Theo thống kê, trên phạm vi cả nước có 280 trung tâm đăng kiểm, trong đó có 13 trung tâm thuộc Cục Ðăng kiểm Việt Nam, 63 trung tâm của Sở Giao thông vận tải và hơn 200 trung tâm thuộc doanh nghiệp.
Phải khẳng định, xã hội hóa đăng kiểm là chủ trương đúng đắn, giúp lĩnh vực này phát triển đột phá. Hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã góp phần quan trọng bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện và trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, việc có quá nhiều trung tâm đăng kiểm trên cùng địa bàn mà không tính toán đến tổng lượng phương tiện đã khiến nhiều đơn vị cạnh tranh nhau không lành mạnh. Hàng loạt trung tâm đăng kiểm, nhất là các trung tâm xã hội hóa bị sai phạm, nhiều đăng kiểm viên có hành vi tiêu cực, vướng vào vòng lao lý chỉ vì lợi ích kinh tế bất chính.
Ðầu tháng 12 vừa qua, cơ quan điều tra đã khởi tố gần 20 bị can tại hai Trung tâm Ðăng kiểm xe cơ giới 6203D (Long An) và 5015D (Thủ Ðức, Thành phố Hồ Chí Minh). Thực tế, đây không phải là sự việc hy hữu trong lĩnh vực đăng kiểm, nhiều trung tâm đã bị cơ quan chức năng dừng hoạt động dây chuyền đăng kiểm do vi phạm trong quá trình kiểm định.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những lỗi vi phạm trong kiểm định xe cơ giới liên tục lặp lại với tần suất khá cao cho thấy việc kiểm tra, giám sát của Cục Ðăng kiểm Việt Nam - cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã không được thực hiện quyết liệt và rốt ráo, nhất là tại một số trung tâm đăng kiểm tư nhân hoặc các trung tâm được cổ phần hóa. Ðể kịp thời chấn chỉnh các bất cập, thiếu sót và nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Cục Ðăng kiểm Việt Nam phải sớm rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định để khắc phục sơ hở, bất cập nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm định phương tiện; nhận diện từng khâu, từng vị trí công tác tiềm ẩn, dễ phát sinh tiêu cực để xây dựng, thực hiện biện pháp cụ thể phòng ngừa, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định.
Bộ cũng yêu cầu Cục Ðăng kiểm Việt Nam tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động kiểm định phương tiện đường bộ; tập trung kiểm tra hoạt động kiểm định các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định thông qua hệ thống giám sát trực tuyến. Bên cạnh đó, Cục Ðăng kiểm Việt Nam cần giám sát chặt chẽ việc tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên; nghiên cứu xây dựng, thực hiện các giải pháp hiệu quả để kiểm tra hoạt động kiểm định nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Cơ quan quản lý cần nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi Nghị định 139 theo hướng quy định khoảng cách nhất định giữa hai trung tâm đăng kiểm, tránh trường hợp chỗ quá nhiều, chỗ quá ít khiến người dân gặp khó khăn trong kiểm định xe và hạn chế tiêu cực, cạnh tranh không lành mạnh.
Ngoài ra, cần tính tới phương án bỏ quy hoạch tổng thể và giao trách nhiệm cho từng địa phương căn cứ tình hình phát triển kinh tế-xã hội và sự gia tăng số lượng phương tiện trên địa bàn để có quy hoạch mạng lưới đăng kiểm theo từng giai đoạn cho phù hợp.