Tính đến đầu tháng 12/2022, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 36.134 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản, xử phạt hành chính 2.224 cơ sở với số tiền phạt 21,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng thực phẩm bẩn ở nhiều tỉnh, thành phố còn diễn biến phức tạp. Ngày 25/12/2022, tại địa phận xã Triệu Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), lực lượng cảnh sát giao thông đã yêu cầu kiểm tra xe ô-tô tải BKS 89C-15165 (do lái xe Vũ Trọng Hiếu, trú xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) điều khiển, phát hiện xe chở 1,4 tấn da lợn đông lạnh, có dấu hiệu ôi thiu, biến đổi mầu sắc, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Trước đó, ngày 14/12/2022, Đội Quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cùng Đội 5, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra phương tiện vận tải ở phố Xuân La (quận Tây Hồ), phát hiện và tạm giữ gần hai tấn nầm lợn và tràng trứng gà không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm vệ sinh thú y. Ngày 12/12/2022, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái) phối hợp Đội Phòng ngừa đấu tranh án buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Yên Bái kiểm tra ô-tô BKS 29H-817.30 do Nguyễn Ngọc Dũng (địa chỉ: xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) điều khiển, phát hiện trên xe có 7.560kg tràng trứng gà non đông lạnh không nhãn mác, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp… Cơ quan chức năng đã xử lý các vụ vi phạm theo quy định pháp luật.
Đó chỉ là một số vụ việc điển hình bị phát hiện nhưng trên thực tế, có thể thấy, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất hiện tại nhiều chợ, quán ăn vỉa hè. Chị Nguyễn Kim Phượng (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu thực phẩm bẩn được tiêu thụ trót lọt, đến tay người tiêu dùng. Tôi nghĩ những vụ vi phạm bị phát hiện chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm", bởi còn nhiều thực phẩm (thịt, rau củ quả, thủy hải sản…) không rõ nguồn gốc đang trôi nổi ở hàng nghìn chợ lớn, nhỏ trong cả nước, xuất hiện trên mâm cơm nhiều gia đình, bếp ăn tập thể". Vì muốn làm giàu bất chính một số đối tượng xấu đã cố ý "phù phép" thực phẩm bẩn bán cho người tiêu dùng bằng các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi trong khi việc phát hiện, xử lý còn nhiều hạn chế.
Thực trạng nêu trên chứng tỏ việc giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm còn nhiều bất cập. Công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm ở một số địa phương có dấu hiệu bị buông lỏng; các chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Hoạt động kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản ATTP gặp nhiều khó khăn do người tiêu dùng thiếu niềm tin, kênh phân phối còn ít, yếu, thiếu sức cạnh tranh. Số nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản ATTP còn hạn chế, cơ sở hạ tầng từ sản xuất đến sơ chế còn thiếu...
Chi Cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay ở nhiều tỉnh, thành phố, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ còn khá cao, nhiều địa phương chưa có các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Để xử lý triệt để tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm ATTP; khuyến khích phát triển nông sản an toàn theo hướng hữu cơ, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để nông hộ, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, nhân rộng các mô hình cung ứng nông sản sạch. Hiện cả nước có 1.702 chuỗi giá trị cung ứng nông sản thực phẩm an toàn phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (tăng 58 chuỗi so năm 2021). Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường năng lực quản lý chất lượng ATTP, chú trọng khâu chế biến và phát triển thị trường để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc chất lượng nông sản, thực phẩm; xây dựng hiệu quả hệ thống thông tin ATTP tại các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, chợ, siêu thị, hộ sản xuất; tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý có trọng tâm các đối tượng kinh doanh, tập kết, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ như thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm; tiếp tục triển khai các chương trình giám sát vệ sinh ATTP nông, lâm, thủy sản theo phương thức trực tuyến, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm khi có vi phạm xảy ra. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người tiêu dùng chọn sản phẩm có chứng nhận ATTP, không ham rẻ ■