Nâng tầm giá trị gạch, gốm đỏ Vĩnh Long

Những năm gần đây, nhiều sản phẩm gạch, gốm đỏ độc đáo của Vĩnh Long được đưa ra thị trường nhiều hơn. Tỉnh Vĩnh Long đã quan tâm tổ chức nhiều sự kiện, vừa giúp nâng cao giá trị làng nghề gạch, gốm đỏ, vừa góp phần đưa sản phẩm của làng nghề truyền thống tiếp cận đến đông đảo khách hàng trong nước và quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan, trải nghiệm sản xuất sản phẩm gốm tại Vĩnh Long.
Du khách tham quan, trải nghiệm sản xuất sản phẩm gốm tại Vĩnh Long.

Mới đây, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần thứ nhất năm 2024 (từ 16-23/11). Đây không chỉ là dịp để tôn vinh những thế hệ đi trước đã tạo ra sản phẩm gạch, gốm đỏ trường tồn đến ngày nay, mà còn được xem là “di sản đương đại” để tiếp tục bảo tồn và phát triển…

Đa dạng sản phẩm làng nghề

Vào những ngày này, khi đến với làng nghề sản xuất gạch, gốm Kinh Thầy Cai, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, nhiều người dễ dàng nhận thấy khí thế sản xuất nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều xe tải lớn, nhỏ trên bờ, nhiều sà-lan dưới sông liên tục vận chuyển sản phẩm. Làng nghề sản xuất gạch, gốm trở nên náo nhiệt hơn sau sự kiện Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh vừa qua.

Ông Nguyễn Chí Hiếu ở xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Sau Festival, du khách đến đây nhiều hơn, hoạt động sản xuất của làng nghề cũng sôi nổi hơn. Hy vọng, nhiều sản phẩm của làng nghề sẽ được du khách ưa chuộng và đặt hàng nhiều hơn”. Ông Trần Quốc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Hiệp Lợi 3 chia sẻ: “Ngoài những mặt hàng truyền thống như chậu các loại, gần đây, công ty của chúng tôi sản xuất thêm các mặt hàng nhỏ, mặt hàng tiểu cảnh phục vụ khách du lịch. Bây giờ, nhu cầu của khách hàng cũng khá đa dạng. Công ty luôn cố gắng tạo ra những mẫu mã mới, những màu sắc mới, nhưng cái màu gốm đỏ của Vĩnh Long thì chúng tôi vẫn luôn giữ”.

Ông Nguyễn Văn Buôi, người luôn tâm huyết với các sản phẩm gạch, gốm đỏ Vĩnh Long, ngụ Phường 5, thành phố Vĩnh Long cho biết: “Gạch, gốm Vĩnh Long chủ yếu là màu đỏ. Nhưng gần đây, ngoài sáng tạo những mẫu mã mới, nhỏ gọn dành cho khách du lịch, chúng tôi còn tạo ra nhiều màu sắc khác mang đặc sản của vùng đất phèn ở Vĩnh Long. Hiện, trong khu vực nhà gốm, chúng tôi có hẳn gian trưng bày đủ loại các sản phẩm từ gốm cho du khách tha hồ lựa chọn. Chúng tôi còn cung cấp cho những ai có nhu cầu xây dựng những căn nhà lớn, nhỏ toàn bằng gốm nhằm bảo tồn và tôn vinh giá trị gạch, gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long”.

Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long Đoàn Thị Ngọc Diệp cho biết: “Để nâng tầm gốm đỏ Vĩnh Long, vấn đề phát triển mẫu mã sản phẩm mới là rất cần thiết. Hiệp hội đã phối hợp triển khai Đề án hỗ trợ ngành công thương tỉnh trong việc thực hiện nghiên cứu thiết kế mẫu mã mới để các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới đưa ra thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm đang được khuyến khích là gốm tặng phẩm, gốm sử dụng cho du lịch để khi du khách đến Vĩnh Long sẽ mua được những món quà lưu niệm từ gốm đỏ…”.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Mang Thít, hiện trên địa bàn huyện có 56 cơ sở sản xuất gạch ngói bằng lò thủ công truyền thống còn hoạt động. Có 18 cơ sở với 24 lò Hoffman và 4 cơ sở với bốn lò nung liên hoàn và 13 cơ sở sản xuất gốm đang hoạt động. Tổng giá trị sản xuất gạch, gốm năm 2024 là 117,35 tỷ đồng, tăng 9,98% so với năm 2023. Trong đó, gạch đạt giá trị 102,681 tỷ đồng (tăng 10,62% so với năm 2023); gốm đạt giá trị 14,669 tỷ đồng (tăng 5,67% so với năm 2023)...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mang Thít Lê Thành Phương cho biết, tỉnh đang từng bước nâng cao giá trị của sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long. Song song việc đầu tư cải tiến sản xuất nhằm đa dạng các mẫu mã, địa phương cũng chú trọng phát triển các điểm tham quan, trải nghiệm về gốm như các cửa hàng trưng bày, mua bán đồ gốm mỹ nghệ, trang trí tiểu cảnh, tour tuyến du lịch làng nghề gạch gốm nhằm mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm gốm kết hợp với phát triển văn hóa-du lịch của địa phương...

Sớm triển khai Đồ án quy hoạch

Vùng đất Vĩnh Long trù phú nằm giữa đôi nhánh sông Tiền và sông Hậu, được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn tài nguyên đất sét để hình thành nên ngành sản xuất gạch, gốm nổi tiếng nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Trở về những năm 1980, cả vùng có gần 3.000 lò gạch trải dài gần 30 km thuộc huyện Long Hồ và Mang Thít, hoạt động quanh năm.

Người dân nơi đây sinh ra đã gắn bó với nghề, qua bao thế hệ đúc kết thành kỹ thuật nung chỉ bằng lò gạch. Đáng chú ý, sản phẩm gốm với màu đỏ đặc trưng từ đất sét tạo nét riêng cho gốm Vĩnh Long mà không nơi nào có được. Sản phẩm đã xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như EU, Hoa Kỳ, châu Úc, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản,… được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, từ những năm 2010 trở lại đây, các cơ sở lò gạch gặp nhiều khó khăn nên quy mô và công suất hoạt động không còn như trước. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Vĩnh Long còn hơn 20 doanh nghiệp sản xuất gốm, sản lượng trung bình đạt khoảng 5 triệu sản phẩm, ước giá trị mang lại khoảng 400 tỷ đồng/năm.

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã công bố Đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu lò gạch, gốm huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045. Đồ án nhằm hiện thực hóa chủ trương xây dựng khu vực bảo tồn và phát triển di sản làng nghề gạch, gốm Mang Thít đã có lịch sử truyền thống hơn 100 năm qua. Theo đó, toàn bộ vùng di sản khoảng 3.060 ha thuộc 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh, huyện Mang Thít được bảo tồn lò gạch gốm. Hiện, đã có 364 hộ cam kết giữ lại 653 lò đã ngưng hoạt động để làm du lịch. Đây là cơ sở đưa làng nghề gạch, gốm đỏ Mang Thít trở thành di sản văn hóa đương đại trong tương lai.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho biết, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu lò gạch, gốm huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045 đánh dấu bước phát triển trong bối cảnh mới nhằm bảo tồn, phát huy và giữ gìn bản sắc riêng của khu vực, trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Vĩnh Long. Định hướng xây dựng là nơi này sẽ trở thành khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh Vĩnh Long nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.