Trong tuyên bố mới nhất, Thứ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine Yuriy Vaskov cho biết, nước này muốn gia hạn thỏa thuận ngũ cốc thêm ít nhất một năm và mở rộng phạm vi hiệu lực tới cả các cảng ở khu vực Nikolaev - nơi từng đóng góp khoảng 35% lượng lương thực xuất khẩu của Ukraine. Phát biểu ý kiến ngày 18/11, ông Vaskov nói: Chúng tôi hy vọng tuần tới sẽ nhận được phản hồi tích cực, thông qua các đối tác LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thỏa thuận ngũ cốc Ukraine còn được biết đến với tên gọi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, với mục tiêu khơi thông tuyến xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen. Thỏa thuận được Nga và Ukraine ký riêng rẽ hôm 22/7, tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, với hiệu lực 120 ngày, tức là đến ngày 19/11 tới. Theo số liệu của Ukraine, kể từ khi thỏa thuận được triển khai, đến nay Ukraine đã xuất khẩu được khoảng 10 triệu tấn ngũ cốc và nông sản.
Ngày 29/10, Nga bất ngờ tuyên bố đình chỉ tham gia thỏa thuận, với lý do “không thể bảo đảm an toàn cho các tàu dân sự đi qua Biển Đen” sau vụ tấn công nhằm hạm đội Nga tại bán đảo Crimea. Tuy nhiên, đến ngày 2/11, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Moscow quyết định nối lại tham gia thỏa thuận ngũ cốc, sau khi được biết qua các nhà trung gian LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ rằng, Ukraine bảo đảm bằng văn bản sẽ không sử dụng hành lang an ninh trên Biển Đen cho mục đích quân sự.
Ngày 7/11, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar xác nhận, thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine đã khẳng định bảo đảm nêu trên với Nga. Vì thế, Ankara quyết định đưa ra đề xuất kéo dài thêm một năm thực thi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Bộ trưởng Akar nhấn mạnh, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen là một thí dụ điển hình cho thấy các bên có thể giải quyết bất đồng thông qua đàm phán.
Trong khi đó, Mỹ cũng nhắc lại cam kết “ủng hộ vững chắc” dành cho Ukraine. Tại cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm Kiev ngày 8/11, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cũng nhấn mạnh, Mỹ ủng hộ nỗ lực nhằm giảm tác động tiêu cực của xung đột tại Ukraine đối với an ninh lương thực toàn cầu, trong đó có việc duy trì thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen.
Ukraine là một trong nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của Ukraine gián đoạn nghiêm trọng kể từ khi xung đột nổ ra tháng 2 vừa qua. Trong báo cáo số liệu công bố ngày 7/11, Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết, trong vụ mùa 2022-2023, đến nay Ukraine mới xuất khẩu được gần 14,3 triệu tấn ngũ cốc, giảm hơn 30% so khối lượng của vụ mùa trước. Dự kiến, trong cả năm nay, Ukraine chỉ thu hoạch từ 50 triệu đến 52 triệu tấn ngũ cốc, giảm mạnh so con số 86 triệu tấn của năm 2021.