Gia tăng ca mắc bệnh dại trên toàn quốc
Trong hơn 2 tháng đầu năm 2024, Bộ Y tế thống kê cả nước có 21 ca tử vong do bệnh dại. Các tỉnh có số người tử vong do chó dại cắn nhiều nhất từ 2023 đến nay là Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên.
Đặc biệt, một số tỉnh, thành phố trong cả nước liên tiếp bùng phát ổ dịch chó dại. Tại tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 4 ổ dịch chó dại, gồm 2 ổ dịch ở huyện Trảng Bom, 1 ở huyện Định Quán và 1 tại huyện Nhơn Trạch. Tổng cộng gần 10 người bị chó dại cắn.
Tại tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính riêng những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, tỉnh này đã phát hiện 4 ổ bệnh dại trên động vật, làm chết 2 người và 86 người bị phơi nhiễm…
Cũng trong 2 tháng đầu năm 2024, Hệ thống tiêm chủng VNVC ghi nhận số người đến tiêm vaccine dại dự phòng và sau khi bị cắn tăng 300%. Trong đó, các tỉnh miền đông và Bắc Trung Bộ có tỷ lệ tăng cao nhất.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết số ca mắc bệnh dại thường tăng mạnh vào mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm. Song số người dân tiêm vaccine dại tăng mạnh trong thời điểm này cho thấy bệnh dại vào mùa sớm hơn mọi năm và tăng cao ngay cả khi chưa phải cao điểm mùa nắng nóng.
"Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus lây truyền từ động vật sang người thông qua vết cắn, cào, liếm vào vết thương hở, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Một khi phát bệnh, tỷ lệ tử vong gần 100% và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu", bác sĩ Chính cho hay.
Dại có thời gian ủ bệnh phức tạp, có thể chỉ từ 7-10 ngày hoặc kéo dài đến vài tuần, thậm chí vài năm, phụ thuộc vào tình trạng và vị trí vết cắn. Vết thương càng gần hệ thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ hoặc đầu mút các chi như ngón tay, ngón chân, bộ phận sinh dục… có thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Bệnh dại có thể hung dữ và thể liệt, trong đó thể hung dữ phổ biến hơn với 80% ca mắc. Dấu hiệu điển hình của thể hung dữ là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, rối loạn tri giác, co giật toàn thân, co thắt cơ hô hấp, sặc, khó thở, ngưng tim, hôn mê, tử vong nhanh trong vòng 2-4 ngày kể từ khi khởi phát.
Với thể liệt, bệnh nhân bị tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu và đại tiện, liệt tay, chân và tử vong ngay khi liệt cơ hô hấp. Người mắc bệnh dại thể liệt vẫn tỉnh táo hoàn toàn và đau đớn cho đến lúc tử vong.
Đặc biệt, trẻ em là đối tượng nguy cơ dễ bị các động vật như chó, mèo tấn công và gây mắc bệnh dại cao hơn. Trẻ em có cơ thể thấp nên khi bị chó cắn thường sẽ bị ở đầu, mặt, cổ nhiều hơn là người lớn. Đây cũng là nguyên nhân khiến virus dại di chuyển nhanh hơn lên hệ thần kinh trung ương và gây bệnh nhanh.
Có nên tiêm ngừa trước khi bị chó, mèo cắn?
Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, bệnh dại trên người hoàn toàn có thể điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Bên cạnh người chủ động chích ngừa ngay khi bị vật nuôi cắn/cào, nhiều người còn chủ động tiêm trước khi phơi nhiễm (trước khi bị cắn/cào).
"Việc tiêm dự phòng vaccine dại trước phơi nhiễm có nhiều lợi ích vì chỉ cần tiêm 3 mũi, khi có vết thương do bị vật nuôi cắn, cào chỉ cần tiêm thêm 2 mũi và không cần tiêm huyết thanh. Trường hợp chưa tiêm dự phòng vaccine dại, người dân cần tiêm 5 mũi và có thể phải tiêm huyết thanh tùy theo tình trạng vết thương", bác sĩ Chính cho hay.
Ngoài ra, tiêm ngừa vaccine dại còn là cách bảo vệ trước một nguồn lây bệnh là động vật hoang dã như khỉ, dơi, chuột, chồn, cáo, cầy, sóc, thỏ… Đây là một nhóm động vật có thể lây bệnh dại nhưng chưa được quan tâm cảnh báo. Bệnh lây từ các loài động vật này sang người thông qua tiếp xúc khi đi rừng, du lịch, trekking và các hành vi như giết mổ, ăn thịt thú rừng.
Bác sĩ Chính khẳng định, vaccine dại thế hệ mới không chứa các tế bào thần kinh, không gây ảnh hưởng đến trí nhớ và sức khỏe của người tiêm, đáp ứng miễn dịch cao sau khi tiêm đủ liều.
Bên cạnh đó, ngoài tiêm vaccine dại, tùy vào tình trạng vết thương và lịch sử tiêm chủng, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm ngừa thêm vaccine uốn ván.
Hiện Việt Nam có đầy đủ hơn 40 loại vaccine phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm ở trẻ em và người lớn. Trong đó có vaccine phòng dại thế hệ mới, an toàn, hiệu quả là Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ).
Xử trí khi bị vật nuôi cắn, cào:
Sơ cứu tại chỗ: Xối rửa vết thương bằng xà phòng với nước hoặc nước sạch dưới vòi nước trong vòng 15 phút để rửa trôi virus. Sau đó tiếp tục sát trùng vết thương với cồn 45-70% hoặc cồn iod hoặc povidone – iodine (nếu có).
Nếu vết thương chảy máu, không nên nặn máu, chà xát, đắp lá, làm dập nát vết thương
Che vết thương bằng băng gạc y tế, không băng kín hoặc khâu kín vết thương.
Đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm vaccine càng sớm càng tốt