Ngăn chặn tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài

Theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 2017 đến nay xảy ra 340 vụ, 579 tàu của ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài bị các nước bắt giữ, xử lý. Bộ đội Biên phòng đã và đang phối hợp các lực lượng tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền, vận động, ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng này.

Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt tuyên truyền ngư dân không khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt tuyên truyền ngư dân không khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Đa số các chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm đều vì khai thác hải sản trên vùng biển Việt Nam hiệu quả không cao; có trường hợp do áp lực trả nợ ngân hàng khi đầu tư phương tiện hành nghề trên biển cho nên cố tình đưa tàu cá sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Báo cáo từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho thấy: Tính từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng chấp pháp nước ngoài kiểm soát 26 vụ, 40 tàu của ngư dân Việt Nam, tập trung chủ yếu ở khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khu vực vùng biển vịnh Bắc Bộ và vùng nước lịch sử Việt Nam-Campuchia, thu giữ một số ngư cụ, phạt tổng cộng 766 triệu đồng, ước tính thiệt hại khoảng 1,85 tỷ đồng.

Riêng trong tháng cao điểm, lực lượng chấp pháp nước ngoài kiểm soát bốn vụ, sáu tàu ở khu vực vùng biển quần đảo Trường Sa và vùng nước lịch sử Việt Nam- Campuchia, tài sản bị tịch thu gồm bốn máy bộ đàm, bốn máy định vị, hai máy dò cá và một số ngư cụ; phạt 16 triệu đồng, ước tính thiệt hại khoảng 400 triệu đồng.

Đại tá Trần Hải Bình, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng lý giải: Xảy ra tình trạng trên là do nguồn lợi thủy sản vùng biển Việt Nam suy giảm, một số nghề mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản vẫn chưa được ngăn chặn triệt để như nghề lưới kéo, sử dụng thuốc nổ, xung điện...

Một số chế tài xử lý còn bất cập, chưa thống nhất; trong đó thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tàu cá ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản lại thuộc thẩm quyền của địa phương, không thuộc thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng.

Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vì lợi ích kinh tế, một số ngư dân cố tình dùng nhiều thủ đoạn trốn tránh lực lượng chức năng, sử dụng biển kiểm soát giả, sử dụng kích điện, thuốc nổ khai thác hải sản trái phép, bất chấp khuyến cáo của chính quyền và các cơ quan chức năng...

Trao đổi về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản) Nguyễn Phú Quốc cho rằng, với thực trạng vừa qua, cần giải quyết các vi phạm “từ gốc”, nâng cao nhận thức của người trực tiếp khai thác, có giải pháp gia tăng lợi ích kinh tế cho người chấp hành quy định so với những người khai thác không tuân thủ quy định.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 4084/KH-BTL ngày 06/10/2021 về đợt cao điểm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Thông qua đợt cao điểm, lực lượng bộ đội biên phòng tuyến biển nâng cao tuyên truyền về nội dung chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cho ngư dân.

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho ngư dân khi hành nghề trên biển; cùng với các cấp, ngành, địa phương chung tay tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Triển khai Kế hoạch 4084, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị tuyến biển tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp các lực lượng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; phối hợp chính quyền địa phương và các lực lượng vận động chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát tại các trạm kiểm soát và tuần tra trên biển, các đơn vị đã tuyên truyền cho gần 16.500 lượt tàu cá, gần 99.000 lượt thuyền viên, yêu cầu 100% thuyền trưởng tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên ký cam kết không khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài...

Theo số liệu báo cáo, trong đợt cao điểm, các đơn vị tổ chức hơn 3.300 lượt tổ tuần tra kiểm soát với sự tham gia của hơn 10.300 cán bộ, chiến sĩ, tuần tra trên biển, sông, vịnh, bãi ngang; làm thủ tục xuất, nhập bến, kiểm tra, kiểm soát cho khoảng 75.600 lượt tàu cá. Phát hiện, xử lý và tham mưu địa phương xử lý vi phạm hành chính 185 vụ, 217 phương tiện, gần 5,3 tỷ đồng.

Chủ trì phát hiện, xử lý 182 vụ, 213 phương tiện không bảo đảm thủ tục giấy tờ, không duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình, sử dụng kích điện khai thác hải sản trái phép... Đại tá Hồ Quyết Thắng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết, các đơn vị đã tăng cường lực lượng trinh sát ở các đồn trạm biên phòng tuyến biển, chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể bà con ngư dân.

Tại hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm đợt cao điểm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đề nghị thời gian tới, lực lượng biên phòng tuyến biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân, nhất là các chủ tàu, thuyền trưởng thay đổi, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành.

Các đơn vị bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố, các hải đoàn biên phòng tích cực tham mưu địa phương xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, công bố trên phương tiện truyền thông địa phương, tăng cường khả năng răn đe; xử lý nghiêm đối với các phương tiện khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác hoạt động.

THANH HÀ