Nâng tốc độ chạy xe trên đường vành đai 3 trên cao lên 90 km/giờ

NDO -

NDĐT - Ngày 23-2, Tổng Cục trưởng Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) Nguyễn Văn Huyện đã có văn bản đề nghị Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội điều chỉnh vạch sơn, biển báo trên đường vành đai 3 Hà Nội (trên cao) và nâng tốc độ khai thác từ 80 km/giờ lên 90 km/giờ nhằm bảo đảm khai thác hiệu quả, giảm bớt ùn tắc lưu lượng phương tiện vào trong nội đô.

Nâng tốc độ chạy xe trên đường vành đai 3 trên cao lên 90 km/giờ

Theo đó, tại Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT “quy định về tốc độ và khoảng cách xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ” có hiệu lực từ ngày 1-3 tới; đường đôi có dải phân cách giữa, xe ô-tô con, xe ô-tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt), ô-tô tải có trọng tải đến 3,5 tấn sẽ được khai thác với tốc độ tối đa 90km/giờ.

Đường vành đai 3 không có giao cắt đồng mức, là đường riêng biệt; vì vậy, Tổng cục ĐBVN đề nghị điều chỉnh tốc độ cho phép khai thác từ 80km/giờ (hiện tại) thành 90 km/giờ kể từ ngày 1-3-2016.

Để giải quyết phù hợp tình hình giao thông, tăng năng lực thông hành, giảm nguy cơ ùn tắc, Tổng cục ĐBVN cũng đề nghị Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh vạch sơn, biển báo tại khu vực đường xuống và đường lên.

Hiện nay, tại khu vực đường xuống, có tình trạng nhiều trường hợp xe muốn rẽ phải để xuống khỏi đường vành đai 3 nhưng không đi vào làn rẽ phải mà đi vào làn sát dải phân cách giữa, đến gần chỗ rẽ mới rẽ phải gây xung đột với các xe đi thẳng làm ùn tắc, mất ATGT. Mặt khác, dải an toàn trên đường xuống rộng khoảng 1-2 m, gây thắt hẹp mặt cắt ngang và năng lực thông xe.

Vì vậy, Tổng cục ĐBVN đề nghị Sở GTVT Hà Nội bổ sung vạch sơn nét liền, kết hợp với sơn nét đứt (hiện có) một đoạn phù hợp khoảng 300-500 m trên đoạn trước khi ra khỏi đường vành đai 3. Đồng thời, bổ sung, khôi phục vạch mũi tên để báo trước làn đường và hướng đi.

Mặt khác, điều chỉnh thay vạch sơn nét liền phân cách với dải an toàn trên đoạn đường dẫn bằng vạch sơn nét liền kẻ sát ra mép đường (kẻ đối xứng tương tự như vạch hiện tại phía bên trái); đồng thời điều chỉnh vạch sơn khu vực tiếp giáp cho phù hợp.

Đối với khu vực đường lên, lượng xe và nhu cầu lên đường vành đai 3 vào giờ cao điểm lớn, khả năng thông xe trên đường vành đai 3 tốt nhưng đường lên chỉ tổ chức một làn xe cơ giới, phần mặt đường còn lại để bố trí dải an toàn rộng 1-2m, làm giảm khả năng lưu thông.

Vì thế, cần phải điều chỉnh thay vạch sơn nét liền phân cách với dải an toàn trên đoạn đường dẫn bằng vạch sơn nét liền kẻ sát ra mép đường (kẻ đối xứng tương tự như vạch hiện tại phía bên trái).