Ngăn chặn thông tin độc, hại trên mạng xã hội

Do tồn tại nhiều khoảng trống trong việc quản lý, mạng xã hội đang trở thành mảnh đất màu mỡ để các đối tượng xấu gieo rắc tin giả, chủ nghĩa cực đoan, kích động thù hận. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc kêu gọi các nước mạnh tay dọn “rác”, xây dựng môi trường lành mạnh trên mạng xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một tài khoản Twitter được đánh dấu tích xanh và có hơn 11.000 người theo dõi vừa bị buộc tội tung tin giả về trận động đất mới đây tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo truyền thông Arab, tài khoản nêu trên đã đăng đoạn video về vụ nổ kho hóa chất tại thủ đô Beirut ở Liban vào tháng 8/2020, nhưng lại cho biết đó là một nhà máy hạt nhân phát nổ do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn 700 tài khoản Twitter đã chia sẻ video này, nhanh chóng truyền đi tin giả về trận động đất.

Trường hợp nêu trên chỉ là một trong rất nhiều tin giả tràn lan trên các trang mạng xã hội sau trận động đất nghiêm trọng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cảnh sát nước này đã bắt giữ gần 100 đối tượng bị cáo buộc đăng tải thông tin kích động, gây sợ hãi và hoảng loạn. Ông Fahrettin Altun, Giám đốc Truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, tình trạng nhiễu loạn thông tin nghiêm trọng diễn ra sau vụ thảm kịch. Trong một tuần sau trận động đất, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được báo cáo về 6.200 tin tức sai sự thật.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, một phần của internet đang biến thành “bãi rác thải độc hại”, nơi những phát ngôn thù hận và thông tin sai sự thật được phát tán, tiếp tay cho những đối tượng truyền bá chủ nghĩa cực đoan và tư tưởng lệch lạc.

Tin giả và những phát ngôn thù hận trên mạng xã hội không phải là câu chuyện mới, song việc tìm ra giải pháp toàn diện cho vấn đề nhức nhối này vẫn là bài toán gai góc chưa tìm được lời giải. Ông Guterres nhấn mạnh, thế giới đang tồn tại một khoảng trống pháp lý, trong đó các nền tảng truyền thông xã hội có thể đăng tải bất kỳ nội dung nào mà không cần kiểm chứng.

Trước thực trạng nêu trên, thời gian qua, nhiều nước đã đề ra các biện pháp ngăn chặn tin giả, tin cổ súy chủ nghĩa cực đoan trên không gian mạng. Tháng trước, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua luật cho phép bắt giữ người có hành vi lan truyền thông tin sai sự thật, với mức tù giam lên đến ba năm.

Trước đó, Quốc hội Singapore thông qua Ðạo luật tăng cường an toàn trực tuyến, trong đó cơ quan chức năng có quyền yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xóa bỏ những nội dung xấu độc, đồng thời áp dụng quy tắc bảo vệ người dùng. Liên minh châu Âu (EU) cũng ban hành Ðạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) quy định các nền tảng gỡ bỏ các nội dung bất hợp pháp, độc hại, nếu không sẽ phải đối mặt các khoản tiền phạt lớn, thậm chí bị cấm hoạt động hoàn toàn.

Tuy nhiên, theo giới quan sát quốc tế, các biện pháp ngăn chặn thông tin độc hại trên mạng xã hội mới dừng lại ở yêu cầu các công ty công nghệ gỡ hoặc đính chính nội dung sai lệch, không phù hợp. Thực tế, mạng xã hội hiện nay có thể được ví như một dòng sông bị ô nhiễm. Chỉ tập trung vào kiểm duyệt nội dung cũng giống như lấy một cốc nước bẩn từ dòng sông đó, làm sạch, sau đó đổ trở lại. Việc làm này chỉ như “muối bỏ bể”, không thể khiến dòng sông trong xanh trở lại.

Thế giới cần tìm ra và đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm, sau đó mới hồi sinh dòng sông. Tương tự, những thông tin gây ô nhiễm không gian mạng cần được ngăn chặn từ đầu nguồn, trước khi chúng bị phát tán.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng, cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của các tập đoàn công nghệ đối với nội dung được đăng tải trên những nền tảng. Tại hội nghị toàn cầu về an toàn thông tin trên mạng xã hội vừa qua tại Pháp, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã thảo luận dự thảo hướng dẫn điều chỉnh các nền tảng kỹ thuật số, nhằm chống thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch trên mạng. Văn kiện này được kỳ vọng sẽ thiết lập cơ sở quan trọng để thế giới cùng chung tay làm sạch mạng xã hội.