Khúc mắc trong thỏa thuận ngũ cốc

Hơn nửa thời gian được gia hạn để thực hiện Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đã trôi qua, song yêu cầu của Nga giải quyết khúc mắc liên quan triển khai thỏa thuận vẫn chưa được đáp ứng. Tổng Thư ký LHQ đã đề xuất một số phương án, song Moscow nói rằng, cần thêm thời gian để nghiên cứu.
0:00 / 0:00
0:00
Một tàu chở ngũ cốc từ Ukraine lưu thông qua Biển Đen. Ảnh: AP
Một tàu chở ngũ cốc từ Ukraine lưu thông qua Biển Đen. Ảnh: AP

Trong cuộc trao đổi ý kiến mới nhất với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, ngày 24/4 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhắc lại rằng, việc thực thi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen không đạt tiến triển và khúc mắc về tính toàn diện của thỏa thuận vẫn chưa được giải tỏa.

Tại cuộc gặp, Tổng Thư ký LHQ xác nhận đã đưa ra hướng giải quyết khúc mắc liên quan thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Theo đó, ông Guterres đề xuất phương án trong các bức thư kín gửi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin và các bên liên quan, bao gồm Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Đáp lại, phía Nga cho biết, cần thêm thời gian để xem xét. Bộ trưởng Lavrov nêu rõ: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu những ý tưởng mà Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã đưa ra trong thư”. Ông Lavrov cũng nhấn mạnh rằng, đến nay việc đàm phán vấn đề này vẫn chưa có nhiều tiến triển.

Trong thông báo về kết quả cuộc gặp trên, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ rằng, như đã nhất trí ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi tháng 7/2022, thỏa thuận ngũ cốc đặt trọng tâm vào vấn đề xuất khẩu lương thực của Ukraine và khả năng tiếp cận thị trường thế giới của nông sản và phân bón của Nga. Tuy nhiên, tính chất tính toàn diện được nêu rõ trong thỏa thuận đến nay vẫn chưa được bảo đảm đầy đủ.

Tại cuộc họp báo ở Moscow, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cho biết, thỏa thuận giữa Moskva và LHQ liên quan hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga không được thực hiện và còn rất nhiều chi tiết cần tiếp tục được thảo luận. Bà Zakharova nói: “Đó là một thỏa thuận bao gồm hai phần và cả hai phần phải được thực hiện và thực hiện như nhau”.

Trong khi đó, người đứng đầu Liên minh Ngũ cốc Nga Arkady Zlochevsky cho rằng, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen chưa mang lại điều gì tích cực cho Nga, hoặc giúp thúc đẩy cung ứng nông sản cho thị trường toàn cầu. Theo ông Zlochevsky, Nga có thể xuất khẩu 60 triệu tấn ngũ cốc trong năm nay, trong đó có 50 triệu tấn lúa mì. Tuần trước, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev cũng cho biết, Nga có thể thu hoạch 123 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có 78 triệu tấn lúa mì trong niên vụ 2023.

Nga đã nhiều lần yêu cầu rằng những trở ngại chính với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga phải được tháo gỡ, cụ thể là kết nối lại Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Các yêu cầu khác bao gồm nối lại việc cung ứng máy móc và phụ tùng máy móc nông nghiệp, dỡ bỏ các hạn chế với bảo hiểm và tái bảo hiểm, tiếp cận các cảng, nối lại đường ống dẫn khí amoniac Togliatti-Odesa và ngừng phong tỏa tài sản cũng như tài khoản của các công ty Nga liên quan đến thực phẩm và xuất khẩu phân bón.

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng rẽ hồi tháng 7/2022, với vai trò trung gian của LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận đã được gia hạn 120 ngày lần đầu vào tháng 11/2022 và tiếp tục gia hạn 60 ngày, cho đến ngày 18/5 tới. Gần đây, Nga tuyên bố sẽ rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc sau khi thời gian gia hạn kết thúc, nếu những biện pháp hạn chế của phương Tây nhằm ngăn chặn xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga không được dỡ bỏ.

Trong khi đó, Nga tuyên bố để ngỏ khả năng Moskva có biện pháp đáp trả nếu Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp đặt lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa vào Nga. Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Dmitry Medvedev nêu rõ, ý tưởng của G7 về cấm hoàn toàn xuất khẩu hàng hóa sang Nga đồng nghĩa việc xuất khẩu các mặt hàng quan trọng nhất từ Nga sang các nước G7 chấm dứt.

Trong trường hợp này, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sẽ chấm dứt và G7 không nhận được nhiều loại sản phẩm mà họ cần. Nga cũng cảnh báo, việc cấm hoàn toàn xuất khẩu hàng hóa vào Nga chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.