Võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm và phát triển mạnh vào thời Tây Sơn-Nguyễn Huệ ở thế kỷ 18, đến nay vẫn duy trì được sự lớn mạnh qua nhiều đóng góp cho nền võ thuật Việt Nam. Năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định quyết định thành lập Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định nhằm tạo điều kiện pháp lý để giao lưu, trao đổi các dòng võ cổ truyền nói chung ở nước ta. Năm 2014, võ Bình Định được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép lập hồ sơ Võ thuật cổ truyền Bình Định trình UNESCO đề cử ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời có ý kiến chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phối hợp và hỗ trợ tỉnh lập hồ sơ khoa học di sản Võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2021-2025.
Bình Định hiện có hơn 100 võ đường huấn luyện võ thuật cổ truyền, trải rộng khắp 11 huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. Trong đó, hàng nghìn nghệ nhân và võ nhân đang nắm giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể Võ cổ truyền Bình Định. Họ cũng đang tổ chức truyền bá võ thuật cho thế hệ trẻ tại 177 võ đường, câu lạc bộ võ thuật khác nhau trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hiện nay võ Bình Định cũng được nhiều võ đường tổ chức truyền dạy ở các nước châu Âu, châu Mỹ… và nhiều quốc gia khác.
PGS, TS Lê Thanh Bình, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam cho biết, để xây dựng thương hiệu Võ cổ truyền Việt Nam bài bản, cần sử dụng các chiến lược hấp dẫn, chuyên nghiệp, tạo dựng hình ảnh, danh tiếng võ cổ truyền nước ta (gồm võ đạo, võ thuật, võ lý), vừa thể hiện được bản sắc văn hóa Việt Nam, vừa mang tính cạnh tranh hấp dẫn trên trường quốc tế. Ngày nay, văn hóa được coi là “sức mạnh mềm” của quốc gia, Võ thuật cổ truyền Việt Nam, với tư cách một giá trị văn hóa có thể góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam đẹp đẽ, tín nghĩa, thượng võ… đến bạn bè các nước trên thế giới.
Có thể thấy, võ cổ truyền ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó không chỉ đơn thuần là những bài võ nhằm rèn luyện kỹ năng, khả năng tự vệ mà còn hướng tới sự hòa hợp về thể chất và tinh thần, khơi dậy lòng tự hào, tinh thần thượng võ của dân tộc, tinh thần nhân văn của con người Việt Nam.
Ngày 19/8/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký Quyết định 252/CT cho phép thành lập Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Trải qua 32 năm trưởng thành và phát triển, Liên đoàn đã góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển võ thuật cổ truyền, hướng dẫn quần chúng nhân dân tham gia tập luyện, thi đấu, biểu diễn võ thuật để rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Từ đó đến nay, đã có hàng nghìn câu lạc bộ võ thuật cổ truyền được thành lập, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện thường xuyên. Hiện nay, có hơn 40 tỉnh, thành phố, ngành đã thành lập liên đoàn võ thuật với gần 100 võ phái, võ đường được công nhận.
Từ năm 2015 đến nay, Võ thuật cổ truyền Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong các hoạt động liên quan việc quảng bá và phát triển võ thuật cổ truyền ra quốc tế. Cùng với đó là hỗ trợ thành lập nhiều Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tại các quốc gia, châu lục, giúp Võ thuật cổ truyền Việt Nam xuất hiện ở gần 70 quốc gia trên thế giới. Hiện nay, thế giới biết nhiều đến các phái như Karate và Judo của Nhật Bản, Taekwondo của Hàn Quốc, Wushu của Trung Quốc, đối với khu vực thì Indonesia có Pencaksilat và Việt Nam dần có tên tuổi trên bản đồ võ thuật quốc tế với việc phát triển Vovinam là nội dung thi đấu thứ ba tại SEA Games. Tuy nhiên, võ thuật cổ truyền rất phong phú và Vovinam không phải là đại diện duy nhất. Do đó, nhiệm vụ lâu dài của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan Võ cổ truyền Việt Nam là xây dựng võ thuật trở thành một môn thể thao dân tộc để không chỉ tất cả mọi vùng trong nước hiểu rõ, trân trọng, nêu cao trách nhiệm vun đắp, mà còn có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.
Viện trưởng Nghiên cứu, phát triển và quảng bá võ học Việt Nam Phạm Đình Phong kiến nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục-Thể thao cần xây dựng đề án trình Chính phủ cho phép Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam hình thành các đội tuyển võ dân tộc, cấp kinh phí tập luyện quanh năm tương tự như các đội tuyển
võ ngoại như: Taekwondo, Karate, Pencaksilat… để vừa nâng cao trình độ đỉnh cao, vừa làm nhiệm vụ thi đấu quốc tế, đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để bước lên sân chơi chuyên nghiệp SEA Games và cao hơn, tương tự như nền võ thuật của các nước trong khu vực và châu Á… Ngoài ra, cần xây dựng các chiến lược, chính sách, cơ chế xây dựng cơ sở vật chất, nhà thi đấu, các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, bảo tồn, truyền bá võ thuật cổ truyền mang tầm quốc gia và quốc tế, từ đó, nâng cao vai trò, vị thế, tầm vóc võ thuật Việt Nam để hội nhập quốc tế, từng bước vươn lên ngang tầm các nước có nền võ học tiên tiến trên thế giới ■