Bình luận quốc tế

Ngăn chặn những "kẻ giết người thầm lặng"

Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí là những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe con người. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cảnh báo, cuộc sống của hàng trăm triệu người sẽ bị ảnh hưởng, nếu cộng đồng quốc tế không ngay lập tức hành động để ngăn chặn.
0:00 / 0:00
0:00
Giao thông vận tải là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, đặc biệt là CO2. (Ảnh: Reuters)
Giao thông vận tải là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, đặc biệt là CO2. (Ảnh: Reuters)

Những nỗ lực toàn cầu nhằm kiềm chế sự bùng phát của các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang đối mặt nhiều thách thức do biến đổi khí hậu. Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét khẳng định, năm 2022 là một năm "tàn khốc", nhất là đối với những cộng đồng dân cư nghèo và dễ bị tổn thương. Số người chết do HIV/AIDS, lao và sốt rét ở những cộng đồng này cao hơn nhiều so những tổn thất về người mà đại dịch Covid-19 gây ra. Ðáng chú ý, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân chính làm bùng phát các bệnh truyền nhiễm. Do tần suất không ngừng gia tăng của các cơn bão nhiệt đới và nền nhiệt cao, số ca mắc sốt rét trên thế giới đang ở tình trạng đáng báo động.

Giám đốc điều hành Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét Peter Sands nhấn mạnh, một số khu vực ở châu Phi vốn không bị ảnh hưởng bởi sốt rét, nay cũng đang đối mặt nguy cơ bùng phát dịch vì nhiệt độ tăng, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi. Trong khi đó, theo Tổ chức Di cư quốc tế của Liên hợp quốc, số người phải di cư hằng năm do các thảm họa khí hậu dự kiến ngày càng tăng, có thể lên tới khoảng 143 triệu người vào giữa thế kỷ này. Những dòng người di cư là môi trường lý tưởng để dịch bệnh lây lan.

Bên cạnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí cũng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Cùng với sự gia tăng dân số và nhiệt độ Trái đất nóng dần lên, không khí con người hít thở mỗi ngày đang bị ô nhiễm, là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên thế giới, tương đương số người chết vì các nguyên nhân khác như hút thuốc hoặc chế độ ăn uống thiếu chất. Chỉ tính riêng tại các nước Liên minh châu Âu (EU), ô nhiễm không khí do bụi mịn là nguyên nhân dẫn đến khoảng 238 nghìn ca tử vong sớm.

Trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng ô nhiễm không khí. Gọi ô nhiễm không khí là "kẻ giết người thầm lặng", nguyên Giám đốc Viện Khoa học y tế toàn Ấn Ðộ (AIIMS) Randeep Guleria nêu rõ, chất lượng không khí kém sẽ ảnh hưởng trước hết đến nhóm dân số dễ bị tổn thương như trẻ em, người già và những người có bệnh nền. Ở trẻ em, ô nhiễm không khí có thể dẫn đến sự suy giảm phát triển của phổi.

Những số liệu thống kê nêu trên đã cho thấy bức tranh thảm khốc về thực trạng cuộc khủng hoảng khí hậu và ô nhiễm không khí trên Trái đất hiện nay. WMO cảnh báo, ô nhiễm không khí kết hợp với biến đổi khí hậu sẽ đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người trong thế kỷ tới nếu cộng đồng quốc tế không nhanh chóng hành động. Theo báo cáo do Quỹ Không khí sạch (Anh) công bố mới đây, nếu thực hiện các giải pháp làm sạch không khí, khoảng 125 nghìn người sống ở các thành phố có tốc độ phát triển nhanh tại châu Phi sẽ được cứu sống, đồng thời tránh được thiệt hại kinh tế lên đến 20 tỷ USD. Trong khi đó, Viện Chính sách năng lượng thuộc Ðại học Chicago (Mỹ) nhận định, việc giảm ô nhiễm không khí toàn cầu một cách bền vững sẽ giúp tuổi thọ trung bình của con người kéo dài thêm 2,2 năm.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu có mối liên hệ chặt chẽ, nên hai mối đe dọa này nên được giải quyết cùng nhau. Ngăn chặn biến đổi khí hậu cũng đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ nắng nóng gây cháy rừng, khói bụi độc hại..., từ đó cải thiện chất lượng không khí, tạo môi trường sống lành mạnh. Tuy nhiên, các cam kết về khí hậu hiện nay là chưa đủ. Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra mới đây mặc dù đã tạo ra bước đột phá trong vấn đề tài chính chống biến đổi khí hậu, song vẫn còn thiếu tham vọng về giảm khí thải. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, hội nghị chưa thể thúc đẩy việc giảm mạnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí đang gây ra những tác động rõ rệt đối với cuộc sống và sức khỏe của người dân trên thế giới. Cuộc chiến chống lại kẻ thù chung này đòi hỏi sự đoàn kết và nỗ lực không ngừng của cộng đồng quốc tế.