Tuy nhiên, hiện nay, tại những vị trí dự kiến tuyến đường đi qua, đã xuất hiện tình trạng người dân ồ ạt trồng những loại cây chưa bao giờ canh tác ở địa phương, quây lưới thép kiên cố để bảo vệ diện tích cây trồng, nhằm mục đích "đón" đền bù.
Ồ ạt trồng cây, quây lưới
Tại xã Nông Thượng và khu vực tổ 16, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, tình trạng trồng cây, quây lưới thép nhằm mục đích đón đền bù dự án đường cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn diễn ra "nóng" nhất. Theo thiết kế, dự án đường cao tốc đi qua xã Nông Thượng, điểm cuối kết nối với tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể ở phường Sông Cầu, diện tích đất cần thu hồi đền bù phục vụ dự án đoạn qua thành phố Bắc Kạn lên tới khoảng 60 ha.
Sau khi thông tin về dự án được công khai, tỉnh Bắc Kạn giao Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố thống kê, kiểm đếm thì tình trạng trồng cây, quây lưới "đón" đền bù bắt đầu xuất hiện ồ ạt. Trong đó, loài cây được trồng với số lượng lớn là mộc hương, một loại cây chưa từng được người dân tại đây canh tác bao giờ.
Từ đường Nông Quốc Chấn rẽ vào ngõ 351, khu vực tổ 16 phường Sông Cầu (thành phố Bắc Kạn) không khó để thấy nhiều vạt đồi vừa được trồng rất nhiều cây mộc hương. Loại cây này còn được trồng chi chít ở ven đường, hở chỗ đất nào là trồng luôn chỗ đó, cây cao trung bình khoảng 1m, đường kính thân khoảng 2 cm, trồng san sát với khoảng cách chưa đến 1m/cây.
Cây trồng nhiều, nhưng chỉ cần bới đất ở gốc cây là nhìn thấy ngay bầu nilon mầu đen còn nguyên, thậm chí có cây còn chưa tháo dây buộc. Thiếu nước tưới lại chưa tháo bầu, nhiều cây lá đã úa vàng và bắt đầu có hiện tượng rụng lá. Một số hộ trồng nhiều, dày đặc như hộ ông M.V.Q. có 558m2, trồng tới 570 cây mộc hương; hộ ông P.V.Ð. có 2.900m2, trồng tới 2.000 cây.
Ðáng chú ý, tại thôn Nà Choong, có những hộ trồng tới 2.700 cây mộc hương trên diện tích 300m2. Không chỉ trồng trên đồi, người dân trồng cả mộc hương ở ruộng hoặc bất cứ chỗ đất trống nào. Nhiều "mô hình" xen canh mới vì thế cũng xuất hiện, như: thanh long trồng xen ngô, mộc hương trồng xen ngô, mộc hương trồng xen quế, mộc hương trồng bờ tre, mộc hương trồng bờ rào,...
Từ trước đến nay, thông thường để rào chắn ruộng vườn, người dân sử dụng vật liệu rẻ tiền là tre, nứa, tuy nhiên, những ngày qua, người dân đã ồ ạt chuyển sang dùng lưới thép B40, nhiều hộ chi hàng chục triệu đồng mua lưới thép B40 khổ 1,5m rào bờ ruộng và cả trên đồi, thậm chí làm cả cọc thép kiên cố. Diện tích vườn đồi trước đây bỏ không, nay được trồng mộc hương và rào chắn cẩn thận, kiên cố, thậm chí nhiều hộ còn mua gạch hoa về lát nền nhà, đổ bê-tông chuồng trại,... Việc trồng ồ ạt các loại cây với mật độ dày đặc và quây lưới thép B40, đổ bê-tông chuồng trại là điều bất thường, chưa từng thấy ở những khu vực này, gây khó khăn, cản trở cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án.
Xử lý, ngăn chặn kịp thời
Theo Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Bắc Kạn, qua thống kê, kiểm đếm đất đai, tài sản, hoa màu tại xã Nông Thượng và Tổ 16, phường Sông Cầu, có khoảng 300 hộ gia đình, cá nhân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án. Hiện tại, nhiều hộ dân cố tình trồng cây, quây lưới thép "đón" đền bù nhằm trục lợi. Nhiều người dân chọn trồng cây mộc hương và quây lưới thép B40 do lưới thép B40 và loại cây này được quy định chi trả đền bù với mức cao.
Theo đơn giá bồi thường cây trồng ban hành kèm theo Quyết định số 419/QÐ-UBND ngày 16/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, cây mộc hương mới trồng, đường kính thân dưới 2 cm có giá 100 nghìn đồng; cây có đường kính từ 2-5 cm giá 500 nghìn đồng; từ 5 cm trở lên giá 1 triệu đồng, trong khi không có quy định cụ thể về mật độ trồng.
Trên thực tế, giá cây giống mộc hương bán trên địa bàn chỉ khoảng 3.000-5.000 đồng/cây ươm bầu nhỏ; cây có đường kính bằng hoặc lớn hơn 2 cm khoảng 40-70 nghìn đồng/cây. Trồng một cây mộc hương ươm bầu nhỏ, mất chi phí 4.000-6.000 đồng, nhưng được bồi thường 100 nghìn đồng. Trồng một cây có đường kính bằng hoặc lớn hơn 2cm, chi phí khoảng 70-80 nghìn đồng, được bồi thường 500 nghìn đồng,...
Ðại diện Ban bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố Bắc Kạn nhận định, đơn giá bồi thường nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình cá nhân ban hành kèm theo Quyết định số 11/QÐ-UBND ngày 5/1/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn có một số mục như lưới thép B40, cột bê-tông, cọc tre, cột thép góc, cột gỗ,... đều cao hơn giá thị trường rất nhiều. Lưới thép B40 không gỉ giá bán trên thị trường khoảng 32.000 đồng/m2, nếu thi công hoàn chỉnh một cuộn (22,5m2) hàng rào B40 cột tre hết khoảng 780 nghìn đồng vật liệu, với đơn giá bồi thường 275 nghìn đồng/m2, người dân sẽ được hưởng chênh lệch khoảng 240 nghìn đồng/m2.
Sau khi nhận đền bù, người dân lại được thu hồi vật liệu lưới thép, cây trồng để tái sử dụng. Có thể thấy, với đơn giá đền bù chênh lệch quá cao so với thực tế, hộ dân nào "chăm chỉ" trồng cây mộc hương trên đồi, dưới ruộng với mật độ dày đặc và "chịu khó" quây lưới thép, có thể sẽ "ăn ra" số tiền đền bù không nhỏ.
Trước tình trạng nêu trên, Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Kạn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và chính quyền xã, phường nhắc nhở, tuyên truyền người dân dừng hành vi trục lợi đền bù. Tuy nhiên, do hành vi này không đủ cơ sở để xử lý theo pháp luật, cho nên người dân vẫn cứ trồng cây và quây lưới thép.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Kạn Hoàng Hà Bắc cho biết, thành phố đã kiến nghị tỉnh xem xét điều chỉnh đơn giá bồi thường các hạng mục tài sản và cây trồng nêu trên phù hợp với giá trị thực tế, giá trị hình thành. Ðồng thời, bổ sung quy định về quy trình kỹ thuật trồng cây, mật độ trồng tối đa đối với cây mộc hương và các loại cây trồng khác nhằm ngăn chặn việc trồng cây vô tội vạ như đang diễn ra.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Ðinh Quang Tuyên, để thuận lợi triển khai, dự án cần sự đồng thuận của người dân, các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là đối với công tác giải phóng mặt bằng. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị phải kiểm kê đúng, đủ, bảo đảm quyền lợi cho nhân dân. Tuy nhiên, đối với những trường hợp gian dối, có hành vi tranh thủ "đón đền bù" trục lợi chính sách của Nhà nước, chính quyền dứt khoát không thỏa hiệp, không đền bù. Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu nghiên cứu bổ sung điều chỉnh đơn giá đền bù phù hợp đối với một số cây trồng, vật liệu hiện đang có giá chênh lệch lớn so với thực tế.
Dự án đường cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn được đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn của dự án được cân đối, tính toán hết sức cẩn trọng. Tuyến đường cao tốc này là mong mỏi của cả tỉnh Bắc Kạn từ vài chục năm qua, hứa hẹn tạo động lực cho tỉnh phát triển mạnh mẽ. Trong khi nguồn ngân sách còn eo hẹp, Nhà nước vẫn quan tâm đầu tư công trình hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn.
Việc một số hộ dân cố tình trồng cây, quây lưới nhằm trục lợi theo kiểu đón đền bù là hành vi phản cảm, có thể gây cản trở đến tiến độ của dự án. Nếu không xử lý sớm có thể phát sinh khiếu kiện, đòi hỏi đền bù đối với số cây đã trồng và số lưới thép đã quây, nhất là trong thời gian tới sẽ tiến hành thống kê, kiểm đếm tài sản trên đoạn tuyến qua huyện Chợ Mới. Việc điều chỉnh đơn giá bồi thường đi đôi với tuyên truyền, vận động người dân hiểu, không cố tình vi phạm, trục lợi chính sách là điều cần được tỉnh Bắc Kạn thực hiện quyết liệt, nhanh chóng để dự án kịp khởi công, hoàn thành đúng tiến độ đề ra.