Bắc Kạn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông

Từ nhiều nguồn lực khác nhau, thời gian qua, tỉnh miền núi Bắc Kạn đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Những con đường liên thôn, liên xã tới huyện và những tuyến đường mang tính động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội dần hình thành.
0:00 / 0:00
0:00
Ðường Thái Nguyên-Chợ Mới hoàn thành đã cơ bản tháo “nút thắt” giao thông kết nối về vùng xuôi cho Bắc Kạn. (Ảnh HƯƠNG LAN)
Ðường Thái Nguyên-Chợ Mới hoàn thành đã cơ bản tháo “nút thắt” giao thông kết nối về vùng xuôi cho Bắc Kạn. (Ảnh HƯƠNG LAN)

Dẫn chúng tôi đi trên con đường mới đổ bê-tông qua thôn, Bí thư Chi bộ thôn Nà Giảo, xã Thanh Thịnh (huyện Chợ Mới) Triệu Văn Dũng phấn khởi cho biết, con đường trước đây bằng đất, lại có độ dốc nên mùa hè thì bụi mà mùa mưa thì trơn trượt. Ðược Nhà nước đầu tư, nhân dân có đường mới đi lại, có điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn, trẻ em đi học cũng dễ dàng, thuận lợi.

Tại huyện Na Rì, nhiều năm qua, người dân ở các thôn Chợ, Nà Quản, Kẹn Cò, Nà Giàng (xã Ðổng Xá); thôn Bắc Sen (xã Xuân Dương) mong đợi có một con đường kiên cố đi qua. Mong mỏi ấy của người dân đã trở thành hiện thực khi từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng, tỉnh Bắc Kạn đầu tư mở mới con đường này.

Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 15 km, thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp đường kết nối từ trung tâm huyện Na Rì (Bắc Kạn) với các huyện Bình Gia, Tràng Ðịnh (Lạng Sơn). Có đường mới kiên cố, khoảng cách giữa các thôn còn nhiều khó khăn về phát triển kinh tế với trung tâm xã, huyện và các xã lân cận thuộc huyện Bình Gia (Lạng Sơn) được rút ngắn lại, đời sống của người dân đang dần được cải thiện và nâng lên.

Xác định điểm nghẽn lớn nhất cản trở sự phát triển của tỉnh, nhất là đối với thế mạnh du lịch chính là giao thông cho nên từ năm 2021 tới nay, từ nguồn vốn của Trung ương, Bắc Kạn đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường trọng yếu, mang tính động lực. Ðó là những tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang); hệ thống giao thông chung quanh hồ Ba Bể; đường cao tốc Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn… Tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị Trung ương sớm đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Kạn-Cao Bằng.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn Lèng Văn Chiến, đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể đã thi công đạt hơn 70% khối lượng, dự kiến đưa vào khai thác trong quý II/2024. Ðoạn nối từ hồ Ba Bể sang Na Hang (Tuyên Quang) sẽ khởi công trong quý II/2024. Dự án đường Quảng Khê-Khang Ninh (Ba Bể) đã đạt khối lượng hơn 42%. Dự án hạ tầng giao thông chung quanh hồ Ba Bể đã đạt khối lượng hơn 61%. Dự án đường cao tốc Chợ Mới-thành phố Bắc Kạn cũng được Bộ Giao thông vận tải dự kiến khởi công trong năm 2024. Các tuyến đường này khi hoàn thành sẽ tạo động lực rất lớn thúc đẩy phát triển du lịch, ngành kinh tế được Ðảng bộ tỉnh xác định sẽ là mũi nhọn vào năm 2025.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Bắc Kạn đã xác định hoàn thiện kết cấu hạ tầng là một trong bốn đột phá chiến lược. Với quyết tâm, nỗ lực cao độ, đến nay, so với cả nước và các tỉnh lân cận, mật độ mạng lưới đường chính của Bắc Kạn khá cao. Mật độ đường quốc lộ so với diện tích tự nhiên đạt 9,45 km/100 km2 cao hơn trung bình cả nước (7,34 km/km2), mật độ quốc lộ so với dân số đạt 1,45 km/1.000 dân cao hơn so với mật độ chung cả nước (0,25 km/1.000 dân).

Hệ thống đường quốc lộ, đường tỉnh đã hình thành các trục dọc, trục ngang, kết nối tỉnh Bắc Kạn với khu vực các tỉnh trong vùng. Các trục ngang quan trọng gồm tuyến Quốc lộ 279, Quốc lộ 3 là hai tuyến huyết mạch và là trục phát triển giao thông chính của tỉnh Bắc Kạn kết nối đi khu vực các tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang... Ngoài ra, còn có tuyến đường tỉnh quan trọng như tuyến đường tỉnh 252 kết nối từ huyện Ngân Sơn đi huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng là những tuyến đường trục ngang quan trọng thúc đẩy phát triển liên kết vùng và đẩy mạnh kinh tế-xã hội theo các trục ngang trên địa bàn tỉnh.

Bất cập trong hệ thống giao thông của Bắc Kạn hiện nay là tình trạng mật độ đường tuy cao nhưng chất lượng không đồng đều, nhiều tuyến chất lượng thấp. Các tuyến đường trục ngang, trục dọc khả năng kết nối chưa cao do quy mô cấp đường còn thấp, vận tốc nhỏ, chất lượng mặt đường không cao và các tuyến đường còn mang tính độc đạo, thiếu an toàn giao thông, giảm khả năng kết nối giao thông vận tải của tỉnh, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư.

Theo Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên-Bắc Kạn đạt quy mô bốn làn xe; đầu tư xây dựng tuyến đường tốc độ cao Bắc Kạn-Cao Bằng. Ðến năm 2030, hoàn thiện xây dựng tuyến cao tốc đoạn từ thành phố Bắc Kạn đến thành phố Cao Bằng quy mô bốn làn xe theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung hoàn thành nâng cấp các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp III-I miền núi. Ðầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh cơ bản đạt quy mô cấp IV-V miền núi. Nâng cấp, mở rộng, bê-tông hoặc nhựa hóa 100% hệ thống các tuyến đường xã, đường liên thôn xóm và bảo đảm cho các phương tiện có thể đi lại được trong bốn mùa. Cùng với đó tỉnh cũng sẽ quy hoạch một số tuyến đường mới, như: đường Bắc Kạn-Cao Bằng; đường trục đông tây kết nối Tuyên Quang-Bắc Kạn-Lạng Sơn.

Trong thời gian tới, những dự án mở mới là đường vành đai phía đông thành phố Bắc Kạn; Thanh Vận-Cao Kỳ và Cao Kỳ-Yên Cư (Chợ Mới); tuyến kết nối đường tỉnh 258B tại xã Công Bằng, huyện Pác Nặm sang xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng); tuyến Khang Ninh-Cao Thượng-Cổ Linh… Ðồng thời tỉnh Bắc Kạn sẽ nghiên cứu phương án, chính sách, giải pháp tạo vốn đối với giao thông đô thị, như: đổi đất lấy cơ sở hạ tầng giao thông và khai thác quỹ đất ven, dọc theo các trục đường để tạo vốn xây dựng đường giao thông.