Đông đảo các chuyên gia, những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành đã đưa ra những ý kiến đóng góp thiết thực, xác đáng để nâng tầm Giải thưởng Sách Quốc gia cao hơn trong giai đoạn mới. Đây là những ý kiến đóng góp được nêu ra tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án Giải thưởng Sách Quốc gia, do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam chủ trì.
Cần tăng đầu tư và tháo gỡ vướng mắc về tài chính
Nhiều đại biểu cho rằng, nên thay đổi cơ cấu giải thưởng hiện nay cho phù hợp với thực tế xuất bản, đồng thời thu hút sự quan tâm nhiều hơn nữa của đông đảo bạn đọc.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ, Giải Sách Quốc gia hằng năm diễn ra thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Giải Sách Quốc gia hằng năm diễn ra thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam
Ông Hoàng Phong Hà, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, hiện tại kinh phí dành cho Giải thưởng quá thấp, chỉ 880 triệu đồng, chi cho cả trao giải, cả các hội đồng sơ khảo, chung khảo chấm giải là chưa đủ, chưa khuyến khích, chưa tạo được động lực về tinh thần và vật chất để tác giả và các đơn vị tham dự giải, đồng thời khó huy động đội ngũ gần 70 chuyên gia đầu ngành để chấm giải. Thêm vào đó, trong triển khai cơ chế tài chính còn có một số phức tạp.
Ông Nguyễn Nguyên phát biểu tại Hội nghị. |
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cũng cho rằng với quy mô, ý nghĩa và sức lan tỏa của Giải thưởng Sách quốc gia, việc Nhà nước bổ sung kinh phí kết hợp việc Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục chủ động tìm kiếm, vận động các nguồn lực xã hội để nâng cao giá trị giải thưởng, tổ chức chấm và trao giải xứng tầm giải thưởng cấp quốc gia là rất quan trọng.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, cần đề xuất Chính phủ huy động nguồn lực xã hội để có đầu tư hơn nữa cho giải thưởng, đồng thời ông cũng gợi ý tổ chức thêm hạng mục do người đọc bình chọn để tăng tính lan tỏa của giải sách.
Nên thay đổi cơ cấu giải thưởng
PGS, TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. |
PGS, TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận xét, nếu như trước kia, giải thưởng chỉ nói đến tác giả, thì nay đã nhắc đến cả nhà xuất bản, các biên tập viên, biên dịch viên, những người làm công việc xuất bản đã có công phát hiện tác phẩm hay, có giá trị, làm “bà đỡ” cho những cuốn sách nhiều thể loại…
Chính vì thế, một số ý kiến đã đề nghị nên có sự điều chỉnh đối với cơ cấu giải thưởng, ghi nhận nhiều hơn công lao của đội ngũ xuất bản. Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần điều chỉnh lại tỷ lệ phần thưởng giữa tác giả và nhà xuất bản, thí dụ như sách Việt thì 50% giải thưởng cho tác giả, 50% giải thưởng cho nhà xuất bản…
Về phân chia mảng sách, một số ý kiến tại Hội nghị cho rằng, nên điều chỉnh lại sao cho phù hợp với thực tế và cũng thu hút sự quan tâm nhiều hơn từ bạn đọc. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) cho rằng, mảng văn học còn tương đối mờ nhạt khi xếp chung trong thể loại sách văn hóa, văn học nghệ thuật, trong khi thơ văn hiện nay lại được bạn đọc quan tâm đến nhiều. Nhà văn đề xuất nên tăng thêm thành viên Hội đồng xét duyệt sách văn học để không bị lọt tác phẩm hay, bởi vì hiệu ứng từ văn học và thơ đối với xã hội sẽ lớn.
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi (Giám đốc Công ty Chi Books) cũng chung ý kiến này khi đề nghị tách riêng các mảng sách văn học, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, thiếu nhi… Bà Nguyễn Lệ Chi cũng đề nghị chú trọng hơn vào sách Việt Nam, đồng thời mở rộng thêm giải thưởng dành cho tác phẩm Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài để cổ vũ, khích lệ việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, tôn vinh các giá trị của văn hóa Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn học cũng cho rằng, lâu nay Hội đồng vẫn chú trọng nhiều hơn vào các công trình quá hàn lâm, chuyên sâu, không phục vụ cho các đối tượng độc giả rộng rãi. “Để giải thưởng đạt tới giá trị cuối cùng là tôn vinh và lan tỏa, thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng, chúng ta cũng cần những cuốn sách phù hợp hơn với thị hiếu bạn đọc” - ông Nguyễn Anh Vũ nói.
Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Vũ cũng đề cập đến việc cho đến nay, vẫn chưa có giải thưởng nào cho mảng sách điện tử. Nên chăng, cần có sự ưu ái đối với các mảng sách điện tử trong bối cảnh chúng ta đang cổ vũ, tuyên truyền mạnh cho việc xuất bản điện tử.
Lan tỏa giá trị của những bộ sách quý
Đông đảo đại diện các nhà xuất bản, đơn vị phát hành... đến dự Hội nghị. |
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho rằng, cho đến nay, vẫn chưa tổ chức được các cuộc tọa đàm về các tác phẩm được giải Sách Quốc gia, cho nên vẫn chưa thể lan tỏa rộng rãi được giá trị của các bộ sách này đến với bạn đọc. Có những lúc nhà trường và sinh viên cần tìm sách để làm tài liệu phục vụ cho việc học tập, nhưng rất khó. Hội Nhà văn Việt Nam thường nhận được thư của các thầy, cô giáo từ vùng sâu, vùng xa gửi đến nhờ hỏi xin sách để nghiên cứu, học tập. Nhà văn cho rằng, đối với những bộ sách quý, có giá trị cao như các tác phẩm đoạt giải Sách Quốc gia, cần có cơ chế xin Chính phủ hỗ trợ việc in và kêu gọi mạnh thường quân.
“Cùng với các tác phẩm sách được trao Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, thì các tác phẩm đoạt giải Sách Quốc gia cũng nên được Nhà nước đầu tư in ấn” - nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nói.
Chung ý kiến này, PGS, TS Trần Đức Cường cho rằng, nhiều tác phẩm đoạt giải Sách Quốc gia không bán rộng rãi, người cần sách không mua được, nhưng người không cần có khi lại được biếu. “Ở một số nước, người ta làm nhiều loại sách, có sách đẹp, đắt tiền, nhưng cũng có những loại sách rất rẻ, bán như cho. Chúng ta cần làm thế nào để giá trị của các bộ sách được giải hằng năm được lan tỏa hơn nữa” - PGS, TS Trần Đức Cường bày tỏ.
Ngoài việc đề nghị tổ chức các chuỗi tọa đàm, talkshow về sách đoạt giải, các đại biểu còn cho rằng cần phối hợp thêm với các cơ quan báo chí, truyền thông để giới thiệu, quảng bá sách, mà Đài Truyền hình Việt Nam là một đơn vị có tính lan tỏa cao, cả trong tường thuật lễ trao giải và giới thiệu sách. Dịch giả Nguyễn Lệ Chi còn đề nghị dịch một số tác phẩm đoạt giải ra tiếng nước ngoài để quảng bá.
Ngoài ra, vai trò của các đơn vị xuất bản cũng được đề cập đến trong việc đồng hành quảng bá sách đoạt giải. Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn học Nguyễn Anh Vũ phân tích, hiện nay sách được trao giải phần lớn là sách liên kết, cho nên việc phát hành rộng rãi hay in thêm cũng phụ thuộc vào đối tác liên kết. Vì thế, cần có sự tác động tới đối tác liên kết để họ nhận thức được điều này.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm. |
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ quan điểm cùng các đại biểu, đồng thời ông cũng mong muốn sẽ có sự cộng hưởng, hợp tác trong việc quảng bá, lan tỏa sách được giải từ phía Đài Truyền hình Việt Nam, trong đó có cả việc chuyển thể sách thành phim, kéo dài thêm vòng đời của sách. Thứ trưởng cũng cho rằng nên thu hút sự tham gia của các chủ thể mới để giải thưởng phản ánh rộng lớn hơn nữa các mặt của xã hội, thu hút sự chú ý, quan tâm của cộng đồng. Làm sao để Giải thưởng không chỉ tôn vinh sách, tôn vinh tác phẩm, mà còn tôn vinh văn hóa đọc và các hành vi liên quan đến sách.
Nên thu hút sự tham gia của các chủ thể mới để giải thưởng phản ánh rộng lớn hơn nữa các mặt của xã hội, thu hút sự chú ý, quan tâm của cộng đồng. Làm sao để Giải thưởng không chỉ tôn vinh sách, tôn vinh tác phẩm, mà còn tôn vinh văn hóa đọc và các hành vi liên quan đến sách.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm
Khép lại một hành trình 5 năm và mở ra một giai đoạn mới, Giải thưởng Sách Quốc gia đang chứng tỏ uy tín và vị thế của mình trong việc phát triển, thúc đẩy và lan tỏa văn hóa đọc, đưa người đọc tới gần hơn kho tàng tri thức và những giá trị nhân văn, thẩm mỹ đích thực.
Dù chịu tác động của dịch Covid 19 trong các năm 2020, 2021 nhưng Giải thưởng sách Quốc gia vẫn được tổ chức liên tục, không gián đoạn với 139 cuốn sách, bộ sách đạt giải, trong đó có 14 Giải A, 54 Giải B, 71 Giải C.