Ngăn chặn hiệu quả nạn buôn lậu qua biên giới

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), trong nửa đầu năm 2022, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, xử lý 54.199 vụ việc vi phạm (giảm 25,05% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó 5.243 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (giảm 53,72% so với cùng kỳ năm 2021); 47.781 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 1.019 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (giảm 90,61% so với cùng kỳ năm 2021), thu nộp ngân sách nhà nước 3.728 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Hải quan cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) kiểm tra một công-ten-nơ hàng hóa thông quan. (Ảnh MINH DŨNG)
Hải quan cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) kiểm tra một công-ten-nơ hàng hóa thông quan. (Ảnh MINH DŨNG)

Nhiều vụ việc, đối tượng cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp đã được phát hiện, xử lý kịp thời, tạo sự răn đe, phòng ngừa. Điển hình là vụ gần 60 nghìn bộ kít xét nghiệm kháng nguyên Covid-19 cùng hơn 80 nghìn viên thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ bị lực lượng chức năng Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện, bắt giữ với giá trị tang vật ước tính hàng tỷ đồng; vụ bắt giữ 200 nghìn sản phẩm thuốc tân dược và mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng do lực lượng chức năng thành phố Hà Nội phối hợp phát hiện, xử lý; vụ Công an tỉnh Nghệ An triệt phá thành công đường dây vận chuyển ma túy lớn từ Lào về Việt Nam, thu giữ hơn 30 nghìn viên ma túy tổng hợp,...

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, trong hơn hai năm qua, do kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 chặt chẽ tại biên giới đường bộ nên hoạt động buôn lậu diễn ra dưới các hình thức mang vác, vận chuyển nhỏ lẻ, qua đường mòn, lối mở có chiều hướng giảm mạnh. Thay vào đó, các đối tượng chuyển sang thành lập doanh nghiệp, ký kết hợp đồng thương mại, rồi lợi dụng chính sách luồng xanh và hậu kiểm nhằm buôn lậu với quy mô lớn. Các hành vi phổ biến như không khai báo hải quan, khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại, trị giá, nguồn gốc xuất xứ; phá niêm phong tẩu tán hàng trên đường vận chuyển, thẩm lậu sau khi đã tạm nhập, tái xuất, quá cảnh; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn để vi phạm. Đan xen với đó là hoạt động rửa tiền, chuyển tiền với số lượng lớn. Đến nay, nhiều đường dây vận chuyển tiền qua biên giới đã bị phát hiện, bắt giữ, điển hình là vụ việc chiếm đoạt tiền hoàn thuế vừa bị phát hiện với giá trị lên đến 500 tỷ đồng.

Cùng với những mặt tích cực, hiện công tác phòng, chống buôn lậu ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn. Kết quả phát hiện, điều tra, xử lý chưa tương xứng với tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về buôn lậu. Tỷ lệ xử lý vi phạm hành chính vẫn cao nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Đáng nói, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hoạt động buôn lậu đang có chiều hướng tăng trở lại, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn hoặc lợi dụng triệt để chính sách xuất nhập khẩu để buôn lậu. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó một số quy định pháp luật liên quan còn bất cập, không xác định rõ nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, đặt ra khó khăn nhất định trong thực tiễn khi áp dụng. Để chứng minh hành vi buôn lậu, cơ quan chức năng phải làm rõ yếu tố “qua biên giới” bao gồm cả “biên giới thương mại” (hàng rào thuế quan ở mọi khu vực) và “biên giới pháp lý” (được xác định theo Luật Biên giới quốc gia).

Một số văn bản pháp luật về quản lý hoạt động thương mại điện tử chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ, các mô hình, phương thức kinh doanh mới. Việc xử lý tội phạm buôn lậu đang thiếu sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng, thậm chí tồn tại nhiều tiêu cực, bảo kê cho hoạt động buôn lậu. Một số lực lượng, địa phương mới chỉ tập trung vào chỉ tiêu khởi tố, điều tra vụ án, xử phạt vi phạm hành chính hành vi buôn lậu mà chưa quan tâm nhiều đến công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật quần chúng về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu. Do đó, chưa khuyến khích rộng rãi quần chúng nhân dân tích cực, chủ động tham gia tố giác hành vi vi phạm pháp luật. Thậm chí, có tình trạng coi đấu tranh chống buôn lậu là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng nên chưa tích cực tham gia...

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác sáu tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia mới đây, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nêu rõ, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tình hình thực tế. Thậm chí, nạn buôn lậu đang có chiều hướng tăng lên, nhất là khi chúng ta quay trở lại trạng thái bình thường, hoạt động phát triển kinh tế-xã hội diễn ra nhiều hơn. Dự báo từ nay đến cuối năm là cao điểm của các hành vi vi phạm, Phó Thủ tướng yêu cầu, cần nhận diện rõ vấn đề nổi cộm hiện nay trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để có phương án triển khai phù hợp; nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, tránh sự chồng chéo, “mạnh ai nấy làm” để những vụ việc phức tạp được xử lý nhanh chóng và kịp thời hơn; đồng thời, tập trung rà soát thể chế để sửa đổi, bổ sung kịp thời với tình hình thực tế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vì hiện nay tội phạm buôn lậu, nhất là ma túy đều sử dụng công nghệ rất hiện đại... ■