Ngăn chặn hàng lậu, hàng giả

Vào cuộc tổng lực ngăn chặn hàng lậu trong thời gian cao điểm dịp trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều vụ vi phạm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hóa giả mạo thương hiệu bị phát hiện, thu giữ. ( Ảnh Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh)
Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hóa giả mạo thương hiệu bị phát hiện, thu giữ. ( Ảnh Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh)

Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn thành phố.

Theo kế hoạch, Ban Chỉ đạo 389 thành phố yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 theo chức năng, nhiệm vụ địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Thực hiện chỉ đạo, các đơn vị chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn mới về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm; xây dựng phương án bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát tại các cảng hàng không dân dụng, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các khu vực buôn bán khác trong nội địa nhằm phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc; các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả.

Các đơn vị tập trung vào năm nhóm mặt hàng, lĩnh vực gồm: Nhóm mặt hàng cấm, mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán; nhóm mặt hàng nông lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp và phân bón; nhóm vật liệu và thiết bị xây dựng, các sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu; các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm bình ổn thị trường.

Trong bối cảnh cận Tết Nguyên đán, hàng lậu, hàng giả từ các tỉnh biên giới Tây Nam và cả các tỉnh phía bắc đổ dồn về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ, Cục Quản lý thị trường thành phố đã không ngừng chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trung tâm thương mại và đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, tạm giữ số lượng lớn hàng hóa, nhưng tình hình kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu vẫn không có dấu hiệu suy giảm; số lượng nhãn hiệu bị làm giả cũng ngày càng đa dạng, nhiều thương hiệu, gây khó khăn trong công tác xác định hàng hóa thật giả cho lực lượng quản lý thị trường thành phố.

Các đối tượng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, hoạt động có tổ chức nên rất khó phát hiện. Các đối tượng này đã lợi dụng địa bàn thành phố rộng, tập trung nhiều kho hàng, bến bãi, điểm trung chuyển hàng hóa và dân cư tập trung đông, nhu cầu mua sắm của người dân cao nên các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn không ngừng hoạt động.

Tình hình vận chuyển hàng hóa nhập lậu, nhất là các mặt hàng điện tử, hàng điện gia dụng, thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm, thực phẩm,… theo hướng biên giới Tây Nam có dấu hiệu tăng trở lại cả về quy mô lẫn số lượng. Các đối tượng vận chuyển hoạt động không có giờ cố định, lợi dụng hoạt động giao hàng qua ứng dụng giao nhận nên khó kiểm soát, khó xác định địa điểm kinh doanh, kho hàng để kiểm tra, xử lý.

Điển hình, ngày 23/12/2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp Cục Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng Hồ Trâm Authentic, địa chỉ: 108/33 Trần Văn Quang, Phường 10, Quận 10, do H.N.T. ngụ quận Tân Bình, làm chủ hộ kinh doanh. Quá trình kiểm tra, phát hiện và thu giữ tổng cộng 259 đơn vị sản phẩm là bóp, ví, túi xách, mắt kính thời trang nhãn hiệu Pedro, Charles&Keith… không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 400 triệu đồng.

Trước đó, ngày 21/12/2023, Cục Quản lý thị trường thành phố phối hợp Công an Thành phố Hồ Chí Minh khám xét hai kho hàng nghi nhập lậu trên đường Thành Thái, Quận 10. Qua kiểm tra ban đầu, cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm nghìn sản phẩm các loại từ sữa, đến thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, cùng hàng trăm đôi giày nhãn hiệu Gucci, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ước tính trị giá nhiều tỷ đồng.

Ngày 20/12/2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp Cục Quản lý thị trường thành phố tiến hành kiểm tra điểm chứa trữ, kinh doanh giày dép tại địa chỉ 17 Nguyễn Trãi, Quận 5 và địa chỉ 384 Nguyễn Trãi, Quận 5. Tổ công tác đã phát hiện số lượng lớn các loại giày dép, túi xách có nhãn hiệu Louis Vuitton, Hermes, Gucci… không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Cục Quản lý Thị trường thành phố dự báo vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng sẽ tăng mạnh, các hoạt động lễ hội cũng diễn ra nhiều, dẫn đến tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng sẽ tiếp tục tăng mạnh với lợi thế giá rẻ, đa dạng chủng loại, hình thức sẽ đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đi kèm với đó sẽ là những hậu quả về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hóa không bảo đảm.

Để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả dịp Tết, Ban Chỉ đạo 389 thành phố yêu cầu đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, thanh tra chuyên ngành trong việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết hiệu quả tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại, hàng giả, thực hiện nghiêm việc chuyển cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu hình sự.