Thuật toán của các mạng xã hội

Trong thời gian gần đây, hàng loạt bang tại Mỹ đã áp đặt lệnh hạn chế truy cập một phần hoặc hoàn toàn ứng dụng chia sẻ video dạng ngắn TikTok trên những thiết bị thuộc sự quản lý của các cơ quan chính phủ. Giới chức “xứ cờ hoa” cũng đang xem xét siết chặt quy định nội dung trên mạng xã hội này.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội là vấn đề cấp thiết với chính quyền nhiều quốc gia. Ảnh: FORBES
Kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội là vấn đề cấp thiết với chính quyền nhiều quốc gia. Ảnh: FORBES

Tranh cãi về kiểm soát mạng xã hội

Theo AP, tới nay đã có khoảng 20 trong số 50 bang tại Mỹ áp đặt lệnh cấm một phần hoặc hoàn toàn với TikTok do lo ngại rằng, dữ liệu người dùng có thể bị thu thập. Gần đây, Ủy ban Hành chính thuộc Hạ viện Mỹ cũng thông báo cấm cài đặt ứng dụng trên tất cả các thiết bị do Hạ viện Mỹ quản lý. Trong thông báo gửi tới các hạ nghị sĩ và nhân viên ngày 27/12/2022, đại diện Hạ viện Mỹ nêu rõ, ứng dụng TikTok “có mức độ rủi ro cao do một số vấn đề bảo mật” và phải được xóa khỏi mọi thiết bị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan lập pháp này.

Một số thành viên của Quốc hội Mỹ đã đề xuất dự luật cấm ứng dụng TikTok trên mọi thiết bị của nhân viên chính phủ ở phạm vi toàn quốc, hoặc nặng hơn là cấm hoàn toàn. Động thái này diễn ra trong bối cảnh có cáo buộc về việc các nhân viên của TikTok đã thu thập dữ liệu cá nhân của các nhà báo. Theo đại diện của công ty Jamf Holding Corp chuyên cung cấp phần mềm bảo mật trên các thiết bị của hãng Apple, các cơ quan chính phủ là khách hàng của công ty này đã tăng cường chặn quyền truy cập TikTok kể từ giữa năm nay. Số liệu của Jamf Holding Corp cho thấy, trong tháng 12, khoảng 65% số lượt kết nối với TikTok từ các thiết bị thuộc khu vực công do công ty này quản lý, đã bị chặn lại trên toàn thế giới, tăng so mức 10% ghi nhận hồi tháng 6/2022.

Mạng xã hội TikTok thuộc công ty Byte Dance có trụ sở tại Trung Quốc. Tại đất nước tỷ dân, mạng xã hội này có tên Douyin, rất phổ biến với hàng chục triệu người dùng. Liên quan những diễn biến này, ngày 19/12, đại diện công ty Byte Dance đã bày tỏ thất vọng về “những chính sách được ban hành dựa trên lập luận vô căn cứ về TikTok, trong khi những điều này sẽ không giúp ích gì cho việc tăng cường an ninh quốc gia của Mỹ”. Cũng theo AP, trong nhiều tháng qua, giới chức Mỹ và TikTok đang đàm phán về một hiệp ước an ninh quốc gia, trong đó đề cập những lo ngại bảo mật chung quanh việc lạm dụng dữ liệu của hơn 100 triệu người dùng TikTok tại Mỹ.

Trước đó, nhiều ý kiến đã chỉ ra những khác biệt trong việc “điều phối” nội dung trên ứng dụng TikTok cài đặt ở nước ngoài với phiên bản Douyin gốc. Trong khi Douyin cho phép các thuật toán khai thác mạnh mảng nội dung về giáo dục, khởi nghiệp, khoa học và tư duy tích cực, phát triển kinh tế…, thì với TikTok phiên bản quốc tế, thuật toán thường đề xuất những nội dung giải trí đơn thuần, thậm chí có không ít nội dung vi phạm các quy định văn hóa ở nhiều nước. Các chuyên gia lo ngại rằng, kết quả của quá trình này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới người dùng, đặc biệt là đối tượng như học sinh, người trẻ tuổi. Tính đến năm 2021, TikTok có gần 90 triệu người dùng ở Mỹ và đặc biệt phổ biến với hai phần ba người sử dụng dịch vụ là thanh, thiếu niên.

Bên cạnh những lo lắng chung quanh dịch vụ đăng video clip ngắn này, lâu nay giới chức Mỹ cũng đang tranh cãi về việc kiểm soát các trang mạng xã hội. Năm 2018, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) kiêm nhà sáng lập mạng xã hội Facebook, ông Mark Zuckerberg đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về hoạt động và thuật toán thu hút người dùng các mạng Facebook và Instagram thuộc công ty này quản lý. Nhiều quan ngại nổi lên khi các mạng xã hội được lập ra với mục đích kết nối, nay lại ảnh hưởng tiêu cực tâm sinh lý con người. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lạm dụng mạng xã hội gây ra chứng trầm cảm, mặc cảm về ngoại hình, hạn chế giao tiếp xã hội, tự làm hại bản thân hay thậm chí dẫn đến tự sát. Điều này càng đáng lo hơn khi hàng triệu người dùng là trẻ em, đây cũng là đối tượng dễ bị nội dung rác trên mạng ảnh hưởng.

Sự cấp thiết của quy định quản lý

Trong vòng hai thập niên qua, các công ty công nghệ đã tăng trưởng vượt bậc và đầu tư không ngừng cho trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning), khiến các công cụ này phục vụ đắc lực cho sự phát triển của họ. Tuy nhiên, các tiến bộ của khoa học cũng là con dao hai lưỡi. Việc sử dụng AI và các thuật toán dẫn dắt xu hướng người quan tâm hiện nay không được kiểm duyệt một cách có trách nhiệm hoặc quản lý đầy đủ. Theo cựu chuyên viên lập trình của Tập đoàn công nghệ Google, ông Tristan Harris, các “gã khổng lồ” công nghệ đã thu thập lượng dữ liệu lớn đến mức đáng kinh ngạc, tạo lập mô phỏng cá nhân hóa đến từng đối tượng nhằm giữ chân người dùng xem và tương tác trên mạng xã hội càng lâu càng tốt.

Dù được cho là cung cấp miễn phí các ứng dụng Google hay Facebook, nhưng thực tế các công ty này gián tiếp đưa dữ liệu người dùng cho các nhà quảng cáo. Đó được xem như những “dấu chân” trên internet mà từ đó, máy học và AI tiên đoán hành vi tiếp theo của người dùng ngày một chính xác hơn, giúp thiết kế giao diện trở nên thân thiện, đưa ra những đề xuất hấp dẫn, quảng cáo đạt hiệu quả và tỷ lệ khách hàng bỏ tiền ra mua hàng cao hơn. Do vừa thu được dữ liệu người dùng vừa được hưởng lợi từ các công ty quảng cáo, nên các nhà công nghệ càng chú trọng đầu tư để thu thập từ lịch sử truy cập internet, duyệt web, tìm kiếm, mua sắm…

Theo tác giả người Anh Chris Stokel-Walker, nhà báo của tờ The Wired, mạng xã hội ngày càng cải tiến các thuật toán hữu hiệu hơn để thu hút sự chú ý, thậm chí gây nghiện cho người dùng. Sau thành công của TikTok, các mạng Facebook, Instagram cũng đã đổi chiến thuật tương tự, cho phép người dùng xem được những video họ thích ngay khi mở ứng dụng kể cả từ những tài khoản không theo dõi. “Luồng các clip ngắn này cuốn hút người dùng khó có thể đặt điện thoại xuống vì nó được chọn lọc để hiển thị toàn những thứ bạn thích”, Chris Stokel-Walker lý giải.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, thuật toán của bất cứ mạng xã hội nào đều ưu tiên đề xuất nội dung mà người dùng yêu thích hoặc quan tâm. Vì vậy, nếu người dùng có những thói quen sử dụng mạng xã hội lành mạnh, yêu thích nội dung mang tính giáo dục, học tập thì thuật toán sẽ hướng đến gợi ý nội dung đó. Song, mạng xã hội sẽ trở nên tiêu cực khi có những người dùng chỉ quan tâm nội dung nhảm và không mang tính giáo dục.

Hiện, nhiều người đang trở nên lúng túng trước sự phát triển quá nhanh của mạng xã hội, trong khi các nhà quản lý kịp đối phó hàng loạt vấn đề mới phát sinh. Điều này đặt ra vấn đề cần tăng cường vai trò điều phối và kiểm soát thông tin trên mạng xã hội. Tại một số quốc gia, những nội dung tiêu cực bị kiểm duyệt và cắt giảm trong khi nội dung học thuật hay cầu tiến được đẩy lên. Người dùng sau một thời gian cũng chọn lọc kiến thức và thu được nhiều thông tin có ích từ mạng xã hội hơn là chỉ giải trí.