Nặng nghĩa đồng bào miền nam hướng về miền bắc

Tang thương, mất mát, xót xa đối với cán bộ, chiến sĩ, người dân nhiều tỉnh, thành phố miền bắc do bão số 3 (Yagi) gây ra đến tận hôm nay vẫn chưa dừng lại. Thông tin cập nhật từ các địa phương về những thiệt hại tiếp tục làm quặn đau đồng bào cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Nhóm thiện nguyện Trái tim yêu thương chuẩn bị các nhu yếu phẩm để vận chuyển đến với đồng bào các tỉnh phía bắc. (Ảnh THIÊN VƯƠNG)
Nhóm thiện nguyện Trái tim yêu thương chuẩn bị các nhu yếu phẩm để vận chuyển đến với đồng bào các tỉnh phía bắc. (Ảnh THIÊN VƯƠNG)

Và rồi, cùng cả nước, cán bộ, nhân dân các tỉnh, thành phố miền nam đã biến những đau buồn đó thành hành động ủng hộ, cứu trợ ý nghĩa, hướng về đồng bào miền bắc ruột thịt.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, truyền thống “lá lành đùm lá rách”, đau thương, hoạn nạn bao bọc lấy nhau vẫn được cán bộ, chiến sĩ, người dân cả nước khơi lên để mong đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề của bão, lũ sớm vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống.

Những tấm lòng thơm thảo

Sáng sớm 13/9, tại Nhà văn hóa xã Phú Túc (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), hàng chục phụ nữ đã có mặt để tiếp nhận tiền, nhu yếu phẩm, quần áo, chăn, màn… ủng hộ đồng bào các tỉnh phía bắc bị thiệt hại do bão, lũ. Bước vào bàn đăng ký với khuôn mặt đượm buồn, bà Nguyễn Thị Chín, 64 tuổi, mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo đặt lên bàn tờ tiền 100.000 đồng nhờ cô nhân viên gửi gắm đến đồng bào miền bắc.

Bà Chín còn khó khăn. Ngày bán nhiều, bà kiếm được khoảng 150.000 đồng, chạy ăn từng ngày. Cô nhân viên hỏi, ủng hộ chừng này thì hôm nay bà lấy gì mua đồ ăn? Bà Chín nói: “Qua truyền hình, tôi rơi nước mắt khi thấy những hình ảnh tang thương của đồng bào mình.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, truyền thống “lá lành đùm lá rách”, đau thương, hoạn nạn bao bọc lấy nhau vẫn được cán bộ, chiến sĩ, người dân cả nước khơi lên để mong đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề của bão, lũ sớm vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống.

Tôi còn đi lại được, mai này, đi sớm về trễ xíu sẽ bù lại được. Cô cứ chuyển cho bà con giúp tôi”. Hoàn tất công việc đầu tiên trong ngày, bà Chín tiếp tục rong ruổi trên khắp các ngả đường của xã với xấp vé số trên tay.

Trong sáng 13/9, phụ nữ xã Phú Túc cũng quyết định “khui” con heo đất nuôi bấy lâu nay. Đây là số tiền tiết kiệm có được từ mô hình “Ngôi nhà xanh” biến rác thải thành tiền để giúp đỡ hội viên phụ nữ khó khăn, học sinh nghèo hiếu học; nhưng hôm nay, toàn bộ số tiền hơn 35 triệu đồng sẽ ngược ra miền bắc để hỗ trợ người dân gặp thiên tai.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết: Sau ba ngày phát động, nhân dân tỉnh Bến Tre đã đóng góp hơn 2,2 tỷ đồng và nhiều vật dụng, nhu yếu phẩm ủng hộ đồng bào các tỉnh phía bắc.

Quán nước cũ kỹ nằm ở địa chỉ 93 Võ Văn Kiệt (phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) có nhiều thùng bánh, sữa, mì ăn liền, nước uống… được chất đầy từ trong nhà tràn ra ngoài vỉa hè. Trước cổng, nhiều tình nguyện viên đang phân loại hàng cho vào từng túi để thuận tiện phát cho người dân các địa phương vùng lũ. Chị Trần Thị Xuân Quý, chủ quán nước cho biết: Sau hơn một ngày kêu gọi (từ chiều 12/9) trên mạng xã hội với khẩu hiệu “Tình người Bình Thuận hướng về miền bắc”, nhóm tình nguyện đã nhận được nhiều hàng hóa do người dân gửi đến.

Nhóm dự kiến xuất phát trong ngày 13/9 để chở hàng từ thiện đến tỉnh Yên Bái. Đồng hành với hoạt động này, lái xe Đoàn Trung Dũng vui vẻ kể: “Tôi quyết định vận chuyển miễn phí toàn bộ hàng hóa này ra các tỉnh miền bắc để cứu trợ người dân vùng lũ. Tôi thấy chẳng mất mát gì mà còn được rất nhiều niềm vui”.

Tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, chỉ trong mấy ngày qua, anh Nguyễn Hữu Lộc, Trưởng nhóm thiện nguyện Trái tim yêu thương cùng các thành viên đã nhận hơn 30 tấn nhu yếu phẩm do các nhà hảo tâm ủng hộ. Tất bật phân loại, đóng gói, tối 13/9, một số thành viên đã lên đường cứu trợ.

Anh Lộc cho biết: Công tác tiếp nhận sẽ được nhóm thực hiện để dự kiến trong tuần sau, các chuyến hàng sẽ tiếp tục đến với người dân vùng lũ. Không thể cầm lòng trước những hình ảnh đau thương do bão lũ gây ra với đồng bào mình, anh Trần Cao Đại Kỳ Quân, ngụ phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa đã lên các nhóm Zalo của cá nhân để vận động. Với số tiền hơn 150 triệu đồng nhận được sau hơn một ngày, anh và bạn bè dự kiến sẽ trao tận tay đến người dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).

Nặng nghĩa đồng bào miền nam hướng về miền bắc ảnh 1

Phụ nữ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre tiếp nhận hàng hóa ủng hộ đồng bào miền bắc bị thiệt hại do bão số 3. (Ảnh HOÀNG TRUNG)

Với tinh thần đoàn kết, chia sẻ, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai Viên Hồng Tiến cho biết: Ngay khi nhận được các thông tin về thiệt hại do thiên tai ở miền bắc, Đồng Nai đã chuyển số tiền 5 tỷ đồng trích từ Quỹ cứu trợ xã hội của tỉnh để chung tay hỗ trợ. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai đang kêu gọi các tầng lớp nhân dân, cán bộ, cơ quan, đơn vị ủng hộ tùy theo tấm lòng.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Chủ tịch Công ty Tân Phước Thịnh Phạm Văn Triêm, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, chứng kiến những thiệt hại khủng khiếp về người, tài sản do bão số 3, ông rất xót xa. Ông quyết định thông qua Mặt trận Tổ quốc tỉnh ủng hộ số tiền 300 triệu đồng.

Ông Triêm mong rằng, số tiền này sẽ góp phần, góp sức cùng nhân dân cả nước sớm đưa người dân vùng lũ trở lại với đời sống thường nhật. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết: Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh luôn theo dõi, hỗ trợ người dân vùng thiên tai, bão lũ. Tính đến ngày 13/9, tỉnh đã quyên góp, ủng hộ được hơn 22 tỷ đồng.

Nhìn thấy những đau thương mất mát của đồng bào, anh Đặng Khánh Duy nhanh chóng vận động cán bộ, nhân viên và người lao động trong Công ty TNHH Tân Nhiên do anh làm giám đốc được 80 triệu đồng. Thấy việc làm ý nghĩa của anh, các khách hàng đến liên hệ mua hàng cũng ủng hộ tại chỗ. Kết quả là trong buổi sáng, những tấm lòng trẻ này quyên góp được 100 triệu đồng. Là một thanh niên sớm trải qua mất mát, nghèo khó trong quá khứ, anh Duy thấu hiểu những khó khăn mà nhân dân vùng bị thiên tai gặp phải; đồng thời, với cương vị là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh, anh thấy cần phải có trách nhiệm của người trẻ với cộng đồng.

Ngay trong buổi chiều, anh Duy mang số tiền vận động được sang Tỉnh đoàn Tây Ninh, nơi cũng đang tiếp nhận ủng hộ cho nhân dân các tỉnh phía bắc. Qua mỗi ngày, số tiền ủng hộ vẫn đang tiếp tục tăng lên. Qua kết nối, thông tin từ đồng nghiệp, nhiều tỉnh phía nam như: Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Bến Tre, Tiền Giang, Long An,… cán bộ, nhân dân đang ra sức ủng hộ để sớm chuyển nguồn kinh phí, hàng hóa đến các địa phương bị thiệt hại do mưa, lũ.

Cùng cả nước, vì cả nước

Nhiều học sinh, sinh viên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngại ngần dành hết phần tiền tiết kiệm của mình để quyên góp ủng hộ đồng bào. Em Nguyễn Huỳnh Bảo Nhi và Từ Đăng Nguyên, học sinh Trường THCS Kiến Thiết, Quận 3 đã mang hai con heo đất của mình “nuôi” mấy tháng nay đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh để ủng hộ người dân miền bắc.

Khi đập heo đất, số tiền của hai em tuy không nhiều nhưng khiến mọi người có mặt tại phòng đều được vui lây vì các em đã có những suy nghĩ, hành động ấm áp tình người. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết:

Công tác vận động ủng hộ, đồng hành cùng đồng bào vùng bão, lũ không chỉ trực tiếp hỗ trợ về vật chất, tinh thần, mà những hình ảnh đó còn để lại cho học sinh một bài học về đoàn kết, sẻ chia, cưu mang đùm bọc lẫn nhau-truyền thống ngàn đời của nhân dân ta.

Dù bộn bề với khối lượng công việc công ty nhưng trước những thiệt hại quá lớn do bão lũ gây ra với đồng bào miền bắc, chị Nguyễn Thị Linh, ngụ thành phố Thủ Đức cùng nhóm bạn của mình đã vận động hỗ trợ thông qua các mối quan hệ, đối tác. Sau hơn một ngày, tài khoản của nhóm này đã nhận được gần 1,2 tỷ đồng gửi về.

Chị Linh chia sẻ: Thông qua kết nối với địa phương tại một số tỉnh bị thiệt hại nặng nề, vào tuần tới, nhóm sẽ đến trực tiếp các địa phương để hỗ trợ người dân. Nhóm cũng đã liên hệ để mua dụng cụ sản xuất, con giống, cây giống để mang ra miền bắc.

Còn câu chuyện Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thạch, giảng viên thỉnh giảng Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh không đắn do suy nghĩ việc quyết định rút sổ tiết kiệm trị giá một tỷ đồng để trao gửi đến đồng bào bị thiệt hại, mất mát trong bão là câu chuyện truyền cảm hứng nhiều ngày qua trên mạng xã hội. Bước sang tuổi 76, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thạch vẫn miệt mài giảng dạy, viết sách, nghiên cứu.

Ông tâm sự, tuổi đã cao, nhu cầu chi tiêu không nhiều nên khi chứng kiến những hình ảnh tang tóc, đau thương của nhân dân vùng lũ, ông đã không cầm lòng nổi. Ông cho rằng, số tiền đó là một chút lòng thành của người dân miền nam gửi gắm đến đồng bào mình.

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Khi bão số 3 chuẩn bị đổ bộ, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo triển khai nhiều kế hoạch, sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh phía bắc khắc phục thiên tai. Thành phố đã cử nhiều đoàn công tác đi đến các tỉnh để chung tay cùng chính quyền địa phương khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành phố đã đăng ký và chuyển về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 120 tỷ đồng và trực tiếp hỗ trợ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 10 tỉnh, thành phố mỗi tỉnh 10 tỷ đồng để triển khai các hoạt động ứng phó, giúp đỡ nhân dân bị thiệt hại do bão số 3.

Tại lễ phát động, với truyền thống nhân ái, nghĩa tình qua bao đời nay, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi toàn thể nhân dân, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân cùng chia sẻ, giúp đỡ về tinh thần, vật chất hướng về đồng bào miền bắc với tinh thần hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất đến tận tay các gia đình, nạn nhân bị thiệt hại do bão số 3.

Trong một buổi chiều (12/9), các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm,… đã tiếp tục trao gửi số tiền hơn 64 tỷ đồng (tiền mặt và hàng hóa) đến đồng bào các tỉnh miền bắc để nhanh chóng khắc phục hậu quả.

Những ngày qua, nhiều cá nhân, hội nhóm bằng tất cả tấm lòng của mình đã thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện thiết thực hướng về đồng bào miền bắc. Đó chính là sức mạnh đoàn kết của nhân dân, đồng bào, dân tộc, nhất là trong những thời điểm khó khăn nhất.

Ngày 13/9, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, sở, ngành, địa phương giảm quy mô, tần suất, tạm hoãn tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện nhằm đồng cảm, chia sẻ với người dân vùng lũ. Trong tháng 9, thành phố có các sự kiện lớn như: Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ; Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; sự kiện Gumball 3000 “kỷ niệm 25 năm Gumball 3000”;… Đây là những chương trình sẽ phải thay đổi kế hoạch tổ chức. Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cũng quyết định không tổ chức Lễ khai giảng năm học mới; đồng thời, dành toàn bộ kinh phí (khoảng 100 triệu đồng) để ủng hộ đồng bào bị nạn tại các tỉnh miền bắc.