Người phát ngôn trên nêu rõ: "Như Tổng thống Nga đã tuyên bố trước đó, thỏa thuận hết hiệu lực ngày 17/7. Đáng tiếc phần thỏa thuận liên quan đến Nga vẫn không được thực hiện, vì vậy hiệu lực của thỏa thuận chấm dứt".
Theo ông Peskov, quyết định dừng tham gia thỏa thuận ngũ cốc hoàn toàn không liên quan vụ tấn công cầu Crimea ngày 17/7 vì trước đó Nga đã nhiều lần đưa ra lập trường về việc gia hạn thỏa thuận này. Ông Peskov nhấn mạnh, ngay khi phần liên quan đến Nga được thực hiện, phía Nga sẽ ngay lập tức quay trở lại thực hiện thỏa thuận.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đã chính thức thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc về việc không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc. Nga sẽ sớm đưa ra tuyên bố của Bộ Ngoại giao về vấn đề này. Trong khi đó, ngày 16/7, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, chính quyền Mỹ đã chuẩn bị cho khả năng Nga không gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen và Washington đang hợp tác chặt chẽ với Ukraine về vấn đề này.
Thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen ký kết ngày 22/6/2022 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) với thời hạn 120 ngày sau đó được gia hạn ba lần. Một phần của thỏa thuận quy định trình tự đưa ngũ cốc từ các cảng do Kiev kiểm soát, phần khác đề cập việc xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga ra thị trường thế giới vẫn chưa được thực hiện.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov xác nhận phần liên quan đến Nga hoàn toàn không được thực hiện đối với bất kỳ điều khoản nào trong khi việc vận chuyển lương thực của Ukraine được bảo đảm. Ngoài ra, ngũ cốc từ Ukraine được xuất khẩu không phải sang các nước nghèo nhất mà chủ yếu sang phương Tây.
Theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm điều phối chung ở Istanbul, khoảng 33 triệu tấn nông sản đã được xuất khẩu trong quá trình thực hiện thỏa thuận ngũ cốc. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp chỉ nhận được 10% lượng ngô và 40% lượng lúa mì được vận chuyển trong thỏa thuận ngũ cốc.