Nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết

Theo Bộ Y tế, dịp Tết 2024 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền.
0:00 / 0:00
0:00
Cần phát hiện sớm các dấu hiệu và nhập viện kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Cần phát hiện sớm các dấu hiệu và nhập viện kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Gia tăng đột quỵ và cúm

Theo tin từ Bệnh viện (BV) E, trong những ngày thời tiết chuyển lạnh sâu, Khoa Cấp cứu của BV liên tục tiếp nhận nhiều ca đột quỵ não và các bệnh tim mạch. Đáng chú ý, nhiều ca là các bệnh nhân trẻ.

Đơn cử như trường hợp người đàn ông 34 tuổi (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện vào tối 18/12 trong tình trạng yếu nửa người trái, nói khó… Kết quả xét nghiệm, chiếu chụp xác định, nam bệnh nhân bị đột quỵ não. Khai thác tiền sử bệnh án cho thấy, bệnh nhân có biểu hiện yếu nửa người, nói khó khi đang chơi bóng bàn tại cơ quan sau giờ làm việc. Sau đó, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tại Đơn vị đột quỵ và can thiệp mạch máu, Khoa Cấp cứu (BV E), người bệnh được chẩn đoán, tắc mạch máu não cấp. May mắn, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong “thời gian vàng” sau 25 phút kể từ khi khởi phát triệu chứng. Ngay lập tức, bệnh nhân được chụp CT và được chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối tái tưới thông mạch máu não.

Ths, bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu (BV E) cho biết, thời tiết thay đổi thất thường những ngày vừa qua khiến người bệnh nhập viện gia tăng đột biến, nhất là các bệnh lý về đột quỵ não và tim mạch. Để phòng tránh đột quỵ não và tim mạch mùa lạnh, bác sĩ Yên khuyến cáo, người dân cần tầm soát các yếu tố nguy cơ như: Huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường, thuốc lá, bia rượu, chất kích thích… Đồng thời, trong khoảng “thời gian vàng” từ dưới 3 giờ đến 4,5 giờ đồng hồ sau khi khởi phát đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi rất cao.

“Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường..., nếu thấy những dấu hiệu nói khó, liệt nửa người, nhìn mờ một bên mắt, liệt nửa mặt… thì gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện sớm. Việc càng trì hoãn điều trị sớm, nếu chỉ trong vòng vài phút không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết. Thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Do đó, bệnh nhân đột quỵ cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt”, bác sĩ Yên lưu ý.

Thời gian gần đây, các BV trên địa bàn Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi đến khám, được xét nghiệm và chẩn đoán mắc các bệnh cúm A. Đây là một loại cúm mùa có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.

Tại BV Nhi T.Ư, từ đầu tháng 12 đến nay, trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 100 trẻ mắc cúm A. Trong đó có những trường hợp biểu hiện nặng, có biến chứng, được chỉ định nhập viện. Trẻ em mắc cúm A dễ bị biến chứng viêm phổi, phải thở oxy, ngoài ra, một số bị viêm tai giữa, thậm chí viêm màng não, viêm cơ tim.

Tương tự, gần một tháng nay, Khoa Nhi (Bệnh viện đa khoa Hà Đông) đã tiếp nhận hơn 150 trường hợp trẻ em đến khám và điều trị các bệnh liên quan tới đường hô hấp, trong đó chủ yếu là cúm A, RSV. Tại BV Đa khoa Saint Paul, BV đa khoa Hà Đông, BV Thanh Nhàn, BV Bạch Mai, lượng bệnh nhân là trẻ em tới khám và nhập viện cũng tăng cao. Các bệnh viện đã ghi nhận nhiều trường hợp các bé lây chéo cúm A ở trường học. Nhiều trẻ bị mắc và lây cho cả gia đình, xét nghiệm đều cho kết quả mắc cúm A.

Virus cúm A có nhiều trong dịch tiết nước bọt, nước mũi. Do đó, con đường lây truyền phổ biến nhất của bệnh cúm A là qua đường giọt bắn. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, giọt bắn sẽ chạm vào miệng, mũi của người đối diện khiến mắc bệnh, hoặc cũng có thể do chạm vào đồ dùng có dính virus rồi đưa lên mũi, miệng.

Bệnh cúm A thường xuất hiện vào thời điểm thời tiết chuyển mùa, với các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với cúm thông thường như ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể... Đôi khi các triệu chứng này tự hết mà không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, bệnh cúm có thể tiến triển rất nhanh, nếu không xử trí kịp thời dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai. Bệnh nhân cúm A diễn biến nặng có thể gây nhiễm trùng tai, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, ho khan, sốt cao gây co giật, tức ngực, viêm phổi và gây nặng lên các vấn đề về tim mạch.

Mặc dù khó phân biệt sốt do cúm A với sốt do nhiễm virus khác nhưng các trường hợp sốt cao do cúm A thường kéo dài hơn. Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc cúm A do hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, nên sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Trí Thức, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, BV T.Ư Quân đội 108, đưa ra lời khuyên: “Đôi khi các triệu chứng cúm A tự khỏi, hoặc nhẹ có thể điều trị tại nhà. Nhưng nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần, người bệnh không được chủ quan mà nên đến cơ sở khám, chữa bệnh uy tín để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nghiêm trọng. Đặc biệt, với người trên 65 tuổi, trẻ em dưới hai tuổi, và người mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi, đái tháo đường... bệnh dễ biến chuyển thành ác tính. Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm A là gây phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong rất cao. Cần lưu ý thêm với phụ nữ đang mang thai nếu mắc cúm A cũng có thể gây ra biến chứng viêm phổi hoặc sẩy thai”.

Chuẩn bị các phương án phòng chống dịch bệnh

Bộ Y tế khuyến cáo, hiện nay, tại khu vực miền bắc đang vào giai đoạn mùa đông - xuân, thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm. Các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng… và một số bệnh có vaccine dự phòng ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.

Đặc biệt, thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán 2024 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Để tiếp tục chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa đông - xuân năm 2023-2024, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo UBND các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; bảo đảm kinh phí, nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương và các đơn vị y tế trên địa bàn phải thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus. Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Đồng thời, chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong; duy trì thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng.

Riêng với dịch bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức diệt bọ gậy (loăng quăng); tuyên truyền vận động người dân giảm dụng cụ chứa nước không cần thiết, lật úp, thu gom loại bỏ dụng cụ phế thải. Huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tại cơ sở để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc diệt bọ gậy tại hộ gia đình với thông điệp “mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt loăng quăng/bọ gậy”.

Ngoài ra, các địa phương cần chủ động, phối hợp cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp; tăng cường truyền thông phòng bệnh nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe. Mặt khác, tiếp tục bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh theo phương châm bốn tại chỗ…