ðức Kim.

Ðể thực hiện hành vi, Phạm Tiến Dũng thuê hai kế toán nhằm mua bán trái phép hóa đơn "ma" cùng một số người khác làm "vệ tinh" khai báo thuế. Các đối tượng được Dũng chia chiết khấu với tỷ lệ từ 0,1 đến 1,5% giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn, gọi là "công môi giới". Những đơn vị, doanh nghiệp mua hóa đơn "ma" phải trả tiền từ 5,3% đến 8% giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn. Với thủ đoạn trên, từ năm 2012 đến tháng 5-2014, Công ty TNHH Ðức Kim tổ chức giao dịch với hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Ninh Bình để bán gần một nghìn hóa đơn có giá trị khống lên tới 270 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 12 tỷ đồng.

Hằng ngày, người dân ở phường Nam Bình không thấy Công ty TNHH Ðức Kim hoạt động sản xuất, kinh doanh, song thi thoảng vẫn có khách vào ra và sinh hoạt của những nhân viên cùng ông chủ Phạm Tiến Dũng khá phong lưu, đã gây hoài nghi trong nhân dân và cơ quan chức năng.

Vụ việc bán hóa đơn khống ở Công ty TNHH Ðức Kim cho thấy, doanh nghiệp này đã lợi dụng chính sách của Chính phủ trong việc cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp để thu lợi bất chính. Nghị định số 51/2010/NÐ-CP ngày 14-5-2010 và Nghị định số 04/2014/NÐ-CP ngày 17-1-2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Theo đó, doanh nghiệp sau khi được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh có mã số thuế thì được phép tự in, phát hành hóa đơn. "Ðây là chính sách nhằm cải cách các thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp không mất thời gian đến cơ quan thuế mua hóa đơn như trước đây", Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Ninh Bình Ðỗ Văn Hoan nói. Ðối với những doanh nghiệp làm ăn gian dối thì đó lại là kẽ hở và bị họ lợi dụng. Nếu hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành thì rất khó làm giả. Nếu làm giả thì cũng dễ bị phát hiện ngay bởi giấy in hóa đơn do Bộ Tài chính phát hành là loại đặc biệt (giống như giấy in tiền), đằng này doanh nghiệp tự in và phát hành hóa đơn, thì sẽ có rất nhiều loại hóa đơn khác nhau của những doanh nghiệp khác nhau, thậm chí có hóa đơn bán hàng bằng máy tính như ở siêu thị, có hóa đơn điện tử chuyển qua mạng, cho nên thật khó quản lý hoạt động của doanh nghiệp có thật sự sản xuất hay không?

Mặt khác, khi kiểm tra, cơ quan thuế dù có nghi ngờ hóa đơn giả mạo cũng không có quyền được điều tra mà phải nhờ cơ quan khác xác minh. Cho nên có bao nhiêu loại hàng hóa thì có bấy nhiêu loại hóa đơn, vì doanh nghiệp mua của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh. "Thực tế, việc mua hóa đơn ở cơ quan thuế như trước đây không hẳn mất nhiều thời gian và tiền bạc như họ nói", Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng ở phường Phúc Thành (TP Ninh Bình) cho biết. Khi doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh, có mã số thuế thì mỗi lần hết hóa đơn chỉ việc mang giấy giới thiệu và chứng minh thư ra cơ quan thuế là mua được hóa đơn. Nếu nhân viên cẩn thận thì họ gọi điện ra cơ quan thuế hỏi, bây giờ công nghệ thông tin phát triển mọi việc trở nên đơn giản, tiện ích hơn.

Từ thực trạng nêu trên, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Ninh Bình cần có giải pháp để chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm.

ÐỖ TẤN

Ngành thuế hiện đang tiến hành cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường thông thoáng, cụ thể ở các bước khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế và phát hành hóa đơn thuế đều gửi qua mạng. Tuy nhiên, sẽ nảy sinh thủ đoạn mới của những cơ sở làm ăn bất chính tiếp tay cho doanh nghiệp để mua, bán hóa đơn nhằm rút tiền của Nhà nước. Ðiều đó yêu cầu các cơ quan chức năng trong tỉnh Ninh Bình thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn.

ÐỖ VĂN HOAN Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Ninh Bình

Lãi suất hiện nay tuy có giảm nhưng vẫn còn cao, số doanh nghiệp được hưởng lãi thấp 8%, 9% còn ít, lãi 10% trở lên chiếm số đông. Vì thế, năm 2013 doanh nghiệp trong tỉnh ngừng sản xuất, kinh doanh và giải thể theo số báo cáo là 500 doanh nghiệp, chiếm 12,5% tổng số doanh nghiệp trong tỉnh, số thực sẽ nhiều hơn. Cần hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chính đáng và xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp mua, bán hóa đơn khống.

DƯƠNG BIÊN THÙY Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình