Ngăn chặn buôn lậu hàng hóa xuyên quốc gia

NDO -

Bước sang năm 2022, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, hoạt động kinh tế của các địa phương phục hồi nhanh, lượng hàng hoá xuất, nhập khẩu tăng mạnh phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Cùng với đó, tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua các tuyến biên giới để đưa về Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương tiêu thụ cũng bùng phát phức tạp hơn...

Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra hàng hóa xuất-nhập khẩu. (Ảnh: Anh Tuấn)
Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra hàng hóa xuất-nhập khẩu. (Ảnh: Anh Tuấn)

Nhờ tăng cường các biện pháp đấu tranh hiệu quả với tội phạm buôn lậu và vận chuyển hàng hóa trái phép, các lực lượng chức năng đã ngăn chặn, triệt phá được nhiều vụ vi phạm qua các cửa khẩu với nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi.

Bùng phát buôn lậu qua biên giới

Cảng Cát Lái ở thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh là cảng container quốc tế lớn nhất cả nước với lưu lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu nhộn nhịp mỗi ngày cùng với nguy cơ xâm nhập hàng lậu. Do đó, lực lượng chức năng phải luôn cảnh giác triển khai công tác chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua cửa khẩu. Tính đến đầu tháng 6/2022, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện 490 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa hơn 62,8 tỷ đồng, xử phạt hơn 3,2 tỷ đồng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 Nguyễn Thanh Long, cho biết: “Thời gian gần đây, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp trở lại. Các đối tượng dùng thủ đoạn liên tục thay đổi hàng hóa nhập lậu khi bị cơ quan chức năng chú ý kiểm tra nhóm mặt hàng nghi vấn. Ngoài ra, còn có chiêu thức thành lập công ty mới rồi nhập lậu hàng ồ ạt, sau đó bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra.”

Theo thông tin từ Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các đối tượng lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan hàng hoá sử dụng phương thức “chọn luồng” cùng một lô hàng nhưng lại khai báo nhiều tờ khai ở cùng một chi cục hoặc khác chi cục, nếu luồng “đỏ” thì hủy tờ khai, chọn luồng “vàng, xanh” để thông quan hàng hóa; cố tình khai báo mặt hàng khác có thuế suất thấp, giá thấp để trốn phân luồng hoặc cố tình khai thuế rất cao để tránh chính sách quản lý mặt hàng.

Đơn cử, ngày 25/5, các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện gần 600kg động vật biển phơi khô (nghi là cá ngựa khô) cùng hơn 100kg vảy động vật (nghi vảy tê tê) cùng xương động vật (chưa xác định tên loài động vật) nhập khẩu về Việt Nam qua cảng Cát Lái.

Theo khai báo hải quan, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất, nhập khẩu KLT, địa chỉ số 801, đường Đinh Quang Ân, tổ 24, khu phố Hương Phước, phường Phước Tân, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai đứng tên làm thủ tục nhập khẩu gồm hơn 13,5 tấn vỏ ốc đã xử lý sạch, khô (nguyên liệu làm hàng thủ công mỹ nghệ). Tuy nhiên, khi mở container hàng kiểm tra, cơ quan Hải quan phát hiện, ngoài số vỏ ốc đúng khai báo hải quan, phía trong container còn cất giấu nhiều hàng hóa không khai báo như nêu trên. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, xử lý theo luật định.

Tính đến đầu tháng 6/2022, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện, bắt giữ, lập biên bản 702 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, tăng 23% số vụ so với năm 2021 (571 vụ); tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 732 tỷ đồng; phạt tiền 6,6 tỷ đồng; chuyển qua cơ quan khác đề nghị khởi tố 12 vụ. Đáng chú ý, có 41 vụ liên quan đến ma tuý, thu giữ khoảng 66kg ma tuý các loại.

Cục Hải quan thành phố đã bắt giữ, xử lý và phá nhiều chuyên án về buôn lậu, vận chuyển trái phép cần sa từ Mỹ, Canada; buôn lậu ma tuý tổng hợp MDMA (thuốc lắc) với quy mô, số lượng lớn từ một số quốc gia châu Âu dưới hình thức quà biếu phi mậu dịch thông qua đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh vào Việt Nam và xuất ma tuý tổng hợp methamphetamine trái phép sang Hồng Công (Trung Quốc).

Tỉnh Long An có đường biên giới giáp với Campuchia dài gần 133km. Từ cuối tháng 4/2022, khi Ủy ban nhân dân tỉnh Long An cho mở lại hoạt động xuất, nhập cảnh; xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu, lối mở trên khu vực biên giới thì tình hình buôn lậu có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.

Ngày 20/6, Tổ công tác của Đồn Biên phòng Sông Trăng tuần tra tại khu vực biên giới thuộc ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng (tỉnh Long An), phát hiện một đối tượng điểu khiển xe mô-tô chở theo bao tải, lực lượng tần tra ra tín hiệu dừng xe thì đối tượng lợi dụng đêm tối vứt lại xe và bỏ chạy. Kiểm tra bao tải, phát hiện bên trong chứa 550 gói thuốc lá ngoại nhập lậu. Trước đó, ngày 18/6, Tổ công tác của Đồn Biên phòng Sông Trăng mật phục tại khu vực biên giới thuộc ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng cũng đã phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu, tang vật thu giữ gồm 700 gói thuốc lá ngoại.

Ngày 26/5, trên tuyến quốc lộ 62 thuộc địa bàn xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, tổ công tác của Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An) phát hiện, ngăn chặn bốn phương tiện xe tải vận chuyển hàng hóa nhập lậu. Qua kiểm tra, các xe tải vận chuyển hàng hóa gia dụng (chén, đĩa, ly), giầy dép, quần áo, vải, đồ điện tử đã qua sử dụng do nước ngoài sản xuất. Các lái xe không xuất trình được các loại giấy tờ có liên quan đến hàng hóa. Ước tính số lượng hàng hóa trên bốn phương tiện khoảng 50 tấn.

Đại diện Cục Quản lý thị trường Long An cho biết, đến cuối tháng 5/2022, các đội quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý bốn trường hợp vận chuyển đường cát do nước ngoài sản xuất nhập lậu vào địa phận tỉnh Long An với số lượng đang tạm giữ 20,5 tấn; đã xử phạt vi phạm hành chính ba trường hợp với tổng số tiền 170 triệu đồng; tịch thu 13 tấn đường cát nhập lậu.

Kiểm soát chặt cửa khẩu

Tỉnh Long An hiện có ba cửa khẩu và 28 lối mở tại kênh để trao đổi, mua bán hàng hóa của thương nhân, cư dân biên giới Việt Nam-Campuchia. Nhằm chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả trên khu vực biên giới, lực lượng Hải quan, Biên phòng và Công an tỉnh Long An triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát chặt tuyến biên giới.

Trưởng Công an huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) Trần Bình Trọng cho biết, sau hơn hai tháng cho mở lại hoạt động xuất, nhập cảnh; xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu Mỹ Quý Tây, lực lượng công an đã triệt phá nhiều vụ buôn lậu thuốc lá, đường cát và đưa người xuất, nhập cảnh trái phép.

Trong thời gian tới, Công an huyện Đức Huệ đẩy mạnh kiểm soát chặt khu vực biên giới bằng cách tăng cường công tác điều tra cơ bản trên tuyến biên giới; rà soát, lập danh sách những đối tượng chủ mưu cầm đầu, đối tượng nhỏ lẻ; mời gọi răn đe, mở hồ sơ nếu có dấu hiệu thì sẽ tiến hành những biện pháp điều tra để xử lý các đối tượng này. Giao cho công an chính quy về xã phối hợp các đoàn thể địa phương đến tận gia đình của các đối tượng này làm việc, động viên và liên hệ xin việc làm cho họ.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Bình Hiệp (tỉnh Long An) Nguyễn Minh Tùng, để kiểm soát tình trạng buôn lậu qua tuyến biên giới, Chi cục đã phân công lực lượng bám sát địa bàn, phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Công an địa phương, nhất là phát huy “tai mắt” của nhân dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; hàng hóa quá cảnh, Chi cục áp dụng tiêu chí quản lý rủi ro, tiến hành kiểm tra, phát hiện nhiều vi phạm và xử phạt về việc khai không đúng tên hàng, chủng loại, nhãn mác.

Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) Nguyễn Văn Nam, cho biết, lực lượng Biên phòng tập trung thực hiện tốt công tác nắm tình hình từ sâu, từ xa để phát hiện các loại tội phạm manh nha ngay từ đầu, từ đó tham mưu cho Đảng ủy, Chỉ huy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh có kế hoạch, chuyên án để đấu tranh triệt phá. Phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động nhân dân dọc trên tuyến biên giới không tiếp tay, bao che cho tội phạm…

Theo Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, để bảo đảm công tác phòng, chống buôn lậu hiệu quả, Cục Hải quan thành phố quán triệt lãnh đạo, công chức luôn tăng cường cảnh giác, nắm vững diễn biến tình hình thực tế tại địa bàn, đặc biệt là cảng biển, sân bay và hoạt động chuyển phát nhanh, chủ động áp dụng phương tiện nghiệp vụ để kiểm soát chặt hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá, hành lý, hành khách, phương tiện xuất, nhập cảnh, quá cảnh. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với các chiêu thức buôn lậu, lợi dụng tình hình của các đối tượng để thực hiện hoạt động trái phép nhằm mục đích thẩm lậu hàng hoá vào thị trường nội địa để trốn thuế…