Trong những năm qua, hoạt động từ thiện trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, thu hút sự tham gia tích cực, ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân nhằm kịp thời hỗ trợ, sẻ chia giúp đỡ với những khó khăn mất mát của đồng bào. Thông qua hoạt động từ thiện xã hội, các tổ chức và cá nhân đã chung tay cùng Đảng, Nhà nước giải quyết từng bước những khó khăn cho người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các địa phương vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn về vật chất và tinh thần, đặc biệt trong hoàn cảnh bị thiệt hại do thiên tai, dịch họa.
Bên cạnh những kết quả, giá trị tích cực, đúng mục đích của hoạt động từ thiện thì vẫn có một số cá nhân, tổ chức lợi dụng danh nghĩa từ thiện để “trục lợi”, sai mục đích. Hành vi này không chỉ trái pháp luật, mà còn khiến lòng tin bị xói mòn, tình cảm bị rạn nứt, tình làng nghĩa xóm bị nhạt phai…
Điển hình của các hoạt động lợi dụng từ thiện để trục lợi có thể kể đến như: Tạo lập các trang mạng xã hội (chủ yếu trên Facebook), sau đó đăng tải các bài viết, tạo dựng những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh đang gặp khó khăn, hoạn nạn cần được giúp đỡ; hoặc giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được Nhà nước cho phép, rồi đăng tải các bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ.
Mới đây, Công an thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam Hoàng Công Trường (sinh năm 1986, trú tại Phường 10, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trường lên mạng tìm kiếm thông tin và tải hình ảnh rồi đăng lên Facebook kèm bài viết có nội dung phản ánh người thân của Trường (vợ, con, bố, mẹ, anh, chị...) với những câu chuyện bịa đặt về hoàn cảnh hết sức đáng thương để kêu gọi từ thiện (chuyển tiền vào tài khoản cá nhân với tên giả) nhằm trục lợi. Gần 6.000 người đã chuyển số tiền ủng hộ hơn 5,6 tỷ đồng vào tài khoản mà Trường chuẩn bị sẵn rồi bị đối tượng này chiếm đoạt.
Tinh vi hơn, một số đối tượng sử dụng các bài viết về hoàn cảnh khó khăn đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng để dẫn nguồn trên Facebook, rồi xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập quản lý, để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ.
Bên cạnh việc kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội, trên nhiều đường phố cũng xuất hiện hình ảnh những đứa trẻ nhếch nhác, lấm lem; người già và người khuyết tật lê lết xin tiền. Tuy nhiên, sự thật về những hoàn cảnh này chưa được xác minh và rất có thể có đối tượng cố tình lợi dụng tình thương của những người tử tế để trục lợi. Tình trạng thật-giả lẫn lộn này đã và đang dần làm mất đi niềm tin của con người, vô hình trung tạo nên sự thờ ơ, vô cảm trước những số phận có hoàn cảnh éo le và lòng tham, sự nhẫn tâm của những kẻ “chăn dắt”, đã làm cho nạn ăn xin ngày càng gia tăng.
Để từng bước hạn chế các hành vi lợi dụng từ thiện để trục lợi, tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, có nêu rõ về các hành vi bị nghiêm cấm cụ thể.
Cùng với việc thực hiện các quy định nêu trên, các cơ quan, ngành chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm những kẻ lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của những người có hoàn cảnh khó khăn thực hiện hành vi trái đạo lý, vi phạm pháp luật. Các nhà hảo tâm nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức.
Mỗi tổ chức, cá nhân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi từ thiện để lừa đảo trên mạng xã hội, thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ thông tin kêu gọi ủng hộ từ thiện trên mạng xã hội; yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để kiểm chứng thông tin...