Tai nạn giao thông tăng
Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ Km444+400 (Tân Cảnh, Kon Tum) đến Km 994+188 (thị trấn Chơn Thành, Bình Phước) có chiều dài 553 km, được đầu tư nâng cấp hoàn thành với tổng kinh phí gần 20.000 tỷ đồng. Giữa tháng 7 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải phối hợp UBND các tỉnh có tuyến đường đi qua tổ chức nghiệm thu, khánh thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui của đồng bào các dân tộc trong vùng, đồng thời mở ra hướng phát triển mới cho khu vực. Tuy nhiên, cùng với niềm vui về việc hàng hóa, nông sản được lưu thông thông suốt, việc đi lại của nhân dân thuận lợi hơn, thì thời gian gần đây, trên tuyến đường huyết mạch này liên tục xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Mới đây nhất, ngày 20-8, chỉ trong một ngày, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đác Lắc và Đác Nông liên tiếp xảy ra hai vụ TNGT, làm bốn người chết và một người bị thương nặng. Cụ thể, khoảng 5 giờ 30 phút sáng 20-8, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn 11, xã Đác Lao, huyện Đác Mil, tỉnh Đác Nông, thượng úy Võ Duy Sơn (công tác tại Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện Đác R’lấp) điều khiển xe ô-tô con BKS 48A-037.08, lưu thông từ thị xã Gia Nghĩa lên TP Buôn Ma Thuột (Đác Lắc), trên xe có thêm thượng úy Đinh Văn Phong (cùng đơn vị), đã đâm vào xe tải BKS 48C-028.09 do tài xế Lê Văn Hà 33 tuổi, trú thị xã Gia Nghĩa điều khiển, lưu thông theo hướng ngược lại. Hậu quả, thượng úy Phong và thượng úy Sơn chết tại chỗ. Tiếp đó, vào lúc 11 giờ 50 phút ngày 20-8, tại Km1702 đường Hồ Chí Minh đoạn qua tổ dân phố 5, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đác Lắc, xe tải BKS 51C-473.11 do Nguyễn Văn Những, SN 1990, trú thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đác Lắc điều khiển, lưu thông theo hướng từ Đác Lắc đi Gia Lai, khi xe đang đổ dốc thì mất thắng và lao thẳng sang lề đường bên trái, tông gãy cột mốc. Hậu quả, anh Nguyễn Văn Những chết tại chỗ, phụ xe Nguyễn Văn Dương, SN 1996, trú thôn 2, xã Ea Ngai, huyện Krông Búc (Đác Lắc) bị thương nặng và chết sau đó. Trước đó, lúc 4 giờ 15 phút ngày 21-4, tại Km 639+900 đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo cũng xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm sáu người chết và một người bị thương.
Đây chỉ là ba trong hàng chục vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên. Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trong sáu tháng đầu năm 2015, trên địa bàn các tỉnh Đác Lắc, Đác Nông, Gia Lai, Kon Tum và Bình Phước xảy ra 493 vụ TNGT, làm chết 463 người, bị thương 377 người; trong đó, riêng trong quý I-2015 xảy ra 52 vụ, làm 49 người chết và 88 người bị thương. Còn theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Đác Lắc, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh dài khoảng 130 km, nhưng từ khi thông xe vào cuối tháng 6 đến ngày 27-8-2015 đã xảy ra 12 vụ TNGT, làm chết 11 người, bị thương sáu người, tăng ba vụ và tăng tám người chết so với cùng thời điểm năm trước. Còn so với thời điểm trước khi thông xe thì tăng bốn vụ, năm người chết và hai người bị thương. Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Đác Lắc Bùi Văn Ngọc cho biết: Qua theo dõi, phân tích nguyên nhân dẫn đến TNGT gia tăng, do đây là tuyến đường huyết mạch của Tây Nguyên, có nhiều dốc cao và quanh co, theo kế hoạch ban đầu, phần lớn tuyến đường sẽ được nâng cấp mặt đường rộng hơn 20 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh tế, trừ một số đoạn đi qua nội thị, mặt đường cải tạo chỉ còn rộng 11 m. Với mặt đường khá hẹp, đường Hồ Chí Minh gần như quá tải trước lưu lượng xe cộ lưu thông rất lớn. Bên cạnh đó, đường mới nâng cấp xong, mặt đường đẹp, nên các lái xe chủ quan, phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ được tốc độ. Nguyên nhân nữa là đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phần lớn đi qua trung tâm các thành phố, huyện, xã, hai bên đường có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học và người dân sinh sống đông, đồng thời, hằng ngày trên tuyến đường có số lượng lớn xe công nông của người dân tham gia lưu thông, các xe này không bảo đảm an toàn kỹ thuật, rất dễ gây TNGT. Thêm vào đó, thời gian qua trên tuyến đường này liên tục xảy ra tình trạng ném đá vào xe khách, đây là hành vi rất nguy hiểm, gây mất ATGT…
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Nhằm ngăn chặn TNGT gia tăng, mới đây, tại TP Buôn Ma Thuột, Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp Ban ATGT các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch tăng cường bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn Tây Nguyên. Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng, vấn đề bảo đảm trật tự ATGT trên toàn tuyến đặt ra hết sức cấp bách, các tỉnh Tây Nguyên phải tích cực vào cuộc, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như nhận thức, ý thức của người dân trong việc chấp hành quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng, để giảm TNGT trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân thì lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT, nhất là tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ, vi phạm tải trọng, sử dụng phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật…
Thực hiện kế hoạch tăng cường bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn Tây Nguyên, thời gian qua Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp các tỉnh Tây Nguyên triển khai nhiều biện pháp, như: Nâng cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành lang ATGT đường bộ; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT; ngăn chặn tình trạng ném đá xe khách và hành hung lái xe; tăng cường quản lý lưu thông các phương tiện xe máy sản xuất nông nghiệp, phương tiện giao thông tự chế, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A1, A4; tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT cho nhân dân trên địa bàn và chú trọng kiểm soát tải trọng phương tiện… Bên cạnh đó, do đây là tuyến đường mới nâng cấp, đề nghị cơ quan quản lý đường bộ theo dõi đánh giá hệ thống biển báo, vạch sơn vẽ tim đường, dải phân cách, cọc tiêu… nếu những đoạn nào không phù hợp thì sửa chữa, thay đổi, bổ sung, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất TNGT xảy ra.