Ngăn chặn hàng giả trên kênh bán hàng livestream

Thời gian gần đây, hình thức livestream bán hàng trực tuyến đang trở nên sôi động, thu hút nhiều người tham gia, trở thành kênh phân phối, bán hàng hiệu quả. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra thách thức cho các nhà quản lý trong việc kiểm soát hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng…
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng của một cơ sở kinh doanh trên mạng tại Khu đô thị Đô Nghĩa thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. (Ảnh MAI NGỌC)
Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng của một cơ sở kinh doanh trên mạng tại Khu đô thị Đô Nghĩa thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. (Ảnh MAI NGỌC)

Sau thời gian dài theo dõi hàng hóa được đăng bán trên nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop, đầu tháng 6/2024, Đội Quản lý thị trường số 10 phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế-Công an huyện Sóc Sơn đã tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế tại số 4, dốc Tân Thượng, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn.

Bước đầu, Đoàn kiểm tra phát hiện tại địa điểm kinh doanh nêu trên có số lượng hàng hóa lớn (khoảng 3.000 chiếc máy tính bảng, điện thoại di động các loại) và các loại mặt hàng khác (thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo, mỹ phẩm…) do nước ngoài sản xuất, có dấu hiệu không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Dương Mạnh Hùng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang ưu tiên bán hàng thông qua hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh những lợi ích tích cực thì tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng công khai trên nền tảng thương mại điện tử đang ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến xã hội, đến niềm tin của người tiêu dùng. Lực lượng quản lý thị trường đã thường xuyên nắm tình hình, kiểm tra, giám sát, đấu tranh, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử, nhất là các sàn giao dịch thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo; các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo, YouTube… Chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 245 vụ việc có vi phạm quy định pháp luật về thương mại điện tử, phạt gần 3,3 tỷ đồng. Cùng với đó, đã kiểm tra, xử lý 259 vụ việc liên quan đến thương mại điện tử (từ dấu hiệu vi phạm về thương mại điện tử phát hiện các hành vi vi phạm khác) với số tiền phạt hơn 4,5 tỷ đồng; giá trị tang vật vi phạm hơn 2,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các đối tượng vi phạm thường lập nhiều tài khoản trên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội, bán hàng theo hình thức livestream... Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng). Ðể tăng niềm tin, các đối tượng còn thuê những người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các sản phẩm, hoặc sử dụng nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để mua lượng theo dõi hoặc bình luận về sản phẩm không đúng bản chất, thậm chí chốt đơn giả để đánh lừa người tiêu dùng...

Bên cạnh đó, tài khoản trên sàn thương mại điện tử thường sử dụng các hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người dùng. Để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn thương mại điện tử, các đối tượng cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát. Chẳng hạn, khi nhái các thương hiệu nổi tiếng như: Dior, Chanel, Gucci thì viết thành D.I.O.R, Cha nel, DIO, Gu.ci...

"Thủ đoạn của các đối tượng này là thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch, vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa, nên khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát" - đại diện Quản lý thị trường Hà Nội nhấn mạnh.

Một khó khăn rất lớn hiện nay là các giao dịch, thanh toán đều là "ảo", không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, dễ dàng xóa bỏ thông tin, dấu vết, gây cản trở việc thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm... Bên cạnh đó, mức phạt hiện quá nhẹ so với lợi nhuận thu được. Một số website, chủ tài khoản bán hàng đã bị xử lý nhiều lần nhưng chưa bị cơ quan quản lý gỡ bỏ tài khoản, thu hồi tên miền, nên vẫn tiếp tục hoạt động.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại chế biến Thực phẩm sạch Từ Tâm Đinh Thị Hải Yến cho rằng, hiện tại, các kênh bán hàng trên các nền tảng TikTok, Facebook là cá nhân, nếu có chủ đích lừa sẽ dễ dàng qua mặt khách hàng. Vì vậy, các cá nhân, đơn vị khi bán hàng livestream và trên sàn thương mại điện tử phải có pháp nhân, đăng ký để có trách nhiệm với người tiêu dùng, hạn chế rủi ro.

Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan. Phó Cục trưởng Dương Mạnh Hùng cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các sở, ngành như Sở Công thương; Cục Thương mại điện tử và kinh tế số; Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (A05); Công an thành phố, quận, huyện, thị xã… để kiểm tra, kiểm soát hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sử dụng thương mại điện tử, công nghệ cao nhằm kinh doanh, chào bán hàng hóa vi phạm.